- Ưu đãi hàng Việt trong tháng Khuyến mãi Hà Nội 2015
- Nâng cao vị thế hàng Việt
- Bán lẻ Việt Nam trước "cơn lốc" hàng ngoại: Chậm chân sẽ thua cuộc
Hàng Việt ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng
Khẳng định vị trí trên bản đồ phân phối thế giới
Sau 6 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tỷ lệ người tiêu dùng được hỏi biết đến hàng Việt từ 30% đã tăng lên đến 90%. Bộ Công Thương cho biết, người tiêu dùng Việt Nam đã có chuyển biến rõ rệt trong nhận thức, thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước thay cho việc mua sắm hàng ngoại đã tồn tại lâu nay.
Đối với các doanh nghiệp, việc ưu tiên sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất cũng được quan tâm, thay thế hàng nhập khẩu. Đi đầu trong việc này là các tập đoàn lớn như: Dệt may; Điện lực; Dầu khí; Hóa chất; Xăng dầu và Tổng công ty Thuốc lá, Tổng công ty Thép, Tổng công ty Giấy Việt Nam... Hàng năm, các doanh nghiệp đầu ngành này đều xây dựng kế hoạch để sử dụng sản phẩm trong nội bộ tập đoàn hoặc sử dụng sản phẩm trong nước đã sản xuất được.
Không chỉ được người tiêu dùng trong nước đón nhận, hàng Việt đang được thị trường nhiều nước “mở lối”. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, hiện nay tại Hàn Quốc có 114 siêu thị của Lotte đang bán hàng Việt Nam. Năm 2015, 200 sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam được Lotte Việt Nam mua với giá trị hàng hóa khoảng 1 triệu USD để đưa sang bán tại Hàn Quốc. Một loạt hệ thống phân phối khác ở nước ngoài của Metro, Big C, AEON... cũng đang phân phối hàng Việt trong hệ thống tại nước ngoài.
Bộ Công Thương cũng cho biết, tính đến hết tháng 8-2015, hàng Việt Nam đã xuất khẩu sang 111 quốc gia, vùng lãnh thổ. Sản phẩm thế mạnh là nông sản, thủy sản, hàng dệt may, da giày, sản phẩm điện tử và linh kiện... trong đó có những thị trường khó tính như: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Chỉ có uy tín và chất lượng mới giúp hàng Việt Nam ngày càng khẳng định vị trí trên bản đồ phân phối của thế giới.
Càng trong hội nhập càng phải cạnh tranh
Thị trường tiêu thụ rất rộng lớn nhưng hội nhập cũng là sân chơi đầy thách thức, liệu hàng Việt có đủ sức đương đầu với hàng hóa nước ngoài trong hội nhập? Ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thừa nhận đây là một câu hỏi lớn và không dễ có lời giải. Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Quyền, hội nhập là xu hướng tất yếu.
“Không nên nhìn về hội nhập chỉ trong một thời điểm, một lát cắt mà đó là cả quá trình. Năm 2007 Việt Nam gia nhập WTO, đến nay tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do - FTA khác, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng trưởng thành, ngày càng lớn mạnh, có tên tuổi trên bản đồ thế giới. Chỉ có cạnh tranh mới làm doanh nghiệp lớn mạnh và phát triển, vì vậy càng trong hội nhập, càng phải cạnh tranh, không thể dừng lại”- đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Những năm gần đây, Việt Nam đã được biết đến nhiều hơn thông qua các sản phẩm, dịch vụ uy tín như: Viettel, bia Sài Gòn, sữa Vinamilk… Các sản phẩm này không chỉ phục vụ người tiêu dùng Việt Nam mà còn có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới. Hội nhập với sức ép cạnh tranh đã góp phần khiến doanh nghiệp phát triển lớn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, để hàng Việt đứng vững trong hội nhập, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động trên “sân nhà” và tích cực, chủ động tranh thủ cơ hội trên “sân khách”.
Không nên tự “lấy đá ghè chân mình”
Câu chuyện về chiếc điện thoại smartphone - Bphone của Tập đoàn Công nghệ Bkav ra mắt cuối tháng 5-2015 là một ví dụ sinh động về định kiến của một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam đối với hàng Việt. Bkav đã mất 4 năm và tốn nhiều tiền của, huy động trí lực để thiết kế, chế tạo ra chiếc điện thoại này, tỷ lệ nội địa hóa đạt tới 70% nhưng nhiều người Việt thẳng thắn chê bai, dù chưa được sờ tận tay hay dùng thử.
Ông Bạch Thành Lê - Phó Chủ tịch Bkav chia sẻ: “Đợt mở bán đầu tiên được hơn 12.000 chiếc Bphone đã vượt qua kỳ vọng của chúng tôi. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam khắt khe khi nhìn nhận về sản phẩm Việt. Người tiêu dùng các nước phát triển thường xem xét sản phẩm có tốt không, có đáp ứng được nhu cầu của họ không, thay vì quan tâm đến xuất xứ”. Vậy nên, với chiến lược đưa Bphone đi Mỹ và Ấn Độ, nhiều dự báo cho rằng chiếc điện thoại “made in Việt Nam” này sẽ dễ được đón nhận hơn cả trong nước.
Báo cáo mới đây của Bộ Công Thương cũng nêu lên một thực tế là không ít doanh nghiệp thẳng tay “loại” hàng Việt ngay từ khâu duyệt kế hoạch hồ sơ mời thầu. Dẫu rằng sản phẩm, máy móc Việt Nam còn có những nhược điểm từ chủ quan nhà sản xuất, nhưng với thái độ “sính ngoại” thiếu cơ sở như vậy thì hàng Việt dù có được đón nhận, dù có lớn mạnh vươn ra thế giới, nhưng vẫn luôn “chông chênh” ở trong nước.