Xuất khẩu nông sản Việt: Tìm ra khó khăn để có hướng bứt phá

ANTĐ - Năm 2015 được ghi nhận là một năm khó khăn trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản bởi xu hướng của hầu hết các nước là sử dụng hàng rào kỹ thuật để làm rào cản, ngăn chặn nông sản của nước ngoài tràn vào thị trường nội địa. Dù các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, mở ra cơ hội nhưng theo nhìn nhận, “mở cửa thị trường đã khó, giữ được thị trường càng khó hơn”.

Xuất khẩu nông sản Việt: Tìm ra khó khăn để có hướng bứt phá ảnh 1

Quả vải Việt Nam phải rất khó khăn mới vào được Australia nhưng đứng được hay không lại khó hơn

Tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam thông tin, thời gian qua, nhiều vướng mắc kỹ thuật trong xuất khẩu nông sản đã được tháo gỡ như đưa xoài Việt Nam vào Nhật Bản, đưa vải tươi sang Australia và Hoa Kỳ, nối lại xuất khẩu các mặt hàng rau gia vị sang châu Âu sau một thời gian tạm ngừng, giải quyết các vấn đề vướng mắc trong xuất khẩu thịt lợn và thủy sản sang Liên bang Nga...

Tuy nhiên theo nhìn nhận, năm 2016 dù nhiều hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, nhưng xu hướng của hầu hết các quốc gia là “bảo hộ” sản xuất trong nước thông qua hàng rào kỹ thuật. Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Thương vụ Việt Nam tại Australia đánh giá, Australia là thị trường “tiềm năng nhưng đầy thách thức” bởi đây là một trong những thị trường có quy định ngặt nghèo nhất về an toàn thực phẩm và dùng các quy định này làm rào cản thương mại để bảo hộ nền nông nghiệp trong nước.

Mãi đến ngày 17-4-2015, quả vải của Việt Nam là mặt hàng nông sản tươi đầu tiên được Australia cấp phép, từ đó dẫn đường cho nhiều nông sản khác như xoài và thanh long. Tuy vậy, rào cản về chất lượng tại nước này rất cao, nên doanh nghiệp Việt Nam muốn đưa nông sản vào thị trường này không hề đơn giản.

Theo đó, trong số những lô hàng vải xuất đi Australia thì chỉ có 1 lô được vào thẳng, còn lại đều phải xử lý thêm hoặc bị trả về. “Phía Cục Bảo vệ thực vật phải kiểm tra thật kỹ các lô hàng trước khi xuất đi” - bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy đề nghị. Ngoài ra, nếu không giải quyết được bài toán về chi phí và chất lượng thì quả vải ở thị trường Australia cũng sẽ khó có chỗ đứng. 

Còn tại thị trường Hoa Kỳ, ông Đào Trần Nhân, Tham tán Công sứ Thương mại tại Hoa Kỳ cho hay, Hoa Kỳ là một trong những thị trường nông sản trọng điểm của Việt Nam nhưng đây cũng là thị trường nổi tiếng với các vụ kiện chống bán phá giá, trợ cấp và xây dựng nhiều rào cản với mặt hàng nông sản của Việt Nam. Bên cạnh đó, đối với nhiều mặt hàng, phía Hoa Kỳ muốn mỗi sản phẩm khi đặt trên bàn ăn đều có một mã vạch mà khách hàng có thể dùng thiết bị thông minh để tìm ra được tỉnh nào, huyện nào, thậm chí là nông trại số mấy đã nuôi con cá, trồng trái cây đó.

Doanh nghiệp phải dám đương đầu

Năm 2016, Hoa Kỳ vẫn được xem là thị trường chủ lực của Việt Nam. Dự báo thị trường này sẽ tiếp tục có nhu cầu ổn định đối với hàng hóa của Việt Nam. Song theo theo nhìn nhận, sự hấp dẫn của thị trường này cũng đồng nghĩa các doanh nghiệp Việt Nam phải dám đương đầu với sự cạnh tranh quyết liệt, đặc biệt từ các đối thủ như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, cùng đó là biện pháp ứng phó với rào cản về thương mại  như thuế chống bán phá giá tăng cao đối với cá tra, các yêu cầu của Chương trình thanh tra cá da trơn theo Farmbill 2014 có hiệu lực từ tháng 3-2016...

Với thị trường chủ lực châu Âu, Hiệp định thương mại tự do với EU đã kết thúc đàm phán và mở ra cơ hội cho ngành nông nghiệp Việt Nam khi 90% hàng hóa vào thị trường này được hưởng mức thuế suất 0%. Nhưng khó khăn lớn nhất là những rào cản phi thuế quan như chất lượng,  an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ do thị trường này đặt ra. Một số ngành hàng như chè, rau quả, thủy sản vẫn vấp phải ngưỡng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật khá cao; gỗ phải đáp ứng sự minh bạch về nguồn gốc...

Thị trường Trung Quốc vẫn được nhìn nhận là thị trường xuất khẩu nông sản quan trọng, năm 2015 tốc độ tăng trưởng ở thị trường này rất mạnh trong khi hầu hết các thị trường truyền thống của Việt Nam đều sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, bất lợi của hầu hết nông sản Việt Nam là sự phụ thuộc quá lớn khi xuất khẩu sang thị trường này, bởi thế rủi ro cũng vô cùng lớn.

Theo định hướng của Bộ NN&PTNT, thời gian tới, Bộ sẽ chủ động đề xuất đàm phán với phía Trung Quốc để tạo điều kiện giao thương giữa doanh nghiệp hai nước nhằm thúc đẩy xuất khẩu cả tiểu ngạch và chính ngạch, tránh rủi ro cho người nông dân và doanh nghiệp.