Vụ thất thoát hàng nghìn tỷ đồng tại Bình Dương: Người liên quan mong muốn 'khắc phục' hậu quả

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các cơ quan tố tụng xác định, Công ty Kim Oanh là “bên thứ 3 ngay tình” khi mua khu đất 43ha từ Công ty Âu Lạc. Công ty Kim Oanh vì thế mong muốn được nộp khoản tiền chênh lệch theo phán quyết của Tòa án để tiếp tục thực hiện dự án tại đây.

Viện kiểm sát đề nghị trả 43ha đất cho Tỉnh ủy

Chiều 23-8, phiên tòa xét xử cựu Bí thư tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam và 27 bị cáo liên quan, trong vụ án thất thoát hàng nghìn tỷ đồng, xảy ra tại Bình Dương tiếp tục phần tranh luận của các luật sư. Đáng chú là phía Công ty Kim Oanh bày tỏ mong muốn được khắc phục toàn bộ hậu quả đối với 43ha đất.

Trước đó, đại diện Viện kiểm sát đề nghị xử phạt cựu Bí thư Bình Dương Trần Văn Nam từ 9 năm - 10 năm tù; Nguyễn Văn Minh - cựu Chủ tịch Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Công ty SX - XNK Bình Dương) từ 29 năm - 30 năm tù. Các bị cáo còn lại lần lượt bị đề nghị xử phạt từ 3 năm đến 26 năm tù, theo đúng các tội danh bị truy tố.

Về dân sự, Viện kiểm sát nghị Tòa án tuyên theo hướng trả lại các khu đất 43ha và 145ha cho Tỉnh ủy Bình Dương.

Các bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử tại phiên tòa.

Các bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử tại phiên tòa.

Tại khu đất 43ha, cáo trạng vụ án thể hiện, nhóm Nguyễn Văn Minh đã làm trái chủ trương của Tỉnh ủy Bình Dương khi mang tài sản này đi góp vốn cùng Công ty Âu Lạc để thành lập liên doanh là Công ty Tân Phú nhằm thực hiện Dự án Khu dân cư - Thương Mại - Dịch Vụ Tân Phú.

Bị cáo Minh sau đó chỉ đạo Công ty SX - XNK Bình Dương “bán rẻ” toàn bộ cổ phần tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc. Điều này đồng nghĩa với việc 43ha từ tài sản Nhà nước bị chuyển sang doanh nghiệp tư nhân, gây thiệt hại hơn 984 tỷ đồng.

Công ty Âu Lạc sau đó bán toán bộ cổ phần tại Công ty Tân Phú cho Công ty Kim Oanh. Cơ quan tố tụng xác định, bà Đặng Thị Kim Oanh “không biết, không liên quan hành vi chuyển nhượng trái pháp luật khu đất 43ha”. Do vậy, các Công ty Tân Phú, Công ty Kim Oanh được triệu tập đến tòa trong vai trò người có quyền, nghĩa vụ liên quan.

Hậu quả được khắc phục và tránh việc khiếu kiện

Trình bày quan điểm bảo vệ quyền lợi cho Công ty Tân Phú và Công ty Kim Oanh, luật sư Nguyễn Thị Thu đề nghị HĐXX không chấp nhận đề nghị của Viện kiểm sát khi đề nghị tòa tuyên trả 43ha về Tỉnh ủy Bình Dương. Nữ luật sư này đề nghị tòa tuyên theo hướng cho Công ty Kim Oanh “nộp khoản tiền chênh lệch” và được tiếp tục thực hiện dự án trên khu đất 43ha.

Luật sư phân tích, luật hình sự quy định người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. Tuy nhiên trong vụ án này, Công ty Kim Oanh được các cơ quan tố tụng xác định không có hành vi phạm tội.

Cựu Chủ tịch Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương Nguyễn Văn Minh.

Cựu Chủ tịch Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương Nguyễn Văn Minh.

Công ty Kim Oanh là “người thứ 3 ngay tình” trong việc nhận chuyển nhượng 100% vốn góp của Công ty Âu Lạc để thành chủ sở hữu hợp pháp của Công ty Tân Phú, bao gồm cả quyền sử dụng 43ha đất. Luật sư cho rằng Bộ luật Dân sự quy định quyền, lợi ích của người thứ 3 ngay tình phải được đảm bảo nên Công ty Kim Oanh có “toàn quyền sử dụng và quyết định đầu tư trên diện tích đất 43 ha”.

