Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia thiếu nước

ANTĐ - Tỷ lệ thất thoát nước sạch cao, trong khi nguồn nước ngầm ngày một hạ thấp đã gây khó khăn cho việc đảm bảo cấp nước sạch sinh hoạt. Đáng nói, chiếm đến 63% nguồn nước trên lãnh thổ nước ta phụ thuộc vào lượng nước từ