Ý kiến phản biện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế: Còn nhiều dàn trải

ANTĐ - Sau khi Chính phủ đã trình Quốc hội Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, phóng viên Báo ANTĐ đã trao đổi với ông Cao Sỹ Kiêm (ĐBQH tỉnh Thái Bình), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. 

Ông Cao Sỹ Kiêm trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ

- PV: Ông đánh giá như thế nào về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ vừa đệ trình Quốc hội?

- Ông Cao Sỹ Kiêm: Đề án đã nêu được một số nội dung, nhưng còn phải “gia công” nhiều hơn. Bởi lẽ, đề án phải gắn vào tình hình quốc tế và gắn vào những tồn tại, khuyết điểm trong thời gian vừa qua. Chúng ta gọi là đổi mới tái cơ cấu thì phải có gì đó mới hơn trước và có gì khác với những vấn đề cũ; đồng thời tìm ra được cái gì bộc lộ ở trong những vấn đề cũ, cũng như phải tập trung giải quyết cái gì ở những vấn đề mới. Theo tôi, đề án vẫn còn dàn trải và chưa đặt trong bối cảnh quốc tế, chưa phân tích rõ những khuyết điểm còn tồn tại để đổi mới và những cái cần đổi mới thì chưa thấy đưa ra. 

- PV: Như vậy, những vấn đề cần làm ngay là gì?

- Ông Cao Sỹ Kiêm: Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ góp ý vào đề án này trên cơ sở đó Chính phủ (CP) tập hợp lại, xây dựng thì mới có khả năng đáp ứng được thực tiễn. Còn cứ để như thế này thì đơn giản quá, những vấn đề cần đặt ra vẫn chưa biết được giải pháp, chưa đi vào trọng tâm, đề án chưa thấy được những mũi nhọn cần phải giải quyết, kể cả về mặt pháp luật, mô hình và những yếu kém cần phải tháo gỡ để đảm bảo thành công đề án.

- PV: Theo ông, trọng tâm để thực hiện đề án là gì?

- Ông Cao Sỹ Kiêm: Phải đánh giá được thực trạng nền kinh tế, rồi thiết kế những nội dung và các vấn đề cần giải quyết. Ví dụ: Môi trường chính sách cần thay đổi gì?...  Và phải có gì để thay đổi cơ bản hệ thống mô hình tổ chức tái cơ cấu nền kinh tế, để có kết quả hội nhập với nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, nếu nền kinh tế thế giới đang ở mức độ nào đó mà ta không gắn vào được, hay những khuyết điểm phải tách ra, phân tích khuyết điểm nào mang tính tình thế và tích tụ từ lâu kể cả trong định hướng đường lối, trong kết cấu hạ tầng, bố trí nhân sự… thì cũng khó thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.

- PV: Xin ông phân tích cụ thể hơn?

- Ông Cao Sỹ Kiêm: Theo tôi, phải đánh giá rất nghiêm túc về cơ cấu vùng miền và phải có những biện pháp phát hiện, theo dõi chặt chẽ những vấn đề cần phải đổi mới. Còn những vấn đề mang tính tình thế gây nên, phải có giải pháp riêng để giải quyết. 

- PV: Trong tình hình hiện nay, điều kiện gì để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, thưa ông?

- Ông Cao Sỹ Kiêm: Phải giải quyết được 3 vấn đề. Thứ nhất là định hướng môi trường về chính sách; kế tiếp là công tác cán bộ phải được đặc biệt quan tâm và vấn đề cốt lõi là phải có tiền. 

- PV: Như vậy nghĩa là gì, thưa ông?

- Ông Cao Sỹ Kiêm: Nếu muốn định hướng chính sách mà môi trường chính sách không có và không có gì thay đổi lớn thì không thể giải quyết tái cơ cấu được. Mặt khác vấn đề con người, kể cả bộ máy nhân sự vẫn còn luẩn quẩn thì không thể thoát ra và giải quyết được những tồn tại hiện nay. Quan trọng nhất là phải có tiền để tái cơ cấu kinh tế và bù vào những tổn hại do tái cơ cấu kinh tế mà ra. Bản thân khi tái cơ cấu nền kinh tế là phải “hy sinh” một số tiền để cơ cấu lại doanh nghiệp, ngân hàng, giải quyết nợ xấu, nợ không thu hồi được và giải quyết các đơn vị doanh nghiệp bị “xóa sổ”. Đó là 3 điều kiện phải có và muốn làm được thì phải đánh giá chính xác những khuyết điểm của các tập đoàn kinh tế, ngân hàng và việc phân bổ nguồn vốn, đồng thời tìm ra những vấn đề cần thay đổi.