Cựu Bí thư Bình Dương nói rất đau lòng và không bao giờ dung túng sai phạm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng nay (20-8), phiên tòa xét xử cựu Bí thư tỉnh Bình Dương và 27 bị cáo liên quan, trong vụ thất thoát hàng nghìn tỷ đồng, xảy ra tại Bình Dương tiếp diễn với phần tranh luận của các luật sư.

Cựu Bí thư Bình Dương thừa nhận thiếu hiểu biết

Trước đó, (chiều 19-8), đại diện Viện KSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã đưa ra quan điểm về đường lối xử lý vụ án.

Trong vụ án này, Viện kiểm sát xác định, cựu Bí thư tỉnh Bình Dương đã vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí, nên đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo này từ 9 - 10 năm tù.

Theo Viện kiểm sát, bị cáo Trần Văn Nam với vai trò lãnh đạo tại tỉnh, đáng lẽ phải gương mẫu, chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước để đảm bảo tài sản công. Thế nhưng, bị cáo Nam đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao mà cố ý thực hiện hành vi sai phạm nghiêm trọng.

Cựu Bí thư tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam tự bào chữa tại phiên tòa.

Cựu Bí thư tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam tự bào chữa tại phiên tòa.

Được quyền tự bào chữa, cựu Bí thư Trần Văn Nam cho rằng phải có kết luận của Phó Bí thư thường trực thì Tổng công ty Sản xuất - XNK Bình Dương (Tổng công ty SX - XNK Bình Dương, doanh nghiệp Nhà nước) mới bán được 30% vốn góp tại liên doanh là Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc.

Bị cáo Nam khẳng định, không ai có tư tưởng che giấu, hợp thức hóa những sai phạm của bị cáo Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty SX - XNK Bình Dương) và Tổng Công ty SX - XNK Bình Dương.

“Không có việc dung túng cho sai phạm. Trong lịch sử Bình Dương không bao giờ có việc này, giờ kết luận có chuyện che giấu, bao che, đau lòng lắm” - bị cáo Trần Văn Nam nói.

Vẫn theo bị cáo, không bao giờ bị cáo có suy nghĩ hợp thức hóa sai phạm và thừa nhận việc hiểu biết chưa đầy đủ, để các vấn đề của Tổng công ty 3/2 (tức Tổng Công ty SX - XNK Bình Dương - PV) kéo dài cả năm. “Nhưng chúng tôi không bao che, dung túng, dù ghi nhận Tổng Công ty 3/2 có nhiều đóng góp cho tỉnh. Việc này còn liên quan đến vấn đề đầu tư ở Bình Dương sau này, mong HĐXX xem xét” - cựu Bí Thư tỉnh Bình Dương trình bày.

Không hoàn thành nghĩa vụ giao đất như cam kết

Cũng trong sáng ngày thứ 6 xét xử vụ án, HĐXX dành thời gian để các luật sư bào chữa cho cựu Bí thư tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam trước những cáo buộc của Viện kiểm sát.

Các bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử tại phiên tòa.

Các bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử tại phiên tòa.

Nêu quan điểm bào chữa cho bị cáo Trần Văn Nam, luật sư Hoàng Văn Hướng nhìn nhận, cựu Bí thư Bình Dương bị cáo buộc thực hiện hành vi sai phạm là ký văn bản 3444 ngày 23/11/2012 áp đơn giá đất từ năm 2006 để tính thu tiền sử dụng đất giao cho Tổng Công ty 3/2 năm 2012.

Nhưng văn bản này không làm phát sinh thiệt hại cho tài sản Nhà nước như kết luận của cáo trạng. Nếu xem xét thiệt hại từ hành vi của bị cáo Nam gây ra, phải xem xét trong phạm vi thiệt hại (nếu có) từ việc tính tiền sử dụng đất tại khu đất này. Theo luật sư, việc phê duyệt giá cho khu đất 43ha có phần lỗi của bị cáo Nam. Tuy vậy, cần xem xét hậu quả chính xác của lỗi này.