Ngoài ra, việc mua bán, chuyển nhượng, đăng ký biến động và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 43ha của Công ty Tân Phú đã được Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương thẩm định rồi hoàn tất. Do vậy, khu đất này không thuộc trường hợp bị thu hồi theo Luật Đất đai năm 2013.

Luật sư Thu nói thêm, Công ty Kim Oanh đã đề nghị “được nộp khoản tiền sử dụng đất chênh lệch và được tiếp tục thực hiện dự án 43ha”. Đề nghị này đã được Tỉnh ủy Bình Dương chấp thuận.

Luật sư đánh giá, việc giao cho Công ty Kim Oanh và Công ty Tân Phú được tiếp tục thực hiện dự án vừa giúp khắc phục được toàn bộ thiệt hại liên quan đến khu đất 43ha, lại vừa bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp cho người thứ ba ngay tình.

Người bảo vệ quyền lợi cho Công ty Kim Oanh còn cho biết, doanh nghiệp này đã sở hữu Công ty Tân Phú và quản lý dự án từ năm 2017 đến nay với: “Thời gian kéo dài 5 năm và 2 năm phải làm điều chỉnh chấp thuận 1 lần, phải trả lãi vay ngân hàng, chi phí quản lý… Doanh nghiệp đã đầu tư quá nhiều tiền của, công sức vào dự án”.

Việc giải quyết sai phạm tại 43ha trong thời gian quá dài dẫn đến rất nhiều thiệt hại về kinh tế, uy tín và mất đi cơ hội đầu tư, quay vòng nguồn vốn của doanh nghiệp. Và thực tế UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt cho Công ty Tân Phú thực hiện dự án trên khu đất 43ha theo các quyết định được ban hành năm 2012 và 2018.

Ngoài ra, nếu Tòa án quyết định cho doanh nghiệp nộp tiền chênh lệch để tiếp tục triển khai dự án thì căn bản sẽ giải quyết được tận gốc vấn đề thiệt hại trong vụ án đối với diện tích đất 43ha, đồng thời cũng tránh được các vụ kiện tụng dân sự, kinh doanh thương mại sau này của bên liên quan.

Kết thúc phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi liên quan đến vụ án, luật sư Nguyễn Thị Thu đề nghị Tòa chấp nhận mong muốn của các Công ty Tân Phú, Công ty Kim Oanh cũng như Tỉnh ủy Bình Dương về việc tiếp tục thực hiện dự án.

Tổng Công ty SX - XNK Bình Dương nói sẽ gặp khó

Tại tòa, Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương đưa ra ý kiến cho rằng, việc xác nhận nghĩa vụ bồi thường như yêu cầu của đại diện Viện kiểm sát là chưa chính xác, chưa khấu trừ đi các phi phí mà doanh nghiệp này đã chi trả.

Theo đại diện của Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương, đại diện Viện kiểm sát đề nghị thu hồi 2 khu đất trả về cho tỉnh Bình Dương, như vậy các bị cáo không phải chịu bồi thường do đất đã được trả về cho chủ sở hữu và thiệt hại cho Nhà nước không còn nữa.

“Nếu thu hồi cả hai lô đất thì thất thoát tài sản Nhà nước theo cáo trạng quy buộc đã không còn tồn tại” - người đại diện Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương trình bày.

Vẫn theo quan điểm của Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương, nếu HĐXX quyết định thu hồi 2 khu đất nhưng vẫn yêu cầu nộp tiền nghĩa vụ liên quan đến khu đất thì gây khó khăn cho Tổng công ty.

Bởi hiện Tổng công ty có tới hơn 1.000 cổ đông, gần 40% là cổ đông bên ngoài. Trường hợp phải bồi thường thiệt hại, Tổng công ty sẽ phải đóng khoản tiền lớn, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính, vốn hóa của doanh nghiệp, trong đó có 60% vốn Nhà nước.

Người đại diện Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương đề nghị, sau này nếu đơn vị nào được giao lại khu đất thì sẽ phải chịu các nghĩa vụ tài chính liên quan đến khu đất.