Vụ thất thoát hàng nghìn tỷ đồng tại Bình Dương: Không thể lấy 'cha không bao giờ đẩy con vào lao lý' để biện hộ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chiều 24-8, phiên tòa xét xử cựu Bí thư tỉnh Bình Dương và 27 bị cáo liên quan trong vụ thất thoát hàng nghìn tỷ đồng, xảy ra tại Bình Dương tiếp diễn phần đối đáp của Viện kiểm sát (VKS) thực hành quyền công tố.

Trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam bị xác định có 2 sai phạm, góp phần gây thất thoát hơn 1.745 tỷ đồng. VKS đề nghị tòa xử phạt bị cáo Nam từ 9 năm - 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Bị cáo Trần Văn Nam được cơ quan tố tụng khẳng định không liên quan tới hành vi tham ô tài sản của nhóm Nguyễn Văn Minh - cựu Chủ tịch Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng Công ty SX - XNK Bình Dương).

"Ái nữ" của Cựu Chủ tịch Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương - bị cáo Nguyễn Thục Anh.

"Ái nữ" của Cựu Chủ tịch Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương - bị cáo Nguyễn Thục Anh.

Về tội tham ô tài sản, phía công tố cáo buộc Tổng Công ty SX - XNK Bình Dương mang 145ha đất ở Bình Dương đi góp vốn, lập liên doanh là Công ty Tân Thành. Bị cáo Minh sau đó chỉ đạo các doanh nghiệp “sân sau” của mình là Công ty Hưng Vượng và Công ty Phát Triển mua 70% vốn góp tại Tân Thành. Công ty Phát Triển do bị cáo Nguyễn Thục Anh, con gái Minh, nắm 51% cổ phần.

Theo VKS, năm 2018, Nguyễn Văn Minh cần 251 tỷ đồng (nhóm ông ta nợ Tổng Công ty SX - XNK Bình Dương) nên với vai trò Chủ tịch đã để doanh nghiệp này mua 19% cổ phần của Công ty Tân Thành từ nhóm Công ty Hưng Vượng, Công ty Phát Triển.

Tuy nhiên, cả nhóm Công ty Hưng Vượng và Công ty Phát Triển đang nợ tiền góp vốn tại Công ty Tân Thành nên Nguyễn Thục Anh phải vay ngân hàng (tháng 9-2018) để góp vào cho đủ số cổ phần tương ứng.

Tháng 11-2018, Tổng Công ty SX - XNK Bình Dương mua 19% cổ phần tại Công ty Tân Thành nhưng giá trị bị nâng từ 16.000 đồng/ cổ phân lên tới 119.000 đồng/ cổ phần. Qua đây, nhóm Nguyễn Văn Minh tham ô 815 tỷ đồng.

Tại tòa, Nguyễn Văn Minh phủ nhận cáo buộc tham ô tài sản và cho hay Tổng Công ty SX - XNK Bình Dương là “con đẻ của mình” nên ông ta không “làm hại”. Các luật sư bào chữa nêu quan điểm không có hành vi tham ô trong vụ án vì “tiền vẫn hạch toán trong tài khoản”.

Nguyễn Thục Anh cũng cho hay “không tiếp nhận ý chí của ba” trong việc đứng tên cổ phần tại Công ty Phát Triển rồi sau đó ký hợp đồng bán cổ phần. Thục Anh không đồng tình cáo trạng quy kết mình giúp sức cho bố đẻ tham ô 815 tỷ đồng và trực tiếp chiếm đoạt 200 tỷ đồng.

Đáp lại quan điểm trên, đại diện VKS sát viện dẫn các chứng cứ thể hiện tiền được chuyển từ Tổng Công ty SX - XNK Bình Dương về Công ty Hưng Vượng và Công ty Phát Triển. Kiểm sát viên nói: “Tại tòa, bị cáo Minh hai lần rất xúc động nói Tổng Công ty SX - XNK Bình Dương là con đẻ của mình nhưng bị cáo bảo vệ con đẻ thế nào? Hay bị cáo chỉ bảo vệ con rơi là các công ty của gia đình?”.

