Xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm

ANTĐ - Hôm qua (28-11), Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã tiến hành phiên xét xử phúc thẩm đối với Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm. Trong ngày đầu diễn ra phiên tòa, HĐXX đã dành phần lớn thời gian vào việc kiểm tra căn cước, giải quyết các thắc mắc của những người tham gia tố tụng và tóm tắt bản án sơ thẩm.  

Xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm ảnh 1Nguyễn Đức Kiên khi nghe HĐXX phúc thẩm tóm tắt lại nội dung vụ án

Luật sư đưa nhiều kiến nghị 

Tại phiên tòa, Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) lần lượt được xem xét lại cả 4 tội danh là “Kinh doanh trái phép”, “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Trốn thuế”. Tương tự, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải, Phạm Trung Cang và Huỳnh Quang Tuấn (đều từng là lãnh đạo Ngân hàng ACB) cũng được xem xét lại tội danh cùng hình phạt về hành vi cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu nghiêm trọng.

 

Liên quan đến tội trạng của bị cáo Kiên, Trần Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Hải Yến - nguyên Giám đốc và Kế toán trưởng Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội mặc dù không có kháng cáo, kháng nghị nhưng vẫn được triệu tập tới phiên xét xử. Ngoài ra, bị án Huỳnh Thị Huyền Như – cựu cán bộ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) cũng được đưa tới phiên xử để trả lời các câu hỏi cần thiết. Tại phiên phúc thẩm này, bào chữa cho bị cáo Kiên vẫn là 4 luật sư, trong đó luật sư Hoàng Đôn Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) được thay bằng luật sư Nguyễn Huy Thiệp – Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Huy Thiệp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

Tại phần thủ tục phiên tòa, các luật sư bào chữa cho bị cáo Kiên đề nghị được tiếp xúc với thân chủ tại phiên tòa và cần phải triệu tập thêm một số người liên quan cũng như đại diện một số cơ quan Nhà nước. Ngoài ra, một số luật sư bào chữa cho các bị cáo khác còn đề nghị tòa án cho mang điện thoại, máy vi tính vào phòng xét xử để hỗ trợ công việc… Sau khi hội ý, tòa quyết định chỉ chấp thuận cho các luật sư được tiếp xúc với bị cáo vào những thời điểm thích hợp. Tòa cũng đồng ý yêu cầu của bị cáo Kiên sẽ thông qua luật sư để làm rõ thêm một số nội dung, tình tiết vụ án. Yêu cầu được mang điện thoại, máy tính vào phòng xử án của luật sư cũng được tòa án chấp thuận, nhưng bắt buộc phải qua kiểm tra an ninh. 

Đối với đề nghị cho bị cáo Kiên được ngồi để trả lời các câu hỏi vì lý do sức khỏe, tòa án chấp thuận, song chỉ khi thấy cần thiết. Còn đối với yêu cầu triệu tập thêm một số cá nhân cùng đại diện một số cơ quan Nhà nước, tòa khẳng định đã triệu tập đầy đủ và trong trường hợp cần thiết sẽ tiếp tục yêu cầu những người vắng mặt đến phiên tòa.

Các bị cáo giữ nguyên kháng cáo

Phần lớn thời gian còn lại trong ngày đầu xét xử được dùng vào việc tóm tắt lại nội dung và các quyết định tại bản án sơ thẩm. Theo đó, về hành vi kinh doanh trái phép, bản án sơ thẩm xác định bị cáo Kiên đã thông qua 6 công ty gồm: Công ty CP Đầu tư Thương mại B&B, Công ty CP Tập đoàn tài chính Á Châu, Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội, Công ty CP Đầu tư Tài chính Á Châu, Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội và Công ty CP Phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu Thiên Nam để tổ chức kinh doanh cổ phần, cổ phiếu và kinh doanh vàng với tổng số tiền gần 21,5 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, giấy đăng ký kinh doanh của cả 5 công ty này không hề có chức năng kinh doanh tài chính.

Quá trình điều tra và xét xử sơ thẩm, bị cáo Kiên xác nhận đã đầu tư vào việc góp vốn, mua bán cổ phần, cổ phiếu tại các doanh nghiệp nhằm mục đích kinh doanh sinh lời. Mặc dù bị cáo Kiên cho rằng doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có quyền kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không cấm, tuy nhiên, cấp tòa sơ thẩm khẳng định, quá trình kinh doanh, doanh nghiệp phải có nghĩa vụ hoạt động theo đúng ngành, nghề đã ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Cấp tòa sơ thẩm xác định, Nguyễn Đức Kiên là người thành lập doanh nghiệp, khi kê khai hồ sơ đăng ký kinh doanh đã không kê khai ngành nghề kinh doanh cổ phần, cổ phiếu, nhưng trong thời gian dài vẫn cố ý thực hiện việc này. Do đó, đã vi phạm quy định tại Điều 159-BLHS, “Kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký kinh doanh”. 

Về hành vi kinh doanh vàng trái phép, cấp tòa sơ thẩm nhận định giấy phép kinh doanh của Công ty Thiên Nam chỉ là sản xuất hàng may mặc, thêu ren, xuất nhập khẩu các sản phẩm ngành công nghiệp nhẹ, thủ công mỹ nghệ…, hoàn toàn không có chức năng kinh doanh vàng vật chất và vàng trạng thái. Tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn kinh doanh vàng. Mặc dù bị cáo Kiên không trực tiếp ký lệnh mua bán vàng trạng thái, nhưng lại giữ vai trò quyết định việc kinh doanh bất hợp pháp của doanh nghiệp.

Về hành vi trốn thuế, theo tóm tắt tại bản án sơ thẩm, Công ty CP Đầu tư Thương mại B&B (Công ty B&B) được thành lập trên cơ sở Nguyễn Đức Kiên giữ chức Chủ tịch HĐQT và là người đại diện theo pháp luật, bà Đặng Ngọc Lan (vợ Kiên) làm Tổng giám đốc và em gái Kiên, bà Nguyễn Thúy Hương làm ủy viên. Theo chỉ đạo của Kiên, bà Lan ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với Ngân hàng ACB để thực hiện các giao dịch đầu tư tài chính, thông qua việc kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam. Cùng với hợp đồng này, vợ và em gái Kiên cũng ký với nhau một hợp đồng ủy thác kinh doanh nhằm chuyển hóa lợi nhuận từ pháp nhân sang cá nhân. Vì thế năm 2009, Công ty B&B đã trốn hơn 25 tỷ đồng tiền thuế phải nộp.

Với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bản án sơ thẩm đã xác định, Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát và Công ty CP Thép Hòa Phát đều là các công ty “con” của Tập đoàn Hòa Phát, nhưng hoạt động độc lập và có con dấu, tài khoản riêng. Tháng 5-2012, Nguyễn Đức Kiên thỏa thuận bán 20 triệu cổ phiếu của Công ty CP Thép Hòa Phát, thuộc sở hữu của Công ty CP Đầu tư ACB cho Công ty TNHH Thép Hòa Phát. Nhưng trên thực tế, toàn bộ số cổ phiếu đó đã được thế chấp tại Ngân hàng ACB.

Trong khi chưa được bên nhận thế chấp đồng ý bằng văn bản thì Kiên vẫn chỉ đạo Trần Ngọc Thanh ký hợp đồng bán 20 triệu cổ phiếu cho Công ty TNHH Thép Hòa Phát. Với phi vụ mua bán ấy, bị cáo Kiên cùng đồng phạm đã chiếm đoạt của đối tác 264 tỷ đồng. Đối với Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến, mặc dù biết việc mua bán cổ phiếu với Công ty TNHH Thép Hòa Phát là không ngay thẳng, đàng hoàng nhưng vẫn làm theo sự chỉ đạo của Kiên nhằm chiếm đoạt tiền bất chính. Cấp tòa sơ thẩm khẳng định việc làm này của Kiên cùng đồng phạm đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

HĐXX phúc thẩm cũng đã nhắc lại quá trình Nguyễn Đức Kiên cùng 5 cựu lãnh đạo Ngân hàng ACB cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt gần 719 tỷ đồng. Hành vi đồng ý “rót tiền” để doanh nghiệp của Ngân hàng ACB mua bán cổ phiếu của chính mình một cách lòng vòng cũng đã được HĐXX đề cập khái quát…

Trước câu hỏi của tòa về việc có thay đổi hoặc bổ sung kháng cáo không, bị cáo Kiên khẳng định giữ nguyên nội dung yêu cầu đối với cả 4 tội danh, đồng thời vẫn cho rằng không phạm bất kỳ một tội danh nào mà cấp tòa sơ thẩm quy kết. Tương tự, các bị cáo Lý Xuân Hải, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn lần lượt cho rằng không phạm tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiệp trọng” và kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, đồng thời xin được hưởng án treo. Trong khoảng thời gian ít ỏi còn lại của ngày đầu xét xử, tòa án bước đầu tập trung thẩm vấn những người liên quan, xoay quanh hành vi kinh doanh vàng bất hợp pháp của Nguyễn Đức Kiên.

Sáng 1-12, phiên tòa tiếp tục.