WB: Tăng giá kéo dài, nên cho phép nền kinh tế điều chỉnh và thích nghi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - WB cho rằng nếu tình trạng giá cả tăng kéo dài thì nên cho phép nền kinh tế điều chỉnh và thích nghi với thay đổi giá cả.

Theo báo cáo Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 2,4% (so cùng kỳ năm trước), so với mức tăng 1,4% trong tháng 2. Đây là tỷ lệ lạm phát cao nhất trong 7 tháng qua, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4,0%.

Giá xăng dầu tăng 13,4% so với tháng trước và 56,1% so với cùng kỳ năm trước do giá dầu thế giới tăng vọt liên quan đến xung đột ở Ukraine.

Xăng dầu tiếp tục là yếu tố chính đóng góp vào lạm phát thông qua làm tăng chỉ số giá nhóm giao thông. Giá lương thực, thực phẩm cũng nhích lên sau khi tương đối ổn định trong năm 2021.

Lạm phát tăng sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi tiêu dùng trong nước và tăng trưởng kinh tế

Lạm phát tăng sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi tiêu dùng trong nước và tăng trưởng kinh tế

Lạm phát cơ bản, chỉ số giá tiêu dùng loại trừ các nhóm lương thực, thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá, tăng lên 1,1% (so cùng kỳ năm trước) từ mức 0,7% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 2, phản ánh cầu trong nước đang phục hồi và sự truyền dẫn của chi phí vận tải và giá hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa trung gian nhập khẩu gia tăng.

Chỉ số giá sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,8% (so cùng kỳ năm trước), phản ánh giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, với tốc độ tăng 5,5% (so cùng kỳ năm trước) trong quý I/2022. Mặc dù giá đầu vào sản xuất nông nghiệp cũng tăng 9,1%, nhưng chỉ số giá sản xuất nông nghiệp vẫn được kiềm chế, chỉ tăng 0,6% (so cùng kỳ năm trước).

Sự thiếu kết nối này xuất phát từ giá sản phẩm chăn nuôi lợn thấp hơn, giảm 26,3% (so cùng kỳ năm trước) một phần nhờ nguồn cung dồi dào và một phần do một số cơ sở sản xuất bán bớt đàn vì giá cả đầu vào tăng lên khiến cho sản xuất lợn không đem lại lợi nhuận.

Do nhiều nguyên vật liệu dùng cho sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước phải nhập khẩu nên giá các mặt hàng này tăng cao phản ánh xu hướng tăng giá hàng hóa và nguyên vật liệu trên thị trường thế giới.

WB khuyến nghị, việc giá tiêu dùng và giá sản xuất tăng đặt ra yêu cầu cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả trong nước vì lạm phát tăng sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi tiêu dùng trong nước và tăng trưởng kinh tế.

Mặc dù giá tiêu dùng (CPI) tăng chậm trong năm 2021 một phần do tổng cầu yếu, nhưng sự gia tăng giá hàng hóa trung gian và giá sản xuất trong 3 quý gần đây có thể ảnh hưởng đến các quyết định sản xuất và làm tăng giá tiêu dùng, đặc biệt là giá lương thực, thực phẩm.

Do đó, trong ngắn hạn, cần có biện pháp can thiệp chính sách có mục tiêu để loại bỏ tác động của giá cả tăng đối với người dân, đặc biệt là những nhóm dễ bị tổn thương.

Theo WB, chính sách tạm giảm thuế đối với xăng dầu mới được các cấp có thẩm quyền ban hành là một chính sách trong ngắn hạn. Trong trung hạn, các biện pháp khác bao gồm một hệ thống đảm bảo xã hội có mục tiêu, hiệu quả và có khả năng ứng phó tốt hơn, giúp xây dựng khả năng chống chịu trong nền kinh tế. Nếu tình trạng giá cả tăng kéo dài thì nên cho phép nền kinh tế điều chỉnh và thích nghi với thay đổi giá cả.

“Các cấp có thẩm quyền cũng nên cân nhắc có những cải cách mang tính cấu trúc để giúp nâng cao năng suất của nền kinh tế và tăng tổng cung. Các biện pháp có thể áp dụng bao gồm giảm thuế đối với các hoạt động đầu tư cho sản xuất và đổi mới sáng tạo, giảm rào cản trong môi trường kinh doanh, giảm chi phí logistics và đầu tư vào giáo dục và đào tạo kỹ thuật cho lực lượng lao động”, WB khuyến nghị.