Người giữ quyền công tố cũng nhắc lại việc Thục Anh khai không tiếp nhận ý chí của Nguyễn Văn Minh. Trong khi ấy, luật sư bào chữa cho bị cáo Thục Anh nói "hổ dữ không ăn thịt con", cha không bao giờ đẩy con vào lao lý để thấy Nguyễn Văn Minh không đưa Thục Anh ra tòa.

Tuy nhiên, kiểm sát viên cho rằng, về tâm lý tội phạm, các bị cáo luôn che giấu, tin tưởng hành vi phạm tội của mình không bị phát hiện hoặc xử lý. “Biết sẽ bị phát hiện, xử lý thì không ai dám thực hiện” - kiểm sát viên nói và cho rằng không thể nêu lý do cha không bao giờ đưa con vào lao lý để biện hộ.

Về hành vi của bị cáo Thục Anh, kiểm sát viên khẳng định người này giúp bố mình trong hành vi tham ô bằng một loạt hành vi, gồm cả đi vay ngân hàng lấy vốn nộp vào Công ty Tân Thành để có thể bán được cổ phần của doanh nghiệp này. “Vay 177 tỷ tháng trước, tháng sau mang ra bán được hơn 700 tỷ” - người giữ quyền công tố nói về việc Thục Anh thâu tóm rồi bán 15% vốn tại Công ty Tân Thành với “giá cao”.

Trước quan điểm các bị cáo không chiếm đoạt 815 tỷ đồng, kiểm sát viên cho hay được Nguyễn Văn Minh trả các khoản nợ có từ năm 2011; hoàn ứng, thanh toán tạm ứng cho 3/2; trả ngân hàng 177 tỷ đồng; chuyển cho Thục Anh hơn 50 tỷ đồng; góp vốn vào Công ty Phát Triển 261 tỷ đồng…

Từ đó, phía công tố xác định nhóm Nguyễn Văn Minh “có động cơ tư lợi” và đặt câu hỏi ngược lại với các luật sư: “Vậy có phải chiếm đoạt hay không?”.

Kiểm sát viên còn phân tích, tại sao Nguyễn Minh chỉ đạo Tổng Công ty SX - XNK Bình Dương mua đúng 19% chứ không phải 20% hoặc hơn? Vị này nêu quan điểm, bị cáo Minh luôn muốn thâu tóm, chi phối kinh doanh chuỗi sân golf của Bình Dương (khu 145ha được dùng cho mục đích này - PV).

Trong khi đó, các doanh nghiệp Hưng Vượng, Phát Triển sở hữu 70% vốn điều lệ tại Tân Thành (doanh nghiệp sở hữu 145ha). Kiểm sát viên cho rằng, nếu Tổng Công ty SX - XNK Bình Dương mua trên 20% ở Tân Thành, nhóm Công ty Hưng Vượng, Tân Thành sẽ không còn khả năng chi phối ở Tân Thành (do nắm dưới 50% vốn).

Quan điểm của đại diện VKS cho rằng, bị cáo Minh là người chỉ đạo toàn bộ quá trình, từ việc Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương chuyển nhượng 145 ha đất cho Công ty Tân Thành, việc định giá cổ phần của Công ty Tân Thành đến việc quyết định Tổng Công ty mua cổ phần này với giá cao hơn giá đã biết.

Hành vi của bị cáo Minh là nguyên nhân gây ra hậu quả thiệt hại trên cho Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương và việc bị cáo này chỉ đạo sử dụng số tiền hơn 815 tỷ đồng được rút từ Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương cho thấy, bị cáo Minh chính là người có quyền định đoạt, sử dụng số tiền này theo ý chí của mình, tức bị cáo đã chiếm đoạt số tiền này.