Xuất hiện nhiều "nút cổ chai" cản trở phát triển

ANTD.VN - Ngày 21-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quy chế lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước.

Một số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cơ chế phối hợp thẩm tra các báo cáo về ngân sách của Chính phủ giữa Ủy ban Tài chính - Ngân sách - cơ quan chủ trì thẩm tra - và các cơ quan khác của Quốc hội hiện chưa rõ ràng. Do đó, nghị quyết lần này cần ghi rõ hình thức, trình tự phối hợp của Ủy ban Tài chính - Ngân sách với các cơ quan của Quốc hội trong thẩm tra các vấn đề ngân sách. 

Cũng trong ngày 21-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 1052/NQ-UBTVQH13 ngày 24-10-2015 về một số định hướng, nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo đó, sau 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 1052, công tác hội nhập kinh tế quốc tế đã được đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực, từ thông tin tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; cải cách thể chế, luật pháp phù hợp với các quy định và thông lệ quốc tế; nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu; bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp trước các hàng rào thương mại; tích cực tham gia vào các diễn đàn, tổ chức quốc tế và đẩy mạnh đàm phán các FTA... 

Chỉ ra 10 tồn tại, vướng mắc trong triển khai Nghị quyết, báo cáo nêu rõ, cùng với quá trình phát triển, đã xuất hiện các nút “cổ chai” về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực... gây cản trở cho quá trình phát triển. 

Nhìn nhận vai trò của nguồn nhân lực như “chìa khóa” để hội nhập thành công, Ủy ban Kinh tế cho rằng, Báo cáo của Chính phủ cần nêu ra những giải pháp đã thực hiện từ khi có Nghị quyết 1052 nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cần có lộ trình thực hiện mục tiêu như Nghị quyết yêu cầu. 

Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, cụ thể hóa bằng các biện pháp mạnh hơn và trường hợp cần thiết thì cần sửa đổi, bổ sung Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020 trong bối cảnh tác động mạnh của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư đòi hỏi tăng cường nguồn nhân lực có chất lượng trong lĩnh vực khoa học công nghệ; nhất là trong bối cảnh Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức thành lập từ ngày 31-12-2015 cho phép 8 lĩnh vực ngành nghề được tự do di chuyển.