Có căn cứ để cho rằng, thiệt hại do hành vi áp giá của bị cáo Trần Văn Nam gây ra chỉ là thiệt hại đối với phần đất được giải phóng mặt bằng, đền bù và bàn giao sau năm 2006 đối với khu đất 43ha.

Thời điểm ra văn bản 3444, có rất nhiều nhà đầu tư trong khu liên hợp phản đối cách tính tiền sử dụng đất tại thời điểm có quyết định giao đất. Họ cho rằng đã hoàn thành nghĩa vụ bồi thường, GPMB từ lâu, việc chậm bàn giao là do Nhà nước không hoàn thành nghĩa vụ bàn giao đất như cam kết.

Thậm chí đã xảy ra khiếu nại hành chính liên quan đến sự việc xác định giá đất. Trong bối cảnh đó, các đơn vị chuyên môn chính quyền đã nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý. Và do tin tưởng ý kiến của cơ quan chuyên môn nên bị cáo Nam đã ký văn bản 3444.

Quan điểm buộc tội của đại diện Viện kiểm cho rằng, bị cáo Trần Văn Nam có một số hành vi che giấu và hợp thức hóa xảy ra vào năm 2017 và năm 2018 để hợp thức hóa hành vi sai trái, để khu đất 43ha bị chuyển nhượng cho Công ty Âu Lạc.

Theo luật sư, như vậy nếu xem xét áp dụng tội danh theo Điều 219 - BLHS 2015 thì hậu quả có trước, hành vi vi phạm pháp luật xảy ra sau. Điều này là trái với nguyên tắc khoa học luật hình sự về cấu thành tội phạm.

Quan điểm buộc tội của đại diện Viện kiểm sát cho rằng, bị cáo Trần Văn Nam đã vụ lợi, vun vén lợi ích cục bộ địa phương, cố ý thực hiện hành vi phạm tội. Nhưng nếu bị cáo cục bộ địa phương cho tỉnh Bình Dương thì lại quý cho Bình Dương quá.

Luật sư tham gia tố tụng tại phiên tòa.

Luật sư tham gia tố tụng tại phiên tòa.

Không phạm tội như cáo buộc

Cùng bào chữa cho bị cáo Trần Văn Nam, luật sư Nguyễn Đình Hưng cho rằng cựu Bí thư Bình Dương nhận trách nhiệm người đứng đầu, nhưng chắc chắn không phải là tội danh như cáo buộc.

Thành tích của bị cáo Nam nếu chỉ đưa con số 29 bằng khen, giấy khen thì chưa đủ, cần phải xét đến thành tựu Bình Dương trong thời gian bị cáo này phụ trách.

Theo quan điểm bào chữa của luật sư Hưng, bị cáo Trần Văn Nam là lãnh đạo nhưng không quan sát, nắm bắt hết. Bị cáo sai đến đâu thì phải chịu nhưng là chịu gián tiếp, không thể cấu thành tội phạm cố ý như cáo buộc.

“Hành vi khách quan không mang ý thức chủ quan tư lợi cục bộ, nếu xảy ra hậu quả thì là trách nhiệm chứ không cố ý. Bị cáo rất băn khoăn vì bị cáo bị buộc lỗi cố ý” - luật sư Nguyễn Đình Hưng nhìn nhận.

Vẫn theo luật sư bào chữa cho cựu Bí thư tỉnh Bình Dương, khi xem xét trách nhiệm của bị cáo Trần Văn Nam cũng cần lưu ý đến cơ chế, quy chế hoạt động của cơ quan Đảng.

Quá trình giải quyết vụ án, các bị cáo đều thừa nhận đã rất lung túng khi hệ thống pháp luật không đầy đủ, không có quy định cụ thể. Vào thời điểm xảy ra vụ án, với những thực tế vướng mắc về việc giao đất diễn ra, đặc biệt những đường lối chính sách sử dụng áp dụng đối với mô hình “xây dựng TP mới” - là mô hình đầu tiên trên cả nước đã khiến các bị cáo gặp rất nhiều khó khăn.