Thương chiến với Trung Quốc: Cuộc chiến cho tương lai nước Mỹ?

ANTD.VN - Bất chấp những lời cảnh báo về tác động khó lường, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định thế đối đầu hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại là cần thiết, vì đây là cuộc chiến cho tương lai nước Mỹ.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đã đến thời điểm có tính sống còn khi mà khoảng cách giữa hai quốc gia hầu như không còn 

Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng vấn đề với Trung Quốc cần phải được giải quyết để đạt được một thỏa thuận công bằng cho nước Mỹ. Chính vì thế, dù không ít những dự báo tiêu cực được đưa ra, nhà lãnh đạo Mỹ vẫn khẳng định chưa sẵn sàng để có một thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh. 

Thời gian gần đây, những lời chỉ trích nhằm vào ông Donald Trump xuất hiện khá thường xuyên. Mới đây nhất, trong bài viết trên Tạp chí Phố Wall, Giáo sư Jason Furman thuộc trường Harvard Kennedy, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Nhà Trắng từ năm 2013 đến 2017, cáo buộc rằng cách tiếp cận cứng rắn của ông Donald Trump không những không buộc được Bắc Kinh nhượng bộ, mà lại khiến kinh tế Mỹ “tổn thương”.

Bằng chứng mà Giáo sư Jason Furman đưa ra là thuế quan đánh vào hàng hóa Trung Quốc đã gây thiệt hại rõ ràng cho nền kinh tế Mỹ, làm suy giảm đầu tư kinh doanh cố định và nhiều khả năng sẽ xén đi nửa điểm phần trăm của mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội năm 2019 của Mỹ. Trong khi đó, không vào được thị trường Mỹ thì Trung Quốc tăng xuất khẩu sang phần còn lại của thế giới. Nước này cũng giảm nhập khẩu từ Mỹ để tăng nhập khẩu từ nơi khác.

Mạng truyền hình CNN còn nặng lời hơn khi cho rằng ông Donald Trump đang đùa với lửa khi mở rộng phạm vi chiến tranh thương mại với Trung Quốc sang các sản phẩm tiêu dùng. Hệ quả là thuế nhập khẩu lên hàng Trung Quốc sẽ xóa sạch phần lớn lợi ích mà người dân Mỹ được hưởng từ chính sách giảm thuế trước đó.

Có thể đưa ra nhiều ví dụ cụ thể, báo cáo mới đây của hãng dịch vụ tài chính            JPMorgan Chase cho biết do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, mỗi hộ gia đình Mỹ sẽ phải tốn thêm trung bình 600 USD mỗi năm. Con số này sẽ là 1.000 USD nếu ông Donald Trump quyết định đánh thuế lên 300 tỷ USD hàng Trung Quốc nữa như tuyên bố.

Với người nông dân Mỹ, họ đang phải đối mặt với một năm đầy khó khăn do bị mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại. Tình hình ngày một xấu đi khi Trung Quốc ngừng mua nông sản Mỹ nhằm đáp trả lời đe dọa tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc của ông Donald Trump. Theo Farm Bureau, tỷ lệ các nông trại tuyên bố phá sản đã tăng vọt 13% trong 12 tháng qua, kết thúc vào ngày 30-6.

Tuy nhiên, trái với tâm lý bi quan kể trên, ông Donald Trump lại tỏ ra khá bình thản. Thậm chí ông vẫn giữ thế “cửa trên” trong đàm phán và cương quyết không thỏa hiệp với Trung Quốc. Hơn ai hết ông Donald Trump hiểu rằng, dù có phải trả giá bởi cuộc chiến thương mại khắc nghiệt này, nước Mỹ cũng không có con đường nào khác. Cuộc đua Mỹ - Trung Quốc đã đến thời điểm có tính sống còn, khi mà khoảng cách giữa hai đối thủ hầu như không còn. 

Đơn cử như trong lĩnh vực 5G - thế hệ mạng tiếp theo của công nghệ Internet siêu nhanh, nước Mỹ lại đang bị tụt lại phía sau, không có công ty nào của Mỹ có thiết bị không dây so sánh được với Tập đoàn Viễn thông Huawei của Trung Quốc. Thành công của Huawei được nhiều người ví như sự kiện Liên Xô trở thành nước đầu tiên phóng vệ tinh vào không gian, tạo ấn tượng nước này đã chiến thắng trong cuộc đua công nghệ của thời đó.

Không riêng gì Huawei, Công ty iFlyTek chuyên về trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc cũng thường xuyên đánh bại Facebook, DeepMind của Alphabet và Watson của IBM trong các cuộc cạnh tranh về tạo ra cách nói tự nhiên cho AI, cho dù với Trung Quốc, tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai. Trung Quốc hiện là quốc gia có các nghiên cứu khoa học ứng dụng cho AI nhiều nhất thế giới.

Trong bối cảnh đó, không có các công cụ như “chiến tranh thương mại”, “rào cản kỹ thuật”, Mỹ sẽ gặp khó trong việc bảo vệ vị trí “siêu cường kinh tế”, “siêu cường công nghệ” trong cuộc đua toàn cầu ngày càng gay gắt.