Xa nhưng yên tâm

ANTĐ - Cậu con trai 4 tuổi bị ốm 2 ngày liền không đỡ, sau khi đưa đi khám tại phòng khám tư, chị Phạm Thị Hải (thị trấn Yên Viên, Hà Nội) quyết định đưa con đến BV Xanh Pôn điều trị. Chị Hải chia sẻ, lên BV tuyến thành phố cho… yên tâm.

- BV Đa khoa Gia Lâm được đầu tư xây dựng với quy mô rất lớn và đã đi vào hoạt động mấy tháng nay, sao chị không đưa con vào đó điều trị?

- Tính ra từ nhà tôi đến BV Đa khoa Gia Lâm cũng gần hơn sang Xanh Pôn hàng chục cây số. Nhưng nói thật, nghe tiếng BV mới không thấy yên tâm lắm. Tôi chẳng rõ đội ngũ y bác sĩ ở đó ra sao nhưng nghe đồn BV đó vắng tanh, từ khi hoạt động đến giờ thi thoảng mới có một vài ca vào điều trị, bác sĩ thì tuyển mãi chưa có người về… Thôi chịu khó đi xa một tí nhưng giải quyết được khâu tâm lý.

- Nếu bệnh nhân nào dù nặng hay nhẹ cũng cứ thẳng tiến BV tuyến đầu, bỏ qua BV tuyến huyện như chị thì hỏi sao BV không quá tải?

- Tôi biết ngành y tế và các địa phương đang cố gắng đầu tư cho y tế tuyến dưới để giảm tải cho tuyến trên. Nhưng nói gì thì nói, để giữ được bệnh nhân, BV tuyến huyện không chỉ cần được đầu tư trang thiết bị mà phải có bác sĩ, chuyên môn giỏi để gây dựng uy tín, niềm tin cho mọi người. Đã tin tưởng rồi thì không ai tốn công tốn của chạy lên tuyến trên làm gì. Còn khi chưa tin tưởng, với điều kiện kinh tế, đường sá và phương tiện đi lại ngày càng thuận lợi như hiện nay thì việc vượt lên tuyến trên điều trị là tâm lý dễ hiểu.

- Nói như chị thì dễ nhưng để làm được là cả một vấn đề?

- Tôi nghĩ người đứng đầu BV có vai trò quyết định, nếu ông ta giỏi quản lý, có tư duy và ý tưởng thì chắc chắn sẽ làm được. Cứ nhìn vào mấy phòng khám tư, BV tư “tung chiêu” hút bệnh nhân là thấy rõ họ giỏi như thế nào. Còn giám đốc, lãnh đạo các BV công, tôi thấy đa phần họ chỉ giỏi chuyên môn nghiệp vụ, đầu tư lấy học hàm, học vị càng cao càng tốt chứ không mấy người đi lên từ làm quản lý, kinh tế hay phát triển thương hiệu như giám đốc các lĩnh vực kinh doanh khác.