Vụ thiếu nữ dọa có bom trên máy bay: Giá đắt của câu đùa

ANTĐ - Buột miệng “nói đùa” với tiếp viên hàng không có bom trong hành lý xách tay, Hồ Thị Thanh Tuyền không biết điều đó là phạm luật. Câu nói đùa của Tuyền đã phải trả giá bằng bản án 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, do TAND TP Hà Nội tuyên phạt vào sáng nay 23-7…

Bị cáo Tuyền tại phiên tòa hôm qua

Đùa kiểu... nghiêm trọng

Khoảng 15h50 ngày 9-7-2011, chuyến bay mang số hiệu VN 1565 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã hoàn tất các thủ tục, để chuẩn bị khởi hành vào lúc 16h30 cùng ngày, theo đường bay Hà Nội - Đà Lạt. Trên chuyến bay này có 171 hành khách, trong đó có Hồ Thị Thanh Tuyền (SN 1987, trú tại phường 6, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). 

Trước khi máy bay chuẩn bị cất cánh, các tiếp viên hàng không Bùi Tuấn Anh và Lã Thùy Linh, hướng dẫn các hành khách thắt dây an toàn, để hành lý xách tay lên hộc để đồ, cách thoát hiểm khi tàu bay gặp sự cố. Sau đó, tiếp viên Tuấn Anh và Thùy Linh đi nhắc nhở, yêu cầu các hành khách thực hiện các quy định để tàu bay cất cánh. Khi tiếp viên Bùi Tuấn Anh đến hàng ghế số 15, thấy Hồ Thị Thanh Tuyền vẫn để hành lý xách tay trên người, tiếp viên này đã nhắc nhở và yêu cầu Tuyền để hành lý xách tay lên hộc để đồ. Tuyền nhờ tiếp viên Tuấn Anh để hộ và nói: “Anh ơi, ví dụ trong giỏ xách của em mà có quả bom, để trên đó nó giồng giồng (xóc) như vậy thì nó có nổ không?”.

Thấy Tuyền nói vậy, tiếp viên Tuấn Anh đã yêu cầu nhắc lại và Tuyền nói rằng đó chỉ là nói đùa. Tiếp viên Tuấn Anh đã báo lại với tiếp viên trưởng Nguyễn Thị Trí Thi và tiếp viên Trí Thi đến chỗ Tuyền hỏi lại chuyện. Tuyền khẳng định, có nói và bảo là nói đùa. Thấy sự việc hành khách nói có bom trong hành lý là nghiêm trọng nên tiếp viên Trí Thi đã báo cáo vụ việc với cơ trưởng chuyến bay. Cơ trưởng căn cứ trách nhiệm, quyền hạn của người chỉ huy tàu bay, quy trình xử lý hành khách tung tin có bom đã quyết định hoãn chuyến bay, cho máy bay quay lại để kiểm tra an ninh đối với tàu bay, hành khách, hành lý và hàng hóa. Chuyến bay đã bị tạm dừng và áp dụng phương án khẩn nguy cứu nạn tại cảng, di chuyển toàn bộ hành khách, hành lý xách tay quay lại phòng chờ để kiểm tra an ninh. Tàu bay được di chuyển sang khu biệt lập để kiểm tra.

Kết quả kiểm tra, lực lượng chức năng không phát hiện thấy dấu hiệu gây mất an ninh trong hành lý và trên người Tuyền. Sau khi kiểm tra an ninh xong, xác định tàu bay an toàn, chuyến bay được tiếp tục và bị chậm 3 giờ theo lịch trình, còn Tuyền được bàn giao cho Công an huyện Sóc Sơn xác minh, làm rõ.

Pháp luật cần được tuyên truyền sâu rộng

Theo Vietnam Airlines, việc phải hoãn chuyến bay để kiểm tra an ninh đã ảnh hưởng lớn đến tình hình khai thác các chuyến bay khác của hãng, đồng thời đã khiến Vietnam Airlines thiệt hại hơn 304 triệu đồng chi phí phát sinh. Hành vi trên của Hồ Thị Thanh Tuyền sau đó đã bị cơ quan công tố cáo buộc phạm tội “Cản trở giao thông đường không”, theo quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 217 - BLHS. Sau sự việc, Hồ Thị Thanh Tuyền cũng đã tự nguyện nộp 5 triệu đồng, khắc phục một phần thiệt hại cho Vietnam Airlines.

Hôm qua 23-7, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử Hồ Thị Thanh Tuyền về tội danh trên. Tại phiên tòa, bị cáo Tuyền thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình và cho rằng, thực tế bị cáo chỉ nghĩ rằng đó là câu nói đùa chứ không ngờ lại gây hậu quả nghiêm trọng đến như vậy. Nhận định tại phiên xử, đại diện VKS cũng kết luận, do thiếu hiểu biết pháp luật, bị cáo không ý thức được hành vi hành động của mình. Hành vi của bị cáo là hành vi nguy hiểm, gây cản trở giao thông đường không, xâm phạm đến an ninh hàng không mà luật,- đã quy định nên đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo mức án từ 12 đến 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Sau khi xem xét toàn diện nội dung vụ án, HĐXX cũng đã ra quyết định tuyên phạt Hồ Thị Thanh Tuyền 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Ngoài ra, Tuyền còn phải bồi thường cho Vietnam Airlines hơn 100 triệu đồng.

Theo luật sư Trịnh Trực (thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, thời gian gần đây, nhiều vụ án mà bị cáo bị truy tố cùng về tội danh “Cản trở giao thông đường không” đã được TAND các cấp đưa ra xét xử. Điều đáng nói, các bị cáo sau khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự đều thừa nhận, do thiếu hiểu biết pháp luật. Rõ ràng việc nâng cao ý thức nơi công cộng đối với nhiều người hiện nay còn hạn chế. Trong khi đó, tại các sân bay, nhà ga hiện nay những pa-nô, áp phích, biển cảnh báo… có nội dung về việc phát ngôn của người tham gia giao thông hàng không lại thiếu. Do vậy, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung và Luật Hàng không dân dụng cùng với những quy định về an ninh hàng không nói riêng cần phải được đẩy mạnh và tuyên truyền sâu, rộng hơn nữa.