Vượt lên nỗi đau

ANTĐ - Đã 3 năm trôi qua, kể từ khi con trai và con dâu lần lượt qua đời vì bệnh tật, người mẹ liệt sỹ ấy đã gắng gượng đứng dậy để nuôi cháu thành người. Từ hôm nghe được tin cháu nội là Bùi Chí Hướng đỗ thủ khoa khối A Học viện Bưu chính Viễn thông, ngày nào bà cụ cũng khóc, cụ bảo, giá mà bố mẹ cháu còn sống, niềm vui sẽ trọn vẹn hơn nhiều.

Góc học tập nhỏ của cậu thủ khoa. Ảnh: Internet

Tai họa chồng tai họa

Chúng tôi tìm đến nhà Bùi Chí Hướng ở thôn Tiên Hội, xã Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội trong một ngày nắng gắt. Thấy khách đến thăm, cụ Đặng Thị Tuất (80 tuổi) hồ hởi ra đón. Tuy đã ở cái tuổi gần đất xa trời, đi lại khó khăn nhưng đôi mắt cụ còn rất tinh anh và luôn ánh lên niềm tự hào. Cụ Tuất sinh được 5 người con nhưng người con trai thứ 3 của cụ đã hi sinh ở biên giới phía Bắc năm 1979. Cụ sống với vợ chồng người con thứ hai là anh Bùi Văn Hán và chị Phạm Thị Hiền (bố mẹ của Bùi Chí Hướng). Tai họa bất ngờ ập xuống gia đình cụ Tuất vào năm 2009 khi con dâu cụ phát hiện mắc ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối. Không dừng lại ở đó, trong một lần trèo thang thắp hương, cụ Tuất bị ngã gãy tay, phải nằm điều trị tại bệnh viện cả tháng trời. 

Chưa đầy 1 năm sau, anh Hán cũng ra đi vì căn bệnh ung thư phổi. Kể từ đó, cụ Tuất - người mẹ liệt sỹ đã bước vào tuổi 80 phải gượng dậy làm tròn vai trò trụ cột gia đình. Nhìn 4 đứa cháu nội bỗng nhiên rơi vào cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ, cụ không cho phép mình yếu mềm. Trong khi 3 chị gái của Bùi Chí Hướng đã lớn và có nghề nghiệp ổn định thì Hướng mới chuẩn bị thi vào lớp 10. Trước những tai họa liên tiếp ập xuống, Hướng như người mất hồn, không thể tập trung vào việc học. Nhưng nhờ sự động viên của bà, của thầy cô bạn bè, Hướng đã gạt nước mắt quyết tâm thực hiện lời hứa phải học hành cho đến nơi đến chốn. Và kết quả là năm 2010, Hướng đã thi đỗ vào lớp 10A1 - lớp chọn của trường THPT Cổ Loa.

Trong suốt 3 năm theo học tại mái trường này, Hướng luôn đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, học sinh giỏi. Em luôn là tấm gương sáng về tinh thần nỗ lực vượt khó trong học tập. Sau khi bố mẹ mất, nguồn sống duy nhất của bà cháu Hướng đều trông vào khoản tiền tuất của người chú liệt sỹ. Thương cảm với hoàn cảnh của em, nhà trường miễn toàn bộ tiền học phụ đạo, học chuyên đề cho Hướng. Mọi chuyện đang thuận lợi, thì đùng một cái, trước ngày diễn ra kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, người anh rể của Hướng đột nhiên đổ bệnh rồi qua đời. “Anh như người anh trai, là người cùng bà nội lo toan mọi việc trong nhà từ khi bố mẹ em mất. Nên việc anh ra đi bất ngờ là cú sốc rất lớn đối với em” - Hướng nghẹn ngào.

Quyết tâm thực hiện ước mơ

Hướng tâm sự, những ngày sau khi anh rể mất là những ngày nặng nề nhất. Nó gợi lại cho em những chuyện đau buồn 3 năm về trước. Nhiều hôm ngồi vào bàn học, đọc hết mấy trang sách mà em chẳng nhớ mình đọc gì bởi hình ảnh của bố mẹ, của anh rể cứ hiện lên trong đầu. Nhìn cháu thẫn thờ, buồn bã trong khi kỳ thi quan trọng nhất đang đến gần, cụ Tuất đứng ngồi không yên. Cụ tìm mọi cách gần gũi, động viên Hướng nhanh chóng vượt qua nỗi đau để tập trung vào kỳ thi ĐH. “May mà Hướng là đứa ngoan ngoãn, biết vâng lời và thương bà hết mực. Thấy tôi lo lắng, cháu còn an ủi: “Con sẽ cố gắng hết sức để không phụ công bà và mong mỏi của bố mẹ con nơi suối vàng” - vừa nói, cụ Tuất vừa gạt nước mắt.

