Vụ ngộ độc cá chép muối ủ chua: 3 ca nặng nhất có tiến triển

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ Y tế biểu dương 4 bệnh viện đã chủ động, tích cực phối hợp cứu chữa 10 người dân bị ngộ độc cá chép muối ủ chua, đồng thời cho biết nếu cần sẽ huy động thêm sự hỗ trợ từ các bệnh viện khác…
Các bệnh nhân ngộ độc đang thở máy

Các bệnh nhân ngộ độc đang thở máy

Tối 19-3, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) có công văn gửi Bệnh viện Chợ Rẫy, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam về việc cứu chữa bệnh nhân ngộ độc đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam.

Cụ thể, sau khi nhận được thông tin về 10 trường hợp người dân xuất hiện tình trạng ngộ độc do ăn cá chép muối ủ chua, đã và đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM đã cử đội chuyên môn đến hỗ trợ đến trực tiếp tại Bệnh viện này.

Cùng đó, Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ từ xa; Viện Pasteur Nha Trang cũng vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân dịch tễ các trường hợp ngộ độc sau ăn cá chép muối ủ chua…

Cục Quản lý khám, chữa bệnh đánh giá cao Sở Y tế tỉnh Quảng Nam và các Bệnh viện kể trên. Đồng thời, Cục đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam tiếp tục chỉ đạo Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi Bắc Quảng Nam và các cơ sở y tế trên địa bàn tập trung mọi nguồn lực, nỗ lực, phối hợp tiếp tục cứu chữa người bệnh, tìm hiểu nguyên nhân.

Trong trường hợp cần huy động sự hỗ trợ chuyên môn của các bệnh viện khác, Bộ Y tế sẽ huy động các bệnh viện hỗ trợ.

Trước đó, vào ngày 16-3, nhóm 5 người ăn trưa tại rẫy keo của gia đình anh H.V.Đ (29 tuổi, ở thôn 2, xã Phước Kim, H.Phước Sơn, Quảng Nam). Các món ăn gồm cá chép làm chua, chim nướng, cơm. Đến tối, có 4 người có triệu chứng đau đầu, buồn nôn, nôn, bụng chướng, choáng, chóng mặt; chỉ 1 người không ăn món cá thì không bị ngộ độc...

Các bệnh nhân được Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam cấp cứu. Sau khi chẩn đoán và làm các kết quả xét nghiệm, các bác sĩ nhận định các bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum.

Cũng ở địa bàn này, sau khi ăn cỗ tại nhà bà Hồ Thị Nhương (xã Phước Kim, H.Phước Sơn, Quảng Nam), bữa ăn gồm các món thịt heo kho cá khô, món truyền thống cá chua (làm từ cá chép), canh cải nấu bí đỏ, mít xào và cơm… thì có 5 người xuất hiện tình trạng đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, tê tay chân, khó thở, mắt mờ nên được đưa đến Trung tâm y tế huyện Phước Sơn cấp cứu.

Các bệnh nhân được chuyển tiếp đến Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam để điều trị, 1 người tử vong. Sau đó, Viện Pasteur Nha Trang có thông báo kết quả kiểm nghiệm mẫu thức ăn liên quan vụ ngộ độc thực phẩm, xác định mẫu thức ăn món cá chép làm chua dương tính với vi khuẩn Clostridium botulinum type E…

Một chùm ca bệnh thứ ba trên địa bàn liên quan đến món cá muối ủ chua là bệnh nhân nữ, sinh năm 1986, ở xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Bệnh nhân ăn cá chép muối ủ chua vào ngày 14-3. Sau 1 ngày, bệnh nhân nôn ói nhiều, yếu dần tay chân, phải nhập Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam. Đến ngày 16-3, bệnh nhân suy hô hấp, thở máy đến nay...

Nhận được tin về 3 chùm ca bệnh ngộ độc kể trên, trong đó có các bệnh nhân đã được xác định nhiễm độc Botulinum, các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy đã cử chuyên gia mang 5 lọ thuốc giải độc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) đến Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân.

Hiện, Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam đang phối hợp với các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy hội chẩn và điều trị tích cực cho bệnh nhân.

Với 5 bệnh nhân ngộ độc botulinum ở xã Phước Kim và Phước Chánh, sau khi truyền thuốc giải độc botulinum, tình hình sức khỏe của 3 bệnh nhân ngộ độc nặng nhất do ăn cá chép muối ủ chua có cải thiện, trong có 2 bệnh nhân có khả năng cai được máy thở trong 1-2 ngày tới. Hai bệnh nhân khác ngộ độc botulinum mức độ nhẹ, không có chỉ định truyền BAT.

5 ca ngộ độc còn lại ở xã Phước Đức, tình trạng hiện tại ổn định.