Vực dậy nền kinh tế: Cần kích cầu đầu tư, tiêu dùng

ANTĐ - Nhân Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, TS. Phạm Huy Hùng - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Công Thương Việt Nam - VietinBank, Đại biểu Quốc hội (đoàn ĐBQH TP Hà Nội) đã có bài viết đánh giá bổ sung tình hình kinh tế, xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2012; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch năm 2013. Báo ANTĐ trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Vượt qua khó khăn

Năm 2013, tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng vừa qua đã có những chuyển biến tích cực. Cụ thể, đã tập trung thực hiện nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Giá tiêu dùng tháng 4-2013 tăng 2,41% thấp hơn cùng kỳ năm trước (2,6%) và là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 4 năm qua. Mặt bằng lãi suất giảm 2-3%/năm so với cuối năm 2012. Dư nợ tín dụng đã tăng trở lại qua các tháng, tính đến cuối tháng 4 tăng 2,11%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2012 (4 tháng đầu năm 2012 giảm 0,2%). Thị trường ngoại hối và tỷ giá tương đối ổn định; dự trữ ngoại hối tăng cao; niềm tin vào đồng tiền Việt Nam được nâng lên. 

Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đạt được kết quả bước đầu. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I tăng 4,89%, cao hơn cùng kỳ năm trước (4,75%). Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2013 – 2020; tiếp tục thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và Đề án xử lý nợ xấu đã được phê duyệt; đã triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu đối với những ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Bên cạnh đó, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội tiếp tục được quan tâm và cơ bản được bảo đảm; các lĩnh vực giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, môi trường, văn hóa xã hội tiếp tục có bước tiến bộ...

Kích cầu đầu tư, tiêu dùng, khôi phục niềm tin cho thị trường 

Riêng trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng, việc quyết định giảm thêm 1% đối với các mức lãi suất điều hành và lãi suất cho vay tối đa VND đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, trong khi vẫn duy trì mức lãi suất huy động tối đa 7,5% là giải pháp hợp lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong nỗ lực tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nhưng vẫn đảm bảo lãi suất thực dương cho người gửi tiền và hỗ trợ tín dụng cho một số lĩnh vực kinh tế cần ưu tiên.

Tuy nhiều ngân hàng cạnh tranh giảm mạnh lãi suất cho vay để thu hút khách hàng có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, nhưng vẫn không tăng được tín dụng. Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam ở các thời điểm đều thực hiện lãi suất tín dụng thấp nhất so với các Ngân hàng Thương mại (NHTM) khác, nhưng đến 15-5 tổng đầu tư cho vay giảm 4,1% so với 31-12-2012 (cùng kỳ năm 2012 tăng 3%).

Đến nay lãi suất đã không còn là rào cản đối với vấn đề tiếp cận vốn của doanh nghiệp và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Song, nhiều ý kiến cho rằng các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn với mức lãi suất hợp lý. Chúng tôi cho rằng, các ngân hàng cũng là doanh nghiệp. Với chức năng đi vay để cho vay, việc không cho vay được trong khi nguồn huy động khá dồi dào dẫn đến tình cảnh “tồn đọng tiền” và tạo áp lực rất lớn cho các ngân hàng. Có thể nói, toàn hệ thống ngân hàng đang “đốt đuốc” tìm khách hàng để cho vay. Sự cạnh tranh tìm kiếm các khách hàng tốt là rất khốc liệt. Có những ngân hàng đã cạnh tranh cho vay với lãi suất thấp dưới lãi suất huy động.

Như vậy, khó khăn trong tiếp cận vốn vay không phải do ngành ngân hàng không muốn cho vay hay do lãi suất cao. Vấn đề cốt lõi hiện nay là sức mua của nền kinh tế vẫn giảm sút, hàng tồn kho vẫn lớn, năng lực tài chính và những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn chưa được cải thiện. Như vậy, vấn đề quan trọng hiện nay vẫn là kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng, giải phóng hàng tồn kho và khôi phục niềm tin cho thị trường. Nhiệm vụ này cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và cả xã hội.

Lãi suất đã không còn là rào cản đối với vấn đề tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Ảnh: Nguyên Vũ

Giải quyết “cục máu đông”

Chúng ta cần có cái nhìn khách quan hơn về nợ xấu. Nợ xấu không phải do ngân hàng tạo ra mà do các doanh nghiệp, khách hàng vay vốn không trả được nợ cho ngân hàng dẫn đến nợ xấu tại hệ thống gia tăng. Một mình ngành ngân hàng không thể giải quyết được triệt để vấn đề này. Đây được xem là “cục máu đông”, nếu không được xử lý sẽ làm cho nguồn vốn tín dụng không lưu thông được.

