Xuất nhập - mừng lo

ANTĐ - Nhìn toàn cảnh “bức tranh” xuất, nhập khẩu 9 tháng đầu năm nay, mảng sáng đang lấn át mảng tối. Kim ngạch một số mặt hàng tăng mạnh như dệt may, đồ gỗ, gạo, cà phê, thủy hải sản… Song con số tăng trưởng nhiều tỷ đô la Mỹ lại không phản ánh trung thực những khó khăn thách thức mà doanh nghiệp xuất khẩu nước ta đang phải đối mặt. Trong khi đó, hàng loạt các biện pháp siết chặt nhập khẩu hàng hóa xa xỉ nhằm hạn chế nhập siêu, kiềm chế lạm phát đã được thực hiện, nhưng lượng hàng xa xỉ nhập về vẫn không giảm mà tăng cao hơn năm ngoái.

Trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ đạt hơn 2,4 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2010. Thực ra, mức tăng 11,2% mà cơ quan thống kê công bố là do tính gộp cả số lượng gỗ nguyên liệu và dăm gỗ xuất khẩu. Còn mặt hàng gỗ đã chế biến chỉ tăng có 2,2%. Trong khi nhiều nhà máy giấy trong nước phải nhập về dăm gỗ và nguyên liệu gỗ để chế biến xuất khẩu với giá cao, nước ta lại đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này sang Trung Quốc. Nhà nước không những không có biện pháp ngăn chặn nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu trong nước, mà lại xếp những mặt hàng này vào nhóm gỗ chế biến xuất khẩu. Chính vì thế kim ngạch xuất khẩu mới đạt “thành tích” cao như vậy.

Đáng lo ngại hơn, cách đây 4 năm, doanh nghiệp Việt Nam chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 44%. Hiện nay, “gió đã đổi chiều”: doanh nghiệp nước ta chỉ còn 45%, còn doanh nghiệp nước ngoài chiếm hơn 55%. Tình hình sẽ còn “bi đát” hơn, việc kiểm soát “thủ thuật” chuyển giá của doanh nghiệp nước ngoài liên tục kêu ca thua lỗ vẫn chưa đâu vào đâu. Họ vẫn được hưởng mức lãi suất thấp, không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp cộng thêm những ưu ái, khi xuất hàng từ Việt Nam, thì làm sao doanh nghiệp nước ta “đấu sức” nổi.

Tổng giám đốc một tập đoàn kỹ nghệ gỗ lên tiếng, doanh nghiệp có nguy cơ phá sản nếu cứ tiếp tục cầm cự và cạnh tranh với doanh nghiệp FDI. Hiện tại, lãi suất vốn vay của doanh nghiệp Thái Lan chỉ là 3%, Đài Loan 2,5%, Singapore chưa đến 2%. Rõ ràng, khi doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng cùng loại sang EU, Mỹ, Nhật Bản không thể cạnh tranh về giá so với các doanh nghiệp FDI, giới doanh nghiệp dự báo tình hình xuất khẩu cuối năm nay còn nhiều khó khăn, khi khủng hoảng nợ công và cắt giảm chi tiêu ngân sách tại châu Âu, Mỹ tiếp tục xấu đi. Lợi thế về giá rẻ của hàng Việt Nam xuất khẩu đang giảm sút do chi phí lãi vay tăng cao. Cho dù giá cả trong nước đã có những tín hiệu giảm nhiệt, nhưng lạm phát được dự báo vẫn ở mức cao, do đó lãi suất cho vay khó có thể giảm mạnh.

Ở một góc khác của “bức tranh”, theo thống kê, số lượng ô tô nguyên chiếc nhập về tăng 38,8% về lượng và 40,3% so với cùng kỳ năm 2010, đặc biệt nhóm hàng ô tô hạn chế nhập khẩu vẫn tăng mạnh. Nhóm hàng thứ 2 thuộc diện hạn chế nhập là điện thoại các loại và linh kiện cũng tăng cao so với cùng kỳ tới 61,9%. Một trong những nhóm hàng cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu là đá quý và kim loại quý trong 9 tháng qua cũng tăng cao không thua kém.

Nếu chỉ nhìn vào những con số tăng trưởng xuất khẩu cũng như nhập khẩu, những con số “biết nói”, song chưa thể… nói hết, nói đầy đủ toàn bộ tình hình nhập khẩu của nước ta. Dù có mừng vui thật nhưng mừng ít mà lo thì nhiều và còn lâu mới có thể yên tâm.