Vui, buồn với “Đường dây nóng”

ANTĐ - Không quá lời khi nói rằng máy điện thoại Đường dây nóng (ĐDN) Báo ANTĐ hoạt động nhiều nhất và… có tuổi thọ ngắn nhất trong tất cả các máy điện thoại của tòa soạn. Và có không ít câu chuyện hấp dẫn từ đường dây này mà chỉ trong dịp cuối năm chúng tôi mới có dịp kể lại…


Mời PV đến “kiểm tra hiện trường”…

Một buổi tối mùa đông cuối tháng 11, khi tôi vừa từ cơ quan về nhà bỗng nghe tiếng chuông báo. Vừa nhấc máy lên, tôi đã nghe giọng một người đàn ông nói như quát trong điện thoại xen lẫn với tiếng nước chảy róc rách: “ĐDN Báo ANTĐ à? Cử phóng viên đến ngay số nhà… đường Lạc Long Quân có việc gấp”. Tôi chưa kịp hỏi câu nào thì người đàn ông này lập tức cúp máy. Gọi lại tôi chỉ thấy đầu dây bên kia liên tục báo bận. Khoảng 5 phút sau, người đàn ông đó lại gọi vào ĐDN giọng rất bực bội pha lẫn… run run: “Đã có phóng viên đến nhà tôi chưa. Tôi vẫn đang giữ nguyên hiện trường để chờ người đến kiểm tra đây”. Đoán người đàn ông này đang bức xúc về chuyện gì đó, tôi nhỏ nhẹ: “Anh có thể nói rõ hơn một chút ở chỗ anh đang xảy ra chuyện gì không…”. Chưa để tôi nói hết câu, người đàn ông này lại lớn giọng: “Chuyện tôi sắp chết chứ còn chuyện gì. Trời rét mà quần áo không được mặc, đang sắp chết rét trong nhà tắm đây. Các chị có đến ngay không thì bảo”. Cố giữ bình tĩnh, tôi nhẹ nhàng: “Có chuyện gì thì để sau trao đổi, anh cứ mặc quần áo vào đã, trời rét thế này...”. Anh ta gắt: “Đang phải giữ nguyên hiện trường để chờ người đến chị lại bảo tôi mặc quần áo vào còn nói làm gì”…

Sau hơn 10 phút vừa thuyết phục vừa động viên tôi mới vỡ lẽ, thì ra người đàn ông này mới mua một bình nóng lạnh lắp đặt trong nhà tắm. Sử dụng được vài hôm, chiếc bình này gặp trục trặc nên anh ta yêu cầu đơn vị bán hàng cho người đến bảo hành. Khi nhân viên bảo hành vừa ra về, anh ta phấn khởi vào nhà tắm “tắm thử” thì chỉ thấy nước lạnh, không có nước nóng. Gọi điện đến trung tâm bảo hành thì được hẹn “vài ngày nữa sẽ cho người đến kiểm tra lại”. Quá bức xúc, người đàn ông này quyết định “khỏa thân trong nhà tắm” gọi điện cho phóng viên đến để “ghi nhận tình trạng thực tế”, làm cơ sở để… kiện nơi bán hàng. Sau khi trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ qua điện thoại, người đàn ông này đã đồng ý… mặc quần áo vào và quyết định viết đơn phản ánh gửi tới nhà sản xuất, đơn vị bán hàng vào ngày hôm sau…

Nhờ PV ANTĐ… giải cứu!

4h sáng một ngày giữa tháng 9, điện thoại ĐDN Báo ANTĐ dồn dập đổ chuông. Bật dậy như lò xo, tôi với chiếc điện thoại ở đầu giường trong tình trạng vẫn ngái ngủ. Giọng nữ đầy vẻ thảng thốt ở đầu dây bên kia khiến tôi tỉnh ngủ hẳn: “Cô ơi cứu cháu với, cháu chết mất”. Tôi hỏi lại: “Cháu bao nhiêu tuổi, đang ở đâu, bị làm sao”. Cô bé thút thít: “Cháu 14 tuổi, đêm qua cháu không về nhà, cháu ngủ ở nhà bạn. Bây giờ cháu rất muốn về nhưng không thể nữa rồi. Cháu sợ…”. Thấy tình hình có vẻ nghiêm trọng tôi trấn an: “Cháu ở đâu cứ ở yên đó, đọc địa chỉ rồi cô qua ngay”… Trên đường đi tôi thấp thỏm không yên, chỉ lo cô bé nghĩ quẩn làm điều dại dột. Khi đến gần ngã tư  Lê Duẩn - Đại Cồ Việt, ngay từ xa, tôi đã dễ dàng nhận ra người cần tìm. Đó là một cô bé khá phổng phao so với lứa tuổi 14 với mái tóc được cắt tỉa và nhuộm rất “mốt”, đang co ro với bộ váy ngắn cũn cỡn trên người.