Từ năm 2012, NHNN đã rất nỗ lực giải bài toán nợ xấu với các biện pháp rất hiệu quả và quyết liệt. Qua đó, hệ thống ngân hàng đã xử lý được trên 330.000 tỷ đồng. Để xử lý triệt để nợ xấu, việc NHNN báo cáo Bộ Chính trị và trình Chính phủ Đề án tổng thể xử lý nợ xấu là bước đi cần thiết, hợp lý. 

Xử lý nợ xấu là vấn đề rất phức tạp, mất nhiều thời gian và tốn kém nên cần có sự đồng thuận cao và có giải pháp đột phá khả thi để xử lý trong thời gian sớm nhất. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, hầu hết các nước đều cần đến sự hỗ trợ từ Ngân sách Nhà nước hoặc vốn vay từ nước ngoài để xử lý nợ xấu. Vì vậy, Quốc hội, Chính phủ cũng nên cân nhắc phương án dùng Ngân sách Nhà nước hoặc cho phép vay vốn từ nước ngoài hoặc sử dụng một phần quỹ dự trữ ngoại hối để thúc đẩy nhanh hơn quá trình xử lý nợ xấu và sớm khơi thông nguồn vốn phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, thúc đẩy nền kinh tế trở lại đà tăng trưởng.

Xung quanh quản lý hoạt động kinh doanh vàng, sau hơn 1 năm triển khai tích cực của cơ quan quản lý Nhà nước là NHNN, thị trường vàng từ chỗ diễn biến vô cùng phức tạp, kéo theo sự bất ổn của tỷ giá và thị trường ngoại tệ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ổn định kinh tế vĩ mô thì nay đã duy trì được sự ổn định và không còn cảnh người dân đổ xô đi mua, bán vàng như trước đây. Tình trạng nhập lậu vàng đã giảm hẳn, nhờ đó nguồn cung ngoại tệ đã được cải thiện mạnh mẽ, các nhu cầu ngoại tệ chính đáng của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, tỷ giá ổn định, niềm tin vào đồng Việt Nam gia tăng... Đây là những kết quả vô cùng quan trọng góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và cần được Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao.

Phục hồi, kích thích sản xuất

Trong những tháng còn lại của năm 2013, cần hoàn thiện đề án tái cấu trúc nền kinh tế tổng thể, vững chắc. Phải xác định rõ mục tiêu, kế hoạch, lộ trình cụ thể từng nội dung để thực hiện được tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó trọng tâm là thực hiện xác lập được các cân đối kinh tế vĩ mô lớn của đất nước một cách vững chắc, có nhiệm vụ cụ thể của từng bộ, từng ngành, từng địa phương. Cần có các giải pháp quyết liệt kích cầu để xử lý hàng tồn kho, nợ xấu, tháo gỡ nút thắt từ phía doanh nghiệp, hỗ trợ phục hồi và kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Cùng với đó, phải tạo sự chuyển biến rõ rệt về kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực hiệu quả của bộ máy Nhà nước. Đồng thời, cần rà soát cơ chế, chính sách không hợp lý (đất đai, tài chính, tiền lương, thuế...) và rút ngắn khoảng cách từ chính sách đến thực tế. Cùng lúc, phải sử dụng có hiệu quả các công cụ kiểm soát hoạt động của các tổ chức tín dụng, nắm bắt các tín hiệu thị trường để kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Trong hoạt động tái cơ cấu DNNN, tập đoàn, tổng công ty, cần hoàn thiện thể chế quản lý DNNN, quản lý vốn Nhà nước tại DN có vốn Nhà nước gắn với việc xây dựng Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước. Điều cần hơn lúc này là Nhà nước (các bộ, ngành) và xã hội cần chia sẻ nhiều hơn với cộng đồng doanh nghiệp, tạo điều kiện, cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp vượt lên được khó khăn để phát triển.

Với tái cơ cấu hệ thống NHTM, cần xác định rõ tái cơ cấu ngân hàng là vấn đề phức tạp, cần triển khai việc xử lý nợ xấu bằng một đề án minh bạch. Cần tăng cường hiệu quả giám sát của NHNN, buộc  tất cả các NHTM phải công bố thông tin minh bạch hàng quý, năm. NHNN cần làm rõ thực chất yếu kém, hạn chế của từng ngân hàng, xây dựng những tiêu chí cho hoạt động ngân hàng Việt Nam hướng tới thông lệ quốc tế.