Ngồi bên cạnh bà, Hướng dường như cũng đang cố gắng kìm nén nỗi xúc động khi nhớ về những tháng ngày đã qua. Nói về “bí quyết” học tập của mình, Hướng cho biết, trong 3 môn thi đại học, Hóa và Lý là 2 môn có nhiều lý thuyết và công thức khó nhớ. Do vậy, để có thể học thuộc, em dùng cuốn sổ tay ghi lại, lúc rỗi rãi em mở ra xem. Mỗi khi giải các bài tập trong bộ đề, sau khi thầy đã chữa bài, Hướng đều đánh dấu những bài mình làm sai để xem lại. Còn đối với môn Toán, Hướng ôn theo từng dạng, làm đi làm lại nhiều lần để nhuần nhuyễn kiến thức. Do không có điều kiện Hướng chỉ học tại trường và tự ôn luyện ở nhà. Ngoài ra, em còn chơi với một nhóm bạn gồm 6 người trong lớp, đều có lực học khá. Mỗi khi có bài tập khó, Hướng trao đổi với các bạn hay tổ chức học nhóm để tìm ra cách giải hay nhất. Em chia sẻ, trong thời gian ôn thi, em thường học đến 1, 2h sáng bởi đây là thời gian yên tĩnh, dễ tập trung nhất. 

Không chỉ đỗ Thủ khoa khối A - Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông với 27 điểm, Hướng còn dự thi khối B - trường ĐH Y Hà Nội, khoa Răng-Hàm-Mặt. Dù trường này chưa công bố điểm thi nhưng Hướng cho biết em đoán mình sẽ đạt khoảng 24, 25 điểm. Tuy vậy, nếu đỗ cả hai trường, Hướng sẽ vẫn quyết định theo học Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, bởi ước mơ từ nhỏ của em là được làm lập trình viên, viết ra những phần mềm mới có tính ứng dụng cao trong cuộc sống.

Sau những giờ học căng thẳng, Hướng còn có niềm đam mê đặc biệt với thể thao, nhất là môn bóng đá. Mỗi tuần, em đi đá bóng cùng các bạn 2 buổi. Trong góc học tập của Hướng thường xuyên có 2 quả tạ để em tranh thủ rèn luyện thể lực. Ngoài ra, Hướng còn dành thời gian để vào mạng, đọc và tìm hiểu những thông tin mới. Giống như các bạn trẻ khác, Hướng cũng tham gia mạng xã hội Facebook.  

Những này này, căn nhà nhỏ của bà cháu Hướng ở thôn Tiên Hội luôn rộn rã tiếng cười. Nhìn cháu ngày một trưởng thành, cụ Tuất không giấu nỗi niềm tự hào. Chia tay 2 bà cháu, chúng tôi vẫn nhớ câu nói của cụ Tuất nhắc nhở Hướng: “Thành công đã đạt được là rất lớn song cũng không nên “ngủ quên trong chiến thắng”. Để đến được tới đích, con người luôn phải nỗ lực không ngừng. Con phải sống sao cho xứng đáng với bố mẹ và người chú của con đã hi sinh vì đất nước. Bà sẽ cố gắng chờ đến lúc con thành công”… 

Nhận xét về Bùi Chí Hướng, chị Bùi Thị Thu Hằng - người sống cùng thôn Tiên Hội cho biết: “So với bạn bè cùng trang lứa, Hướng là một cậu học trò có nghị lực phi thường và ý chí vươn lên mạnh mẽ. Dù được sinh ra trong gia đình nhà nông, bố mẹ mất sớm nhưng Hướng đã nỗ lực hết sức, khắc phục mọi khó khăn để có kết quả học tập tốt. Em không chỉ là niềm tự hào của cả dòng họ mà còn xứng đáng là tấm gương sáng cho hàng triệu học sinh khác noi theo”.