Mặt cô bé được trang điểm khá kỹ với mắt xanh, môi đỏ nhưng có phần nhợt nhạt. Đôi mắt nhòe nước và lộ rõ vẻ mệt mỏi vì thiếu ngủ và lo lắng. “Nhà cháu ở đâu, sao cháu không về nhà” - tôi hỏi. “Cháu sợ bố cháu”  - cô bé thút thít rồi trút bầu tâm sự: “Mẹ cháu mất sớm, chỉ có 2 bố con cháu ở với nhau. Bố cháu rất nghiêm khắc và nóng tính. Mỗi lần làm sai việc gì cháu đều bị ăn đòn. Đêm qua sinh nhật bạn cùng lớp cháu - đó là người bạn trai cháu thích từ lâu nên cháu muốn tham dự. Cháu xin đi nhưng bố không cho. Bí quá cháu phải trốn khỏi nhà. Bố cháu gọi điện cháu không dám nghe và bố đã nhắn tin: “Có gan bỏ nhà đi thì đừng bao giờ quay trở về. Đồ con cái mất dạy”. Cháu biết bố vẫn thương cháu, cháu muốn về nhà nhưng cháu sợ. Cháu biết ĐDN Báo ANTĐ đã giúp được rất nhiều người nên đành liều gọi đến. Cô mà không giúp, chắc cháu sẽ phải bỏ nhà đi bụi mất”…

Hiểu ra sự tình, tôi lấy điện thoại gọi điện cho bố cô bé thuyết phục để người đàn ông này rồi động viên, đưa cô bé trở về nhà. Gặp lại con, người bố hồ hởi chia sẻ: “Con gái là những gì quý giá nhất với tôi. Từ tối qua đến giờ tôi như ngồi trên đống lửa. Vừa giận lại vừa lo cho con. Vì lo con nhiễm thói hư tật xấu tôi đã quá nghiêm khắc với nó, không ngờ cách giáo dục đó làm tôi suýt mất con”… Và cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in cái bắt tay rất chặt và những giọt nước mắt vui mừng của cả hai bố con cô bé cùng với lời mời rất nhiệt tình: “Hôm nào rảnh mời cô qua chơi và ăn với bố con tôi bữa cơm. Kể từ hôm nay cô đã trở thành người nhà của chúng tôi rồi”…

...Và nhờ tìm nơi chữa bệnh

Đó là trường hợp của 2 mẹ con một bệnh nhân đến từ Hà Giang. Người bị bệnh là cậu bé mới 4 tuổi. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu người trông nom nên cậu bé không được đi học mà ở nhà tha thẩn chơi một mình. Trong một lần nghịch ngợm, cậu bé này đã bị ngã và gãy 2 chiếc răng. Bố mẹ cậu bé tuy biết con bị đau nhưng do quá bận rộn, không vệ sinh răng miệng cho con sạch sẽ nên ở chỗ chiếc răng bị gãy của cậu bé đã bị nhiễm trùng. Thấy con bỏ ăn mấy ngày liền, người gầy rộc, lại luôn miệng kêu đau, dù đã mời thầy cúng về nhà để “đuổi ma” cho cậu bé nhưng vẫn không hết bệnh nên mẹ cậu bé đã đưa con xuống Hà Nội chữa bệnh. Lần đầu xuống Thủ đô, tiền chỉ có chút ít lại không biết địa chỉ nơi cần đến nên hai mẹ con dắt díu nhau lang thang đi bộ đến nửa ngày trời. Cậu bé một phần vì đau, một phần vì không ăn uống gì nên người lả đi, hơi thở rất yếu ớt.

Tưởng con mình sắp chết, người mẹ cuống cuồng cầu cứu những người xung quanh và được một người lái “xe ôm” tốt bụng gọi điện tới ĐDN Báo ANTĐ nhờ trợ giúp. Khi tôi tới nơi, người phụ nữ miệng mếu máo, nước mắt giàn giụa: “Tôi không có ai quen ở đây, được người ta mách nên liều gọi điện đến quý báo. Con tôi đang trong tình trạng nguy kịch, xin cô chỉ giúp nơi chữa bệnh cho con tôi, tôi vô cùng biết ơn”. Sau khi liên lạc đến Viện Răng hàm mặt, chúng tôi đã được một lãnh đạo của bệnh viện đồng ý khám chữa bệnh cho cậu bé. Được thăm khám và điều trị, chỉ ít ngày sau cậu bé đã lành bệnh. Trước khi đưa con về quê, người phụ nữ đó đã gọi điện đến ĐDN nói lời cảm ơn và khẳng định như đinh đóng cột: “Nhất định khi về nhà tôi sẽ viết thật to số điện thoại ĐDN Báo ANTĐ lên tường để mỗi khi gia đình tôi hoặc bà con láng giềng gặp khó khăn hay có niềm vui chúng tôi sẽ gọi”…

Trên đây chỉ là vài ba trong số hàng trăm tình huống, câu chuyện có thật ngoài đời thường mà chúng tôi lượm lặt từ ĐDN. Chuyện vui cũng có và chuyện buồn cũng không ít. Các PV trực ĐDN vẫn nói vui với nhau rằng: “Đêm nào không nghe thấy chuông điện thoại ĐDN là ngủ không ngon”… Quả thật, đã có những đêm, ĐDN đã thức và “nóng” thực sự cùng phóng viên Báo ANTĐ trong những chuyến đi tìm hiểu sự thật, để có những bài báo phản ánh chân thực, khách quan những vấn đề đời sống dân sinh, những tệ nạn xã hội.