“Vui là vui gượng...”

ANTĐ - Ông còn nhớ Tết Trung thu 30, 40 năm trở về trước, trong mâm cỗ rước đèn ngoài bánh trái, hoa quả còn thứ gì được xếp đặt nghiêm ngắn, trịnh trọng nhất không? - Ký Phường cắc cớ hỏi.

- Sao lại không nhớ, đó là ông Tiến sỹ bằng giấy bồi, mà một ông nhà thơ đã cười rằng: “Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai/ Cũng gọi ông Nghè có kém ai”. Nhưng có chuyện gì ở ông Tiến sỹ giấy này, tôi không nói chuyện “nhạy cảm” đâu nhá. Vạ miệng!

- Ông nhát nhỉ? Tôi đang nói khía cạnh tích cực của chuyện rước ông Tiến sỹ giấy ấy đấy chứ. Đấy là khát vọng của người lớn gửi vào đám trẻ con thò lò mũi xanh, mò cua bắt ốc, trèo me trèo sấu, đá cá lăn dưa… rằng phải học để sau này ra làm quan, để đứng trên đầu thiên hạ “sỹ, nông, công, thương”.

- Quan niệm ấy đến nay vẫn khá phổ biến dù trật tự đứng trên đầu thiên hạ đã có chút thay đổi. Chỉ có điều, hóa ra cái “xã hội học tập” ở ta đã có từ xưa rồi.

- Thì thế, phải học thôi. Nhưng mà tôi đang lo đến vãi linh hồn ra đây này. Lo gì à? Đây nhé, mấy đứa em con cô con chú con dì con già ở quê ở tỉnh vài hôm nay cứ điện thoại suốt thông báo con cái trúng tuyển Đại học. Hỏi trúng nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 hay 3, trường công hay trường tư thì chúng chỉ cười phớ lớ và bảo: Bác cứ hỏi khó, trường nào chả là trường, tốt nghiệp rồi đứa nào chả là cử nhân, kỹ sư, bác thấy mát mặt dòng họ chưa. Cho nên ngày này, ngày này bác phải về ăn khao, cứ là rượu cả vò chó cả con luôn. Bác mà không về là bác khinh chúng em nghèo đấy!

- Thế ông tính sao? - Ký Thật thành thật chia sẻ.

- Còn tính gì nữa, phải về mà mừng mà ăn khao chứ, tuy biết những đứa đỗ đại học ấy chỉ có 1 trên 10 đứa là xứng đáng, còn thì rặt những đứa thì 3 môn chỉ được 8 đến 10 điểm, vậy mà giấy gọi nhập học cứ tơi tới, chả biết vào Đại học rồi sẽ học được cái gì, 4, 5 năm nữa sẽ thành ông cử bà cử nhưng sẽ làm được gì, hay chỉ cò… cử?

- Khỏi lo, hậu sinh khả… nhiều thứ lắm! Cứ vui lên và nhớ chuẩn bị phong bì khi về ăn khao mừng các cháu nhập học.

- Vâng, “vui là vui gượng” thôi, ông ạ!