Vụ cô giáo "Cung bọ cạp" lên cơn nóng giận: Các nhà sư phạm lên tiếng

ANTĐ - Đoạn clip ghi lại cuộc tranh cãi khó coi giữa giáo viên với học viên tại Trung tâm Anh ngữ L.N. sau khi lan truyền trên mạng với tốc độ chóng mặt, đã khiến sự việc bị không ít trang mạng đưa đẩy quá đà, dù những phát ngôn của nữ giáo viên trong clip như: "Tao sẽ đến gặp hiệu trưởng của mày", "Tao là cung bọ cạp nhé"... đã gây sốc dư luận. Trước sự việc, các nhà sư phạm đã bày tỏ những chia sẻ chân tình để tìm ra lời giải đáp đúng đắn cho văn hóa ứng xử thầy - trò và cách giáo dục người vị thành niên trong xã hội ngày nay.
Vụ cô giáo "Cung bọ cạp" lên cơn nóng giận: Các nhà sư phạm lên tiếng ảnh 1

Để được học trò kính trọng, nhà giáo không chỉ giỏi chuyên môn mà còn phải biết lắng nghe và tôn trọng học trò

Càng giỏi, càng phải đúng mực

Sau khi xem clip dài gần 8 phút lan truyền trên mạng vài ngày gần đây, Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học - Tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng: “Trong một môi trường giáo dục đúng nghĩa không thể tồn tại chuyện mắng chửi học sinh như thế, cho dù người thầy có tài giỏi đến như thế nào đi chăng nữa. Nếu nói người giáo viên đó có cá tính, nếu cứ đưa thói quen “bún mắng, cháo chửi” để áp dụng cho học trò rồi cho là chuyện bình thường, thì tôi cho rằng cần phải xem lại. Mình càng giỏi, thì càng phải đúng mực”.

Vụ cô giáo "Cung bọ cạp" lên cơn nóng giận: Các nhà sư phạm lên tiếng ảnh 2

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Tùng Lâm

Đồng tình với quan điểm đó, Tiến sĩ Vũ Thu Hương - Khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng: “Dù là giáo viên chính khóa hay giáo viên trung tâm thì cũng phải giữ mình, đúng mực. Vì sao ư? Vì chúng ta trót mang danh là người thầy - là người định hướng cho mọi người về kiến thức, kỹ năng và cả thái độ hành vi ứng xử”. 

Vụ cô giáo "Cung bọ cạp" lên cơn nóng giận: Các nhà sư phạm lên tiếng ảnh 3

Tiến sĩ Vũ Thu Hương - Khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội

Trong mắt các nhà sư phạm trẻ tuổi, sự việc được nhìn nhận khác hơn không? Chúng tôi hỏi ý kiến thầy Lại Tiến Minh, người đang giảng dạy tại ĐH Kiến trúc Hà Nội và cả trường THPT Lương Thế Vinh. Thầy Lại Tiến Minh cho rằng, cô giáo trong clip đã có cách cư xử chưa đúng: "Đứng ở góc độ là một nhà giáo, tôi không đồng tình với cách xử lý tình huống như vậy”. Theo thầy Lại Tiến Minh, môi trường sư phạm có những chuẩn mực cho những người thầy, việc xúc phạm học trò, cư xử theo kiểu chợ búa là điều không chấp nhận! 

Vụ cô giáo "Cung bọ cạp" lên cơn nóng giận: Các nhà sư phạm lên tiếng ảnh 4

Thầy giáo Lại Tiến Minh


Lòng kiên nhẫn của người thầy

Nghề giáo đòi hỏi người thầy phải biết kiềm chế, kiên nhẫn, tránh dồn học trò đến những phản ứng tiêu cực. “Trong clip đó, sự dữ dằn, quyết đối xử kiểu “ăn miếng, trả miếng” của cô giáo chính là hành động đẩy học viên của mình đến những phản kháng tiêu cực”, thầy Lại Tiến Minh phân tích.

“Tôi cũng có nhiều lần nóng mắt, giận sôi lên và cũng không tránh được mâu thuẫn với học trò, nhưng chưa lần nào mất kiểm soát bản thân. Nếu sai thì mình xin lỗi học trò. Nếu các em sai, tôi cố gắng phân tích, giải thích để các em hiểu. Quan điểm của tôi là luôn lắng nghe và tôn trọng học trò", thầy Minh chia sẻ chân tình.

Người thầy mang trên mình trọng trách không chỉ dạy chữ mà còn dạy người. Tiến sĩ Vũ Thu Hương cho rằng, nghề giáo đã được mặc định dành cho những người có bản tính kiên nhẫn cao độ. Bản thân cô Hương cũng có lúc tức giận nhưng cô luôn tâm niệm, giáo viên cần suy nghĩ và hành động chín chắn hơn người khác, vì hành vi của họ sẽ tác động đến rất nhiều người.

 Đưa ra cách giải quyết cho sự việc

“Khi tức giận, giáo viên vẫn cần kiên nhẫn cân nhắc thật kỹ trước khi thể hiện bằng lời nói, hành động. Qua cơn nóng nảy, các bạn sẽ có cách giải quyết tốt đẹp và khiến học sinh nể phục hơn. Hành vi cư xử thể hiện sự cay cú, khó chịu sẽ chỉ làm hỏng các mối quan hệ và gây khó khăn cho công việc của chính giáo viên đó", Tiến sĩ Vũ Thu Hương đưa ra lời khuyên.

Còn thầy giáo trẻ Lại Tiến Minh cho rằng: “Những lúc nóng giận, tôi hít thở thật sâu, nhìn ra chỗ khác để bình tĩnh hơn. Nhìn nhận mọi việc nhẹ nhàng, đơn giản sẽ giúp kiềm chế được nóng giận, kiểm soát được hành vi của bản thân và tìm ra được phương thức giải quyết hợp lý nhất”.

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, cần bình tĩnh trước những đúng - sai. Kể cả trước nhiều ý kiến trái chiều, chúng ta cần đưa ra một tiếng nói chung để xử lý sự việc đến nơi đến chốn. Từ một sự việc mà đánh giá toàn bộ vai trò cũng như chuẩn mực của toàn bộ đội ngũ giáo viên hiện nay là không đúng. "Chúng ta không nên che đậy cái xấu, cái chưa đẹp mà cần lên án, dẹp bỏ, chung tay "bắt" những "con sâu" của ngành giáo dục. Người giáo viên trong clip đó cần xin lỗi không chỉ học viên mà cả dư luận vì cô đã có những thái độ, cách cư xử không đúng", Tiến sĩ Tùng Lâm đề nghị.

Ông Vũ Đình Hà, Phó Hiệu trưởng trường THPT Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân: Tránh đối đầu khi học trò bất hợp tác

Theo tôi, giáo viên được đào tạo tại các trường sư phạm đều được học về tâm lý giáo dục, có những hiểu biết cơ bản về lối suy nghĩ, hướng hành động của học sinh, sinh viên. Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, khi gặp tình huống học sinh cãi trả, nóng nảy, không nghe lời thì thầy cô nên tránh đối đầu. Các em học sinh đang ở độ tuổi mới lớn, tâm lý chưa ổn định lại thiếu kinh nghiệm ứng xử, giao tiếp nên rất khó kiềm chế. Nếu giáo viên cũng đáp trả lại thì vô tình trở thành “cá mè một lứa”. 

Tốt nhất khi có mâu thuẫn như vậy, người thầy nên giữ bình tĩnh, tìm cách chấm dứt, không để tình huống kéo dài. Nếu muốn khuyên bảo, giải thích cho học sinh thì phải tìm những lúc các em bình tĩnh mới dễ nhận thấy vấn đề. Tuy nhiên, trong một trường học có hàng nghìn học sinh, không có công thức chung nào cho những tình huống bất ngờ xảy ra. Là giáo viên lâu năm nhưng chúng tôi vẫn phải thường xuyên họp chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi đồng nghiệp để tìm ra cách giải quyết những tình huống này.

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức: Giáo viên cần phải biết lắng nghe, chia sẻ

Dù là ai, khi đã ở vị trí truyền thụ kiến thức thì tôi cho rằng cũng phải trang bị cho mình tính kiên trì, chịu đựng, biết lắng nghe, chia sẻ… Trong những tình huống xảy ra bất đồng giữa học trò và giáo viên, người thầy phải giữ được bình tĩnh và luôn tâm niệm mình là người thầy nên không được phép có những hành vi, lời nói xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự, thân thể học sinh. 

Học trò đang ở lứa tuổi “ổi ương” sẽ có rất nhiều phản ứng khó lường. Các em có thể phản ứng bằng lời nói, hành động, gián tiếp hoặc trực tiếp nhưng dù bằng bất cứ hình thức nào thì giáo viên cũng phải kiềm chế để tránh những phản ứng tiêu cực.

Không tự rèn luyện cho mình những đức tính bắt buộc cần phải có của một người thầy thì khó có thể giữ được hình ảnh của mình cũng như của nghề giáo. Hiện nay, có xu hướng giáo viên trẻ chỉ tập trung vào chuyên môn giỏi nhưng tôi cho rằng trong xã hội đa dạng hiện nay, rèn luyện đức tính nhà giáo lại càng cần thiết hơn bao giờ hết để tránh xảy ra những va chạm không mong muốn, ảnh hưởng đến uy tín bản thân và nghề sư phạm. 
                                                                             Vinh Hương (ghi)