PGS.TS Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế
kiêm Giám đốc Bệnh viện tại buổi làm việc với gia đình cháu bé
Thông tin này được PGS.TS Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Giám đốc BV đưa ra ngay trong cuộc họp, nhưng cũng không làm dịu đi không khí căng thẳng trong phòng làm việc do gia đình nạn nhân đã phải chờ đợi quá lâu từ buổi sáng. Để giải tỏa bớt tâm lý cho người nhà cháu bé, buổi tiếp xúc chiều 7-11 giữa Giám đốc bệnh viện còn có sự tham gia của ông Trần Quang Trung – Chánh thanh tra Bộ Y tế cùng đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh.
Ngay từ đầu ông Tiến bày tỏ, rằng bệnh viện rất lấy làm tiếc và sẵn sàng chia sẻ với nỗi đau của gia đình nạn nhân. Có lẽ trong lịch sử ngành y, đây là lần đầu tiên xảy ra sự cố kẻ gian vào tận bệnh viện bắt cóc đi 1 em bé sơ sinh mới 2 ngày tuổi. Hiện bệnh viện đang làm tất cả để phối hợp với cơ quan điều tra nhằm tìm ra cháu bé sớm nhất. Thậm chí bệnh viện cũng đã mời cả “nhà ngoại cảm” Phan Thị Bích Hằng vào để phối hợp giúp đỡ nhằm hy vọng nhanh chóng làm sáng tỏ vụ việc.
Cũng theo ông Tiến, đến trưa 7-11, cơ quan công an đã tìm được một cháu bé và đang tiến hành làm các xét nghiệm ADN để xác định xem có phải là cháu Trường hay hay không. Cháu bé này có 2 đặc điểm trùng hợp với bé Trường, đó là cũng giới tính Nam và cùng độ tuổi, ngày sinh. Xác nhận thông tin này, anh Phạm Xuân Triều cho biết anh đã tới cơ quan công anh để nhận mặt cháu bé vừa tìm thấy. Tuy nhiên, anh cũng đang rất băn khoăn bởi cháu bé mới tìm thấy này trông rất khác với con trai anh. Vì mới được ôm con có 1 ngày thì đã bị mất, kể từ đó đã 4 hôm trôi qua nên đứa trẻ có thể thay đổi rất nhiều, do đó anh phân vân không dám khẳng định. Hiện tại tôi chỉ còn biết trông chờ vào kết quả xét nghiệm ADN. Thêm nữa, con trai tôi da rất trắng, mặt tròn bụ bẫm, còn cháu bé mới tìm được thì lại gầy, trên mặt nổi rất nhiều mụn – anh Triều nói.
Y đức tính bằng… phong bì
Đại diện gia đình nạn nhân vẫn không thỏa mãn với câu trả lời của bệnh viện
Trong cuộc trao đổi thẳng thắn với Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Giám đốc BV Phụ sản Trung ương chiều 7-11, người nhà sản phụ đua nhau tố các vấn đề y đức của y bác sĩ tại BV Phụ sản Trung ương. Theo họ chính đó là lý do dẫn đến sự thờ ơ thiếu trách nhiêm của các y bác sỹ khiến ngay từ ban đầu, việc mất cháu bé đã không được bệnh viện quan tâm đúng mức.
Đại diện gia đình, ông Vũ Đức Toàn nói như vỗ mặt các quan chức đầu ngành của ngành y tế: “Đến việc đi đẻ chúng tôi cũng phải quỵ lụy, cầu cạnh hết mức. Thế nhưng lúc sự việc diễn ra thì tất cả y tá, bác sỹ cứ dửng dưng như không”.
Anh Triều, bố cháu bé thì thẳng thắn tố, đã phải “lót tay” cho các y bác sĩ của bệnh viện đến 5 triệu đồng nhưng họ chỉ biết bỏ tiền vào túi còn các cháu bé thì của gia đình nhưng lại không có trách nhiệm cao nên mới để xảy ra vụ việc đau lòng. Anh kể: “Vợ tôi mổ đẻ xong, còn rất đau đớn, tôi cũng đang quýnh quáng bên ngoài thì một bác sĩ ra nói thẳng: “Ca mổ xong rồi đấy, ca này tương đối khó nên gia đình phải tính toán xem bồi dưỡng cho kíp phẫu thuật thế nào”. Cạnh tôi lúc này là một gia đình ở Bắc Ninh mới ra trước vợ tôi ít phút. Anh chồng lóng ngóng bỏ 1 triệu vào “phong bì” rồi mang vào nhưng bị chê ít. Họ nói, một người thì còn được chứ cả ê kíp thì 1 triệu ăn thua gì. Thấy “tấm gương” đó nên tôi đã phải đưa phong bì dày gấp đôi. Chưa kể các thủ tục khác, động thứ gì cũng phải “lót” thêm chiếc “phong bì”, chẳng hạn như tôi muốn lấy được thẻ ra vào trông nom cháu cũng phải “lót tay” y bác sĩ 500.000 đồng. Không làm “thủ tục” đó cũng không được vì sẽ bị gây khó dễ mắng mỏ đủ điều. Cứ ngỡ “lót” như thế thì mẹ tròn con vuông về nhà an toàn. Đằng này…”.
Trách nhiệm thuộc về Bệnh viện
Sản phụ Trần Thị Thơm suy sụp khi nghe tin mất con
Trả lời câu hỏi: “Thời gian mất cháu bé là lúc người nhà bị yêu cầu ra hết bên ngoài, do đó chỉ có cán bộ của bệnh việc làm việc, vậy thì trách nhiệm thuộc về ai?”. Ông Tiến cho biết: “Ngoài việc khám chữa bệnh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương còn có thêm chức năng đào tạo. Do đó hàng ngày có hàng trăm sinh viên, y bác sĩ từ các tuyến khác về theo học, thậm chí cả học viên nước ngoài. Nhiều học viên chỉ học tại khoa này 1 tuần đến 10 ngày rồi lại chuyển sang khoa khác, đo đó việc quản lý cũng rất khó. Về quy định thì học viên cũng mặc quần áo blu trắng và được phép ra vào các khoa phòng. Thế nên riêng việc nhớ mặt số học viên thôi, có lẽ các bác sỹ trong khoa cũng không thể nhớ hết được”.
Ông Tiến nhận định, có lẽ kẻ gian đã nghiên cứu kẽ hở này khá kỹ và chọn thời điểm ra tay khiến bệnh viện cũng không ngờ. Trước những ý kiến bức xúc của gia đình nạn nhân về việc quy trách nhiệm, ông Tiến cho biết: “Vụ việc xảy ra tại bệnh viện nên đương nhiên bệnh viện phải chịu trách nhiệm chứ không thoái thác. Riêng kíp trực chắc chắn sẽ phải kiểm điểm để xử lý, trước mắt có thể là đình chỉ công tác, sẵn sàng phục vụ công tác điều tra của cơ quan công an".