Xin đừng “đi lạc” nữa!

ANTĐ - Hết vụ dê giảm nghèo “đi lạc” vào trang trại nhà Bí thư huyện ủy, bò hỗ trợ, gà cấp cho người nghèo “chạy nhầm” vào nhà quan xã, thì mới đây vụ việc nhím giống cấp cho dân lại vào “đi lạc” vào chuồng nhà cán bộ xã ở Quảng Nam càng khiến dư luận bức xúc, đặt dấu hỏi về sự minh bạch, về những bản báo cáo đẹp mắt của những chương trình hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới được các địa phương đưa lên. 

Xin đừng “đi lạc” nữa! ảnh 1Ảnh minh họa

Nghe thật hài hước, nhưng chuyện là đáng ra số vật nuôi này được ngân sách Nhà nước cấp cho những người dân nghèo tại các địa phương này, nhưng khi cấp về huyện, về xã thì nó lại không đến tay người nghèo mà nhanh chóng được chia về tay các cán bộ xã cùng anh em họ hàng của họ. Như ở huyện Thạch Thành, Thanh Hóa, đến 12 trên tổng số 24 con dê giống xóa nghèo đã được Bí thư huyện đưa về trang trại nhà mình nuôi, còn trong số hơn 1.200 con gà được cấp cho xã Quế An (huyện Quế Sơn, Quảng Nam) thì Chủ tịch xã là người mang về tới 200 con.

Gần đây nhất dư luận lại bức xúc trước vụ 16 con nhím trị giá hàng chục triệu đồng mỗi con ở xã Quế Long (Quế Sơn, Quảng Nam), lẽ ra phải được phân cho những hộ dân tiên tiến trong sản xuất, từng trải qua các đợt tập huấn về chăn nuôi… để sau đó nhân rộng mô hình, giúp địa phương giảm nghèo bền vững, thì nay lại đang ở trong chuồng của nhà 3 vị cán bộ ở xã bao gồm Phó bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp và Phó chủ tịch xã. Sau khi sự việc bị phanh phui, xã thì bảo đã thông báo trên loa phát thanh cho người dân nhưng không thấy ai đến đăng ký nhận nhím nên xã mới phải phát cho 3 cán bộ này, còn người dân thì nói chưa hề nghe đến chủ trương này. 

Vâng, thì đã lên loa, nhưng nếu cán bộ thật lòng có trách nhiệm với dân thì một chương trình ý nghĩa như vậy cần phải để dân biết bằng nhiều con đường chứ đâu phải chỉ thông báo cho có. “Thông báo qua loa”, tiếng được tiếng mất, dân nghe được thì nghe, không nghe được thì có khi lại… càng tốt. 

Qua những sự việc này, người dân càng thêm nghi ngờ về việc những chính sách của Nhà nước đang bị một số cán bộ thoái hóa, biến chất lợi dụng để tư lợi. Còn bao nhiêu con bò, con dê, con gà, con nhím, hay bao nhiêu khoản tiền hỗ trợ cho người nghèo mà cứ bị “đi lạc” sang nhà người giàu như thế. Cần lắm sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng, để những chủ trương của Đảng, chính scách của Nhà nước thực sự đến với người dân, chứ không chỉ là những con số đẹp trên báo cáo. Và cũng mong rằng, sau vụ này không có con gì bị “đi lạc” nữa, không có cán bộ nào “đi lạc” con đường phục vụ nhân dân nữa.