Ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân vào Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lời Tòa soạn: Mỗi kỳ Đại hội Đảng là một sự kiện, một dấu mốc quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước, mà Văn kiện được nhìn nhận, đánh giá là “linh hồn” của Đại hội. Việc lấy ý kiến nhân dân đóng góp xây dựng Văn kiện Đại hội là một công việc hệ trọng, nhằm tập hợp và phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của nhân dân trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước, thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng là “lấy dân làm gốc”, mọi chính sách phát triển đều “vì nhân dân”; đồng thời thể hiện trách nhiệm, tình cảm, tâm huyết của nhân dân, hòa quyện lòng dân - ý Đảng. Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã được công bố, nhằm lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân từ ngày 20-10-2020 đến 10-11-2020. Ngay sau khi các dự thảo Văn kiện được công bố đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Báo An ninh Thủ đô trân trọng đăng tải các ý kiến đóng góp của đại diện các tầng lớp nhân dân đề cập nhiều nội dung quan trọng về định hướng sắp tới trên các lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ...

Bà Đoàn Thị Loan (Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ địa bàn 12, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội): Phát huy giá trị văn hóa con người, đảm bảo gắn kết hài hòa phát triển kinh tế - xã hội

Về phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), văn kiện Đại hội lần thứ XIII nêu ra có 12 giải pháp chủ yếu. Tôi tham gia ý kiến về nhiệm vụ giải pháp thứ 7: “Phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với xã hội”.

Gắn kết hài hòa, chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng, phát huy yếu tố văn hóa để thực sự là đột phá phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hộ”’. Đó là quan điểm cốt lõi, cơ bản của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII). Trong đó, quan điểm văn hóa là mục tiêu và động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy, khẳng định mối quan hệ giữa văn hóa với chính trị và kinh tế, Nghị quyết khẳng định: “Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng, văn minh, con người phát triển toàn diện. Văn hóa là kết quả của kinh tế đồng thời là động lực phát triển kinh tế. Các nhân tố văn hóa phải gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, luật pháp, kỷ cương...”.

Từ Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) đến Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII (nhiệm kỳ 2016 - 2020) đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển, hoàn thiện lý luận về văn hóa của Đảng, định hướng phát triển văn hóa trong điều kiện đất nước hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, nhiệm vụ và giải pháp nhiệm kỳ 2021 - 2025 về mối quan hệ giữa phát triển kinh tế gắn với phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh toàn dân tộc.

Khơi dậy tinh thần yêu nước, tính cộng đồng, ý chí tự cường, tự hào dân tộc và khát vọng vươn lên, qua những khó khăn thử thách về thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 đã khẳng định tinh thần yêu nước, tính cộng đồng, tự hào dân tộc của quân và dân ta.

Đảng cần có chủ trương lãnh đạo đúng đắn, đề xuất giải pháp hiệu quả để khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức gắn kết cộng đồng, “thương người như thể thương thân”, niềm tự hào và khát vọng vươn lên của con người Việt Nam. Những chiến sĩ quân đội, công an nhân dân sẵn sàng vượt qua khó khăn thử thách, chấp nhận cam go, xả thân vì bình yên cuộc sống hạnh phúc của nhân dân. Đồng bào ta ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài luôn thể hiện tinh thần yêu nước, niềm tin vào Đảng, Nhà nước, một lòng, một dạ vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tăng cường công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa vật thể, phi vật thể của hệ thống các di tích lịch sử văn hóa và của các dân tộc thiểu số. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, trước các trào lưu du nhập của các nền văn hóa nước ngoài giao lưu, hội nhập với văn hóa Việt Nam.

Đã đến lúc, Nhà nước phải đầu tư kinh tế vào việc bảo tồn, gìn giữ phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, mang bản sắc Việt Nam, đã được cộng đồng quốc tế công nhận. Bởi chỉ có giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam được toàn diện, đất nước mới có động lực để phát triển kinh tế - xã hội, thế giới mới công nhận bản sắc văn hóa Việt Nam, hội nhập học hỏi văn hóa Việt Nam. Cần có chế độ, chính sách cụ thể, đầu tư ngân sách căn cơ, thỏa đáng cho việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các loại hình văn hóa truyền thống đã được UNESCO công nhận, vinh danh như: Tuồng, chèo, cải lương, múa rối, hát xoan, hát quan họ, hát then, nhã nhạc cung đình Huế, ca trù, nghi lễ thờ Mẫu, nghi lễ thờ cúng Hùng Vương... không nên “xã hội hóa” các loại hình văn hóa này. Bên cạnh đó, cần tiếp thu tinh hoa thế giới, phát triển một số loại hình nghệ thuật đương đại như: Điện ảnh, truyền hình, phát thanh, báo chí, giao hưởng, nhạc vũ kịch, hội họa, kiến trúc bảo tàng... theo điều kiện mới.

Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa. Thúc đẩy cuộc vận động “Toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Từng bước thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và giai tầng xã hội. Hoàn thiện các thiết chế văn hóa ở cơ sở, đầu tư cơ bản cho xây dựng và hưởng thụ văn hóa.

Về trách nhiệm của các cấp các ngành trong tổ chức thực hiện: Nhiệm vụ phát triển văn hóa gắn kết với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 là của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, ngành văn hóa là lực lượng nòng cốt, chuyên trách. Đề cao tính tiên phong gương mẫu trong văn hóa ứng xử của người lãnh đạo, cán bộ, công chức và Đảng viên. Dám đương đầu với khó khăn, thức thách, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Cần quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý sử dụng những nhà văn hóa để giữ vai trò nòng cốt trong lãnh đạo, chỉ đạo ngành văn hóa. Cán bộ cấp chiến lược ngành văn hóa phải có tầm nhìn chiến lược, toàn diện về văn hóa. Đảng, Nhà nước phải có chính sách chiêu mộ hiền tài, các nhà văn hóa, các văn nghệ sĩ lớn để tham mưu cho Đảng, Nhà nước về chiến lược văn hóa thực sự là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Văn Đại Huynh (Trưởng Ban bảo vệ dân phố phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội): Củng cố an ninh quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội

Dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011-2020); xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) khẳng định việc kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh ngày càng chặt chẽ; phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; triển khai xây dựng, phát huy tốt vai trò nòng cốt của các khu kinh tế - quốc phòng, tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo, kết hợp với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Lĩnh vực đối ngoại và hội nhập quốc tế đã được triển khai chủ động, tích cực, toàn diện, đồng bộ và đạt kết quả quan trọng trên nhiều mặt; cùng với quốc phòng, an ninh gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội và gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, góp phần bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa. Xây dựng và quản lý biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển với các nước láng giềng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết các tranh chấp biên giới lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tiến trình ngoại giao và luật pháp quốc tế, thúc đẩy thực hiện đầy đủ Tuyên bố của các bên trên Biển Đông.

Tích cực tham gia các cơ chế, thiết chế của Liên hợp quốc về hoạt động gìn giữ hòa bình, huấn luyện, diễn tập chung về hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, tìm kiếm cứu nạn; hợp tác quốc tế khắc phục hậu quả chiến tranh. Công tác bảo hộ công dân và người Việt Nam ở nước ngoài được quan tâm hơn, nhất là trong thời gian dịch bệnh Covid-19; thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp bảo vệ tính mạng, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam ở nước ngoài. Thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút đồng bào hướng về Tổ quốc, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Cùng với việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong nước, các biện pháp đối ngoại đang thực hiện đã góp phần để cộng đồng thế giới hiểu và tôn trọng Việt Nam hơn. Qua đó đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, là một trong những tiêu chí để phát triển đất nước. Để phát huy những tiềm lực này, cùng với việc củng cố an ninh quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội cần có những biện pháp thiết thực, hiệu quả xây dựng sự nghiệp đối ngoại nhân dân. Tuyên truyền, có những biện pháp, chính sách phù hợp tận dụng nguồn lực từ người Việt Nam ở nước ngoài, để mỗi công dân xa Tổ quốc là một Đại sứ thiện chí, biểu trưng của Việt Nam hòa bình, thân thiện và mến khách. Đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè, cộng đồng quốc tế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Việt Nam đang từng bước hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới với thời cơ thuận lợi, thách thức đan xen. Để có sự phát triển kinh tế ổn định, sánh vai cùng các cường quốc năm châu, đòi hỏi Đảng phải có chủ trương, quyết sách phù hợp, vừa giữ được bản lĩnh của đất nước đi theo con đường Chủ nghĩa xã hội, nhưng cũng hòa nhập mạnh mẽ với nền kinh tế toàn cầu, đa phương hóa, đa dạng hóa.