Vốn “chảy” đúng chỗ

ANTĐ - Hai tháng cuối năm, theo quy luật thường có ba yếu tố tác động mạnh lên chỉ số giá tiêu dùng: tăng tổng cầu đầu tư xã hội, theo đó tăng nguồn tiền từ việc nới bội chi ngân sách lên 5,3% như Chính phủ đã đề xuất với Quốc hội, các ngân hàng đang đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cuối năm. Các doanh nghiệp tăng cường sản xuất chuẩn bị hàng hóa cho Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.

Đây là thời điểm các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất nguồn hàng để cung ứng ra thị trường cuối năm. Do sức mua chưa tăng mạnh, nguồn cung hàng hóa khá dồi dào, CPI trong tầm kiểm soát nên các doanh nghiệp đang nỗ lực kích cầu, cố gắng kìm giá đồng thời tổ chức các chương trình khuyến mãi, xả hàng để tăng sức mua. Sở Công Thương Hà Nội, TP.HCM đã triển khai tháng khuyến mãi rầm rộ nhất trong năm với hàng nghìn điểm bán, thực hiện giảm giá từ 15% trở lên.

Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, sức mua dù đã được cải thiện, nhưng trong 10 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa chỉ tăng 12,58% so với cùng kỳ 2012, là mức tăng thấp nhất so với các năm trước. Mặc dù lạm phát đã được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng trong 2 tháng cuối năm và cả năm 2014. Tuy nhiên, vẫn có một điểm sáng trong biểu đồ tăng trưởng tín dụng để đảm bảo mục tiêu cả năm đạt 12%. Cho đến cuối tháng 8 vừa qua, khi dấu hiệu tín dụng “hồi sinh” rõ ràng, thì tăng trưởng dư nợ cho vay toàn hệ thống ngân hàng chỉ tăng 6,45%. Như vậy từ nay đến cuối năm, mỗi tháng tăng trưởng tín dụng phải đạt 1,4-1,5%, tương đương 40.000 tỷ đồng/tháng, là một thách thức lớn với ngành ngân hàng. Tín dụng chưa tăng cao chủ yếu là vì doanh nghiệp không có đầu ra, hàng tồn kho chưa tiêu thụ được nhiều.

Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, cho dù cho vay kinh tế tăng chậm nhưng đáng mừng là hiệu quả dòng vốn lại được nâng cao. Chủ trương chống đô la hóa được phản ánh qua tín dụng ngoại tệ có xu hướng giảm mạnh. Đặc biệt, vốn cho vay đã tập trung “rót” vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Vốn tín dụng giảm nhưng vẫn đảm bảo tăng trưởng cho thấy, hiệu quả và chất lượng vốn tín dụng cho nền kinh tế cao hơn. Thành viên Ban cố vấn Chính phủ nhận định rằng, khác với thời điểm cách đây hai năm khi mặt bằng lãi suất lên cao tới 22-24%, các doanh nghiệp vẫn ồ ạt vay vốn như kiểu “uống thuốc độc để… giải khát”, hiện nay dòng vốn cho vay đang “chảy” vào đúng chỗ và đúng đối tượng. Thị trường không còn tình trạng “chạy” vốn bằng mọi giá.

Có thể nói, dòng chảy tín dụng đã được khơi thông, quan trọng nhất là “chảy” vào đúng chỗ “khát vốn”, tức là chính sách tiền tệ dần gắn bó với chuyển động tăng trưởng kinh tế theo hướng chất lượng và chiều sâu.