Vụ Vinashin: Truy tố 9 bị can

ANTĐ - Diễn tiến tố tụng mới nhất liên quan đến những sai phạm tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Tập đoàn Vinashin), đó là ngày 17-11, Viện KSND Tối cao đã hoàn tất và tống đạt bản cáo trạng quyết định truy tố 9 bị can về tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng".

Các bị can bị truy tố gồm Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vinashin; Trần Văn Liêm, nguyên Trưởng ban Kiểm soát Tập đoàn Vinashin; Nguyễn Văn Tuyên, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần CNTT Hoàng Anh; Nguyễn Tuấn Dương, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Cửu Long; Tô Nghiêm, nguyên Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên CNTT Cái Lân, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà; Trịnh Thị Hậu, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính TNHH một thành viên CNTT; Hoàng Gia Hiệp, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính TNHH một thành viên CNTT, Giám đốc Công ty Cho thuê tài chính CNTT; Trần Quang Vũ, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinashin và Đỗ Đình Côn, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần CNTT Hoàng Anh.

Dấu hiệu sai phạm của 9 bị can này tập trung ở 5 dự án: mua tàu cao tốc Hoa Sen; đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Sông Hồng (Nam Định); đầu tư xây dựng Nhà máy Điện diezel Cái Lân (Quảng Ninh); bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang và dự án tàu Bình Định Star. Qua đó, số tiền mà Nhà nước chịu thiệt hại lên tới hơn 906 tỷ đồng. Cáo trạng của Viện KSND Tối cao đã xác định rõ hành vi, trách nhiệm của các bị can, trong đó “đứng đầu” là bị can Phạm Thanh Bình. Ông Bình bị xác định sai phạm liên quan đến 3 dự án mua tàu cao tốc Hoa Sen, đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Sông Hồng (Nam Định) và đầu tư xây dựng Nhà máy Điện diezel Cái Lân, gây thiệt hại hơn 850 tỷ đồng.

Được biết, cáo trạng truy tố 9 bị can nêu trên chỉ là giai đoạn 1 của công tác điều tra, xác minh những sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vinashin. Cơ quan tố tụng đã tách vụ án “tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần CNTT Hoàng Anh Vinashin; đồng thời theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã chuyển hồ sơ 7 vụ việc xảy ra ở các công ty “con” của tập đoàn này, gây thất thoát khoảng hơn 1.300 tỷ đồng đến cơ quan ANĐT 7 tỉnh, thành phố để điều tra theo thẩm quyền.

Cũng liên quan đến vụ án này, Viện KSND Tối cao đã thống nhất với cơ quan ANĐT áp dụng hình thức xử lý hành chính 20 trường hợp vi phạm. Đồng thời,  Cơ quan ANĐT Bộ Công an đang tập trung điều tra, xử lý các hành vi có dấu hiệu sai phạm của Ban Tài chính Tập đoàn Vinashin trong việc duyệt cho Công ty Hoàng Anh và Công ty Cửu Long vay vốn sử dụng vào dự án Nhiệt điện Sông Hồng và việc Hội đồng quản lý vốn Tập đoàn Vinashin phê duyệt cho vay không đúng quy định từ nguồn trái phiếu quốc tế của Chính phủ.

Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã tách phần "Tham ô tài sản" xảy ra tại Công ty cổ phần CNTT Hoàng Anh để điều tra, xử lý trong giai đoạn tiếp theo. Hiện nay, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, con thuyền Vinashin đã đi đúng hướng, lấy lại thăng bằng và đang dần dần ổn định.

Việc điều tra, xử lý những cá nhân vi phạm không chỉ nhằm trừng trị trước pháp luật, mà qua đó, cũng để phát hiện những kẽ hở, bất hợp lý trong việc quản lý, điều hành các tập đoàn kinh tế, nhằm sắp xếp, chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn đầu tàu nền kinh tế đất nước.