Vụ thuê người chặt tay chân để nhận tiền bảo hiểm: Chưa cấu thành tội phạm, nhưng...

ANTD.VN - Sau khi Báo ANTĐ đăng bài “Thuê người chặt tay chân để được nhận tiền bảo hiểm”, Đường dây nóng Báo ANTĐ đã nhận được nhiều cuộc gọi của bạn đọc bày tỏ sự ghê sợ, kinh hãi về việc làm của Lý Thị N., đồng thời nêu thắc mắc về trách nhiệm pháp lý của những người liên quan trong vụ việc này.

Dấu hiệu gian lận trong kinh doanh bảo hiểm

Theo luật sư Hoàng Tùng - Văn phòng Luật sư Trung Hòa - Đoàn Luật sư Hà Nội, hành vi của người thuê người khác chặt tay, chân mình để lấy tiền bảo hiểm là dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 BLHS hiện hành là tội phạm cấu thành vật chất. Theo đó, “người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 500.000 đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 500.000 nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm”. 

Như vậy, theo quy định này, người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của ai đó và phải chiếm được tài sản, còn nếu như tài sản chưa chiếm đoạt được thì chưa cấu thành tội phạm. Trong trường hợp trên, do người thuê chặt tay, chân của chính mình chưa thực hiện được việc trục lợi số tiền bảo hiểm, các công ty bảo hiểm cũng chưa chi trả khoản tiền nào nên đối tượng sẽ không bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139.

Ngoài ra, hành vi tự gây thiệt hại sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm của Lý Thị N. đã có dấu hiệu của tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm, quy định tại Điều 213 BLHS 2015: “Người nào tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm (trừ trường hợp luật quy định khác) chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm”. Tuy nhiên, do Bộ luật Hình sự 2015 chưa có hiệu lực thi hành nên không thể áp dụng điều luật này để xử lý người thuê đối tượng chặt tay, chân mình.

Tuy vậy, cơ quan chức năng có thể xử phạt hành chính đối với người này với mức phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng về hành vi “báo tin giả đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền” theo quy định tại điểm b, khoản 2, điều 5, Nghị định 167/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng, chống bạo lực gia đình.

Cần xem xét hành vi cố ý gây thương tích

Đối với hành vi của người được thuê chặt tay, chân, luật sư Hoàng Tùng cho rằng, mặc dù hai bên đã có thỏa thuận từ trước, nhưng việc người được thuê dùng hung khí gây thương tích cho người khác, họ buộc phải nhận thức được hành vi này là hành vi trái pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người thuê. Dù người thuê vì bất cứ động cơ mục đích nào thì người được thuê chặt tay, chân của người khác khi thực hiện hành vi này phải có trách nhiệm nhận thức đầy đủ về hậu quả việc làm của mình. 

Hành vi chặt tay, chân người khác của người được thuê xâm phạm đến quyền bảo vệ sức khỏe con người được pháp luật bảo vệ. Về mặt khách quan, người được thuê đã có hành vi sử dụng dao chặt tay, chân của người khác, đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, trái pháp luật, thể hiện nhận thức và điều khiển hành vi của người phạm tội mong muốn gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác, gây hậu quả nghiêm trọng thể hiện ở tỷ lệ thương tật mất sức lao động của nạn nhân. Chủ thể của tội phạm là người đã có lỗi trong việc thực hiện hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho người khác, mong muốn thực hiện hành vi, có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

Do đó, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người được thuê có thể bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 104 BLHS. Theo đó, “người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11-30%... thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm”.

Cũng theo luật sư Hoàng Tùng, trục lợi bảo hiểm là hành vi lừa dối nhằm thu lợi bất hợp pháp của đối tượng tham gia vào quan hệ kinh doanh bảo hiểm. Hành vi tự hủy hoại sức khỏe của mình để được hưởng bảo hiểm không những không phù hợp với điều kiện được bảo hiểm trong hợp đồng mà còn trái pháp luật bảo hiểm và pháp luật liên quan. Thời gian tới, người thực hiện hành vi trái pháp luật này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm theo BLHS 2015. Do vậy, những người đang có ý định chiếm đoạt tiền bảo hiểm bằng cách tự hủy hoại bản thân cần phải bỏ ngay suy nghĩ này kẻo mất cả chì lẫn chài!