Xử lý tội phạm dưới 18 tuổi trên thế giới: Mỗi nơi một kiểu!

ANTĐ - Chúng tôi xin tổng hợp lại một số vụ án của trẻ vị thành niên tại các nước trên thế giới giúp bạn đọc có cái nhìn bao quát hơn.
Nhiều bạn đọc phân vân về hình phạt dành cho sát thủ Lê Văn Luyện 

 Nhiều bạn đọc phân vân về hình phạt dành cho sát thủ Lê Văn Luyện

Khi sát thủ giết người, cướp tiệm vàng Ngọc Bích – Bắc Giang Lê Văn Luyện bị bắt, nhiều bạn đọc băn khoăn về biện pháp xử lý khi tên tội phạm chưa đủ 18 tuổi này. Chúng tôi xin tổng hợp lại một số vụ án của trẻ vị thành niên tại các nước trên thế giới giúp bạn đọc có cái nhìn bao quát hơn.

Tại Nauy, hình phạt cao nhất cho tội giết người là 21 năm tù. Tuy nhiên, hệ thống hình phạt của Na Uy quy định, trong một số trường hợp tù nhân sẽ phải trải qua hết phần đời còn lại trong nhà giam bất chấp việc lĩnh mức án ra sao. Những người chịu bản án vô thời hạn này phải chứng minh không còn nguy hiểm cho xã hội mới có thể được xét ân xá. Các án tù bổ sung nếu tội phạm “vẫn gây nguy hiểm cho xã hội” có thể được tái áp dụng không giới hạn sau mỗi 5 năm và điều này khiến một số phạm nhân đặc biệt tại Na Uy sẽ phải ngồi trong nhà giam suốt đời, dù bản án ban đầu chỉ là mức tù tối đa 21 năm.

Tại nước này, vào năm 1994, có hai cậu bé vị tuổi thành niên mắc tội giết một bé gái 5 tuổi đã trở lại trường học sau 2 tuần ngồi tù. Sau khi trở lại trường học, hai học sinh này bị bắt trở lại nhà giam vì phạm tội đánh bạn trong lớp và xâm phạm tình dục trẻ em. Hiện tại, hai học sinh này đã được tha và đang sống tại thị trấn Trondheim nơi họ phạm tội. Gần đây nhất, một tên sát nhân giết người hàng loạt tên là Anders Breivik, thủ phạm gây ra vụ đánh bom khủng bố và xả súng tại Nauy cũng không phải chịu án tử hình vì tại Nauy, hình phạt cao nhất cho tội giết người là 21 năm tù.

Tại Nhật bản, những tội phải chịu án tử hình gồm có: tội làm loạn trong nước, tội gây họa ngoại xâm, tội giúp đỡ ngoại xâm, tội phóng hỏa (gây chết người), tội giết người, tội cưỡng dâm gây chết... Tuy nhiên, gần đây nhất, Bộ Tư pháp Nhật vừa đệ trình lên Quốc hội dự luật xét xử các phiên tòa với trẻ vị thành niên để thay cho quy định cũ. Theo dự luật, phiên tòa xử trẻ vị thành niên phạm tội sẽ chỉ được tổ chức trong phòng rộng 25-35 m2 (bằng từ 1/6 diện tích phòng xử bình thường). Ngoài ra, dự luật cũng đề xuất cho phép nạn nhân và gia đình người bị hại tham dự phiên tòa xử trẻ vị thành niên phạm các tội giết người, gây tai nạn do lái xe nguy hiểm... Hiện các phiên tòa xử trẻ vị thành niên phạm tội ở Nhật chỉ có bị cáo, luật sư và người giám hộ cho bị cáo tham dự chứ không có công tố viên, nạn nhân hay gia đình người bị hại.

Tại Singapore, đây là một quốc gia có hình phạt nặng nề, án tử hình phân thành 3 loại: Buộc phải tử hình, được tử hình, chọn phán xử tử hình. Sau tử hình gia đình phạm nhân mới biết tin.

Tại Mỹ, mới đây Tòa án Tối cao Mỹ tuyên bố xử người vị thành niên án tử hình là vi phạm hiến pháp. Các thẩm phán của Tòa án Tối cao Mỹ cho rằng đem hành quyết những người chỉ 15 hay 16 tuổi khi phạm tội là quá tàn nhẫn và bất thường, bị Hiến pháp Mỹ nghiêm cấm và dư luận quốc tế phản đối. Quyết định này sẽ giúp khoảng 70 tử tù dưới 18 tuổi đang chờ thụ án thoát khỏi cái chết.

Cách đây 16 năm, cũng chính Tòa án Tối cao Mỹ đã đồng ý cho xử tử hình các thiếu niên phạm tội giết người, biến Mỹ thành nước duy nhất trên thế giới cho phép hành quyết các thiếu niên dưới 18 tuổi. Việc này đã bị Quy ước của Liên Hiệp Quốc về quyền của trẻ em nghiêm cấm (Mỹ và Somalia không phê chuẩn quy ước này khi nó ra đời).

Tại Anh, cứ đủ 10 tuổi là một công dân phải chịu tội về hành vi phạm pháp của mình gây ra. Đây là mức định tội theo tuổi thấp nhất ở châu Âu.

Cách đây gần 20 năm, hai đứa trẻ Jon Venables và Robert Thompson (cùng 10 tuổi) đã bị Tòa án Preston (TP Merseyside, phía bắc nước Anh) tuyên mỗi người 8 năm tù về tội giết một bé trai hai tuổi.

Tại Anh và xứ Wales, những kẻ giết người hàng loạt chắc chắn sẽ phải nhận án phạt tử hình và những tên giết người sử dụng súng hay dao cũng phải đối mặt với án phạt nhẹ nhất từ 25 - 30 năm tù giam. Tuy nhiên, rất ít kẻ phạm tội giết người bị phạt tù trên 14 năm.

Tại Hàn Quốc, năm 2008, Tòa án Seoul đã phạt một trẻ vị thành niên mắc bệnh chậm phát triển 10 năm tù về tội hiếp dâm trẻ em. Tòa cũng phạt cha mẹ cậu bé 16.000 USD vì lỗi buông lỏng quản lý con cái. Chánh án phiên xử cho biết em này hay coi phim khiêu dâm rồi bắt chước những gì đã học được để làm trò đồi bại với một bé gái bảy tuổi trong cùng khu phố. Ở Hàn Quốc, khi trẻ phạm tội hiếp dâm, tòa án sẽ buộc phụ huynh phải chịu phạt tiền vì nếu được chăm sóc tốt, ăn học đến nơi đến chốn thì có thể trẻ sẽ không phạm tội.

Ngoài những kinh nghiệm xét xử vị thành niên tị một số nước nói trên, tại hội thảo về việc thành lập tòa án cho người chưa thành niên hồi tháng 8-2008 do đại diện UNICEF tại Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học xét xử TAND Tối cao tổ chức, nhiều khách mời bày tỏ quan điểm là cần phải thành lập tòa án cho trẻ vị thành niên. Tuy nhiên theo Bà Julie Bergeron, Phòng bảo vệ trẻ em của UNICEF tại Việt Nam: Thành lập tòa án cho trẻ vị thành niên là cần thiết nhưng phải có một lộ trình bởi nhiều quốc gia từng thực hiện rất nhanh, sau đó lại không hoạt động nữa vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là thiếu nội lực để duy trì.