Vụ con dâu dẫn người đến đánh mẹ chồng, người trong cuộc nói gì?

ANTĐ -Nạn nhân Hoàng Thị Thoa, 75 tuổi, trú tại Kim Mã, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội, sau khi nằm điều trị tại bệnh viện Xanh Pôn do bị con dâu dẫn người đến đánh gây thương tích ở vùng đầu đã được xuất viện.

Như Báo An ninh Thủ đô online đã đưa tin về sự việc ngày 31-3-2015, bà Hoàng Thị Thoa, 75 tuổi, trú tại ngõ 409/23 Kim Mã, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội, đang ở nhà thì bị người con dâu tên Trịnh Thị Thu T. (hiện đang sống ly thân với con trai nạn nhân) cùng 3 chị em gái ruột của T. dùng mũ bảo hiểm tấn công gây thương tích vùng mặt và đầu khiến và Thoa phải nhập viện.

Nguyên nhân xuất phát từ việc trước đó chị T. đến trường học đón con về nhà ông bà ngoại chơi nhưng chồng chị là anh Nguyễn Xuân D., 37 tuổi, không đồng ý. Khi anh D. gặp chị T. để nói cho chị T. biết chị không được phép tự ý đến đón con, hai bên đã xảy ra cãi vã dẫn tới xô xát, khiến chị T. bị thương nhẹ. Bức xúc trước hành động của anh D., chị T đã cùng 3 chị em gái đến nhà mẹ chồng nói chuyện và gây thương tích cho mẹ chồng.

Vụ con dâu dẫn người đến đánh mẹ chồng, người trong cuộc nói gì? ảnh 1
Chị Trịnh Trị Thu T., con dâu nạn nhân Hoàng Thị Hoa

Để sự việc có cái nhìn khách quan hơn, phóng viên đã có cuộc gặp gỡ với chị Trịnh Thị Thu T., con dâu nạn nhân Hoàng Thị Thoa. Gặp chị T. tại một phòng khám bệnh tư nhân tại khu tập thể Bệnh viện Giao thông vận tải – nơi chị T. đang chữa bệnh mắt cá chân, chị T. cho biết đã đọc thông tin trên một số báo và cảm thấy buồn vì thấy có nhiều thông tin không đúng với hoàn cảnh thực tế của chị.

Theo như chị T. chia sẻ, từ khi về làm dâu nhà anh D., đúng là đã nhiều lần xảy ra mâu thuẫn giữa chị với mẹ chồng, và cũng có những lúc hai vợ chồng chị xảy ra mâu thuẫn. Chuyện không có gì to tát, nhưng mâu thuẫn giữa chị và mẹ chồng dường như ngày càng nặng nề hơn. Theo chị T., nguyên nhân chính do chị và mẹ chồng không hợp nhau, thêm vào đó chị bị bệnh mắt cá chân, không đi làm được, công việc phải nghỉ giữa chừng và thay đổi liên tục. Công việc bán hàng siêu thị của chị T. mỗi tháng thu nhập khoảng 3 triệu đồng, khi không có việc chị phải sống bám víu vào chồng (chồng chị T. làm công việc quản lý tại một nhà hàng, thu nhập rất cao), có lẽ đó là lý do khiến mẹ chồng càng thêm khó chịu. 

“Thời gian đó mẹ chồng tôi làm mất "sổ đỏ" ở đâu không tìm thấy, nhưng lại cứ đổi cho tôi lấy trộm "sổ đỏ" và 5 triệu đồng. Tôi nói mẹ mất gì cứ báo Công an để điều tra, chứ đừng đổ cho con lấy. Khi người nhà tôi sang nói chuyện thì mẹ chồng tôi còn thẳng thừng nói “còn ở cái nhà này thì sẽ có đổ máu”. Tôi cảm thấy quá ngột ngạt nên đã bảo chồng ra ngoài thuê phòng ở riêng”. Chị T. chia sẻ.

Ra ngoài ở riêng được một thời gian nhưng cuộc sống vợ chồng cũng thường xuyên rơi vào cảnh “cơm không lành, canh không ngọt”, do anh D muốn quay về nhà sống, không muốn sống cảnh đi ở thuê. Cảm thấy không thể tìm được hướng đi chung nữa, hai vợ chồng chị T, đã quyết định sống ly thân vào tháng 6-2014. Chị T. đã gửi đơn ly dị lên tòa án nhưng anh D. không đồng ý.

Vụ con dâu dẫn người đến đánh mẹ chồng, người trong cuộc nói gì? ảnh 2
Bà Thoa đã được xuất viện do vết thương không quá nghiêm trọng

Về việc đánh mẹ chồng, chị T. chia sẻ, hôm đó do bức xúc việc chồng cấm đón con và có hành vi đánh chị, nên đã cùng các chị gái hẹn gặp anh D. tại nhà để nói chuyện phải trái. Trước khi đến đã thông báo cho anh D., nhưng khi tới nơi anh không xuất hiện, gọi điện không nghe máy, chỉ có bà Thoa mẹ anh D. ở nhà. Quá trình nói chuyện, hai bên đã xảy ra mâu thuẫn, chị gái chị đã cầm đập mũ vào đầu bà Thoa chảy máu. Bà Thoa được đưa đến Bệnh viện Xanh Pôn sơ cứu và hiện tại bệnh viện đã cho bà Thoa về nhà do vết thương không quá nghiêm trọng.

Chị T. cho biết thêm, do hiện tại chị không có việc, không có thu nhập nên đành phải để con ở lại với anh D. và bà nội. Thỉnh thoảng chị lại đón con gái sang nhà ông bà ngoại chơi. Cũng có khi anh D. đi công tác xa lại bế con sang nhà ông bà ngoại để mẹ chăm sóc.

Trước sự việc anh D. cấm không cho chị T. đón con và việc chị T. dẫn người tới nhà gây thương tích cho mẹ chồng, trao đổi với phóng viên, luật sư Đỗ Thái Hán, Trưởng văn phòng luật sư Đô Ha cho biết: Căn cứ theo quy định của pháp luật thì anh D. và chị T. là hai vợ chồng và đang trong thời kỳ hôn nhân. Cha mẹ có quyền và nghĩa vụ như nhau trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng con cái. Việc anh D. và chị T. ly thân chỉ thể hiện sự dạn nứt trong quan hệ tình cảm của vợ chồng, chứ chưa làm phát sinh bất kỳ quyền và nghĩa vụ nào giữa cha mẹ và con cái. Sau khi đã có phán quyết của Tòa án về việc ly hôn, xác định người nuôi con trực tiếp, người có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con, thì khi đó cha mẹ phải tuân thủ những quy định về quyền và nghĩa vụ của mình được quy định trong luật Hôn nhân và gia đình. Do đó, việc anh D. ngăn cản chị T. chăm sóc con chung trong thời kỳ hôn nhân là không đúng với quy định của pháp luật.

Còn việc chị T. và các chị gái đến nhà anh D. và có hành vi đánh mẹ anh D. phải nhập viện là có dấu hiệu xâm phạm đến sức khỏe của người khác. Để có thể xác định được chị T. và các chị gái có phạm tội hay không? Mức độ xử lý như thế nào? Thì cần phải căn cứ vào bệnh án của bệnh viện, từ đó yêu cầu trưng cầu giám định để xác định tỷ lệ thương tật đối với mẹ anh D. Nếu tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% thì sẽ phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được quy định tại khoản 1, Điều 104 Bộ luật hình sự và mức độ xử lý có thể là phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Nếu tỷ lệ thương tật của mẹ anh D. dưới 11% và trong trường hợp này thì chưa đủ dấu hiệu để truy cứu trách nhiệm hình sự, mà chỉ bị xử phạt hành chính và bồi thường thiệt hại về dân sự cho mẹ anh Dũng như tiền viện phí, thuốc men, tiền công chăm sóc… trong những ngày nằm viện.

Hôn nhân tan vỡ là điều không ai mong muốn, nhưng dù đúng dù sai, dù cho nguyên nhân như thế nào đi nữa thì phụ nữ vẫn là người bị tổn thương và thiệt thòi nhiều nhất. Bản thân người đàn ông không khéo léo xử lý việc gia đình, không bảo vệ được cho người phụ nữ mình từng yêu thương, đầu ấp tay gối, mang nặng đẻ đau sinh con cho mình cũng là điều đáng trách. Đương nhiên, hành vi gây thương tích cho mẹ chồng là không thể chấp nhận được, không thể biện hộ dưới góc độ nào. Chúng tôi hy vọng sự việc sẽ được giải quyết ổn thoả giữa 2 bên gia đình, để không phải trở lại với những thông tin đau lòng về chuyện này ở gia đình anh D., chị T. trong tương lai.