Vụ thu lại tiền cứu trợ: "Cán bộ thôn không có ý tham ô, nhưng cào bằng là không nên"

ANTD.VN - Đó là ý kiến của ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình liên quan tới vụ người dân nhận tiền cứu trợ 500 nghìn đồng bị cán bộ thôn thu lại 400 nghìn đồng xảy ra tại thôn Trung Thôn, xã Quảng Trung (Quảng Bình).

Người dân thôn Trung Thôn phản ánh nhận tiền cứu trợ 500 nghìn đồng bị cán bộ thôn tới nhà thu lại 400 nghìn đồng

PV: Vụ việc thôn thu lại tiền cứu trợ được người dân và báo chí phản ánh, tỉnh đã xử lý thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Phương: Ngay sau khi phát hiện vụ việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài đã có văn bản chỉ đạo các xã, phường, thị trấn trong tỉnh chấn chỉnh và làm nghiêm túc việc tiếp nhận và phát hàng cứu trợ. Trong chỉ thị cũng nêu rõ việc sẽ điều tra, xác minh làm rõ và xử lý nghiêm các đơn vị đã để xảy ra vụ việc. 

- Trường hợp địa phương đã xảy ra chuyện này như tại thôn Trung Thôn xã Quảng Trung, tỉnh có xử lý gì chưa, thưa ông?

-Theo văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, với các trường hợp thu tiền cứu trợ của người dân thì phải trả lại đủ cho người dân. 

Lãnh đạo xã này có giải thích rằng họ thu lại tiền để chia đều cho các hộ dân cùng đang chịu thiệt hại do lũ lụt, chứ không phải bỏ túi riêng... sự việc có đúng như vậy?

-Xét về bản chất việc làm của họ, những cán bộ thôn, xã đó không tham ô. Họ muốn tiền cứu trợ đó ai cũng được hưởng. Thiện ý đó ai cũng hiểu, nhưng cách làm đó không thực chất, giữa người cứu trợ và người hưởng cứu trợ. Tư tưởng của xã mang tính cào bằng, còn người cứu trợ thì lại muốn ủng hộ những người khó khăn nhất. Cách làm đó của xã vi phạm yêu cầu của nhiệm vụ thực hiện cứu trợ.

-Đợt bão lũ vừa qua, mức thiệt hại tại Quảng Bình đến đâu, thưa ông?

-Phải nói là rất nặng nề, đặc biệt là các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, thị xã Ba Đồn. Ngay cả thành phố Đồng Hới hiếm khi ngập mà cũng bị lụt sâu. 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương trao đổi với báo chí

-Tỉnh Quảng Bình đã có chính sách hỗ trợ bà con vùng thiệt hại ra sao?

-Ban phòng chống cứu nạn và thiên tai của tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực cứu người, cứu tài sản của dân, giải quyết tình trạng thiếu ăn của dân. Tỉnh có những biện pháp tích cực, trước mắt ủng hộ gạo và thức ăn giải quyết cho người dân, tiếp đó tỉnh xuất tiền hỗ trợ bão lụt, thành lập Ban tiếp nhận hàng cứu trợ, giao cho Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ cho người dân theo yêu cầu của đơn vị cứu trợ. Đơn vị nào yêu cầu phát trực tiếp, tỉnh sẽ giao cho từng tổ chức chính trị địa phương để giao hàng cứu trợ tới tận tay người dân.

-Với những đoàn cứu trợ không thông qua chính quyền địa phương sẽ thế nào?

-Cơ bản các đoàn cứu trợ đều có liên hệ qua UBND và MTTQ tỉnh, nếu thông qua tỉnh thì chúng tôi sẽ tìm cách tiếp đón và cử các đơn vị có liên quan hỗ trợ. Ví dụ đoàn cứu trợ là đoàn thanh niên thì sẽ giao đoàn thanh niên tỉnh để có người tổ chức cứu trợ. Còn các cá nhân, đoàn thể không thông qua tỉnh mà đi trực tiếp thì tùy theo cách làm của họ, miễn làm sao người dân nhận được tình cảm và hàng cứu trợ của đồng bào các vùng miền, chứ tỉnh không gây phiền hà gì cả.