Vươn tầm ảnh hưởng

ANTĐ - Nhật Bản vừa cam kết đóng góp hơn 32 triệu USD hỗ trợ tài chính cho chương trình trợ giúp kỹ thuật và công tác huấn luyện của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).

Thông tin của IMF cho biết số tiền này sẽ được sử dụng để hỗ trợ các nước thành viên có mức thu nhập thấp, đặc biệt là các nước ở khu vực châu Á, trong năm tài chính 2013 bắt đầu từ 1-5. 

Hạ tầng cơ sở là lĩnh vực tập trung của nguồn vốn ODA Nhật Bản

Từ năm 1990 đến nay, Nhật Bản đã đóng góp hơn 465 triệu USD cho chương trình trên của IMF, mang lại lợi ích cho các nước như Campuchia và Timo Lexte. Theo đánh giá của IMF, đóng góp của Nhật Bản giúp các nước được hưởng lợi xây dựng các thể chế mạnh hơn và thực hiện các chính sách kinh tế tốt hơn. 

Đây chỉ là một phần nhỏ trong vô số những trợ giúp tài chính của Nhật Bản trên quy mô toàn cầu. Sự phát triển vượt bậc của Nhật Bản trong nửa sau của thế kỷ 20 đã đưa nước này trở thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới. Một “cơ thể” kinh tế ngày càng trở nên cường tráng đòi hỏi phải có một hình ảnh mới và tầm ảnh hưởng hoàn toàn khác so với trước. Với tiềm lực kinh tế hùng mạnh, điều này không phải quá khó với Nhật Bản.

 Là một trong những đối tác cung cấp ODA lớn nhất thế giới, mỗi năm Tokyo cung cấp hàng tỷ USD viện trợ cho các nước nhằm thực hiện các dự án trong các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, nỗ lực kiến tạo hòa bình, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, trong đó bao gồm cả các dự án đối phó với biến đổi khí hậu... Đây không phải là nguồn tiền từ thiện của nước giàu dành cho nước nghèo, mà thực chất là công cụ để mưu cầu lợi ích song phương. Trong khi các nước vay có thêm nguồn lực đầu tư cho phát triển, thì Nhật Bản có thể xuất khẩu công nghệ thông qua các dự án cho vay cũng như nâng cao ảnh hưởng của mình với các nước đi vay.

Những năm gần đây, Nhật Bản còn tìm cách khẳng định ảnh hưởng của mình thông qua việc tham gia giải quyết các cuộc khủng hoảng kinh tế trên thế giới. Tháng 4 vừa rồi, nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu, IMF khởi xướng Quỹ ứng phó khủng hoảng với quy mô 430 tỷ USD. Mục tiêu này đã gặp khó khăn bởi khu vực đồng euro (eurozone) đóng góp nhiều nhất cũng chỉ được 200 tỷ USD. Là cổ đông lớn thứ hai sau Mỹ của IMF, Nhật Bản chẳng những đề nghị nâng quỹ IMF lên 700 tỷ euro từ mức 500 tỷ euro hiện nay, mà còn sẵn sàng đóng góp 60 tỷ USD cho Quỹ ứng phó khủng hoảng.

Quyết định của Nhật Bản đã kích thích các cường quốc kinh tế khác đóng góp tài chính nhiều hơn cho IMF. Đánh giá việc làm của Nhật Bản, Tổng giám đốc IMF, bà Christine Lagarde, nói: “Đây là bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy những nỗ lực phòng ngừa và đối phó các cuộc khủng hoảng cũng như tăng cường sự ổn định kinh tế toàn cầu”. Cùng với việc thay đổi chính sách ODA để giành lại vị trí trước đây với tư cách là một trong các nhà tài trợ hàng đầu, nỗ lực của Nhật Bản tại các diễn đàn và tổ chức tài chính toàn cầu đang mở rộng ảnh hưởng của nước này trên thế giới.