Xem xét điều chỉnh biểu giá điện cho hợp lý hơn

ANTĐ - Với biểu giá bán lẻ điện được chia làm 6 bậc như hiện nay, người dùng càng nhiều điện càng bị tính giá cao. Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, cách tính này đã không còn phù hợp và không thuyết phục được người dân. Bộ đang xem xét giảm số bậc thang tính giá điện từ 6 xuống còn 3 bậc. 

Biểu giá lũy tiến bất hợp lý

Từ ngày 16-3-2015, biểu giá lũy tiến giá bán lẻ điện đã được rút từ 7 bậc áp dụng trước đó xuống còn 6 bậc. Tuy nhiên, với biểu giá mới này, giá điện tại bậc 6 cao hơn giá điện bình quân hơn 1.000 đồng/kWh khiến hóa đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình đã tăng đột biến gấp 1,5 lần đến 3 lần so với trước. Đặc biệt, do lượng điện tiêu thụ trong mùa hè tăng vọt nên mức chênh lệch với các tháng khác trong năm càng lớn. 

Tại cuộc tọa đàm “Điều hành giá điện theo cơ chế thị trường”, ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thừa nhận: “Giá điện được quy định theo bậc thang lũy tiến, vì vậy, càng dùng nhiều thì mức giá ở sau càng cao hơn”. Ví dụ, nếu 1 hộ khách hàng dùng 300kWh/ tháng thì sẽ phải trả 609.000 đồng. Nhưng nếu dùng lên đến 600kWh/tháng thì phải trả  tới 1.400.000 đồng. “Số tiền tăng lũy tiến, cho nên chúng tôi mong muốn khách hàng cần phải kiểm soát được lượng điện tiêu thụ của mình” - đại diện EVN khuyến cáo.

Xem xét điều chỉnh biểu giá điện cho hợp lý hơn ảnh 1

Người tiêu dùng luôn mong mỏi biểu giá điện được thay đổi phù hợp hơn với thực tế sử dụng

Trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, về nguyên tắc, một loại hàng hóa, dịch vụ, dùng càng nhiều giá phải càng rẻ đi. Do đó, việc tiêu thụ càng nhiều điện càng bị tính giá cao là bất hợp lý. 

Giải thích về biểu giá điện lũy tiến hiện đang áp dụng, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho hay, các nước đều áp dụng biểu giá tính điện lũy tiến cho khách hàng thuộc hộ sử dụng sinh hoạt. Ngay cả các nước phát triển như Mỹ, Nhật, các nước ở trong khối ASEAN cũng vậy.

“Hiện nay, các nước ASEAN đều áp dụng biểu giá tính lũy tiến cho khách hàng sử dụng điện sinh hoạt. Điều này phổ biến trên thế giới, với mục đích là khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Tại Việt Nam, chủ trương là giảm dần việc bù chéo giá điện giữa các đối tượng sử dụng điện và không bán điện dưới giá thành, nhưng tiếp tục có những chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách. Biểu giá này cũng được thiết kế đối với hộ sinh hoạt theo biểu giá lũy tiến tăng dần để làm sao vừa khuyến khích người dân tiết kiệm điện, đồng thời cơ cấu biểu giá hết sức phù hợp theo thực tế sử dụng điện sinh hoạt”- đại diện Cục Điều tiết điện lực nói.

 

Tính toán sao cho người tiêu dùng được hưởng lợi

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, thời gian vừa qua, Cục Điều tiết điện lực cũng nhận được một số ý kiến góp ý của khách hàng, một số nhà khoa học và cơ quan báo chí về những điểm chưa hợp lý trong cách tính giá điện như trên. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét lại cơ cấu biểu giá bán lẻ và sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp hơn với thực tế khách hàng sử dụng sinh hoạt ở Việt Nam. 

Nguồn tin từ Bộ Công Thương cho biết, Bộ này đang xem xét điều chỉnh biểu giá điện từ 6 xuống còn 3 bậc, nhằm đưa ra biểu giá hợp lý hơn. Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, việc chia bậc thang giá điện lũy tiến nhằm tiết kiệm điện phải được thực hiện trong cả cộng đồng, thay vì chỉ một nhóm khách hàng sử dụng nhiều điện như hiện nay.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, nếu giảm bớt bậc thang số điện, Bộ Công Thương cần xem xét thu hẹp khoảng cách về giá điện một cách phù hợp để người tiêu dùng được hưởng lợi. Ví dụ, theo cách tính hiện hành, từ kWh số 401 trở đi, giá điện đang là 2.587 đồng/kWh (bậc 6). Nhưng nếu rút xuống còn 3 bậc mà giá điện bậc cuối lại lên tới 4.000- 5.000 đồng/kWh thì tổng số tiền người dân phải thanh toán giảm đi không đáng kể. Bên cạnh đó, nếu sang năm 2016, giá điện bình quân tiếp tục tăng thì  càng cần tính toán hợp lý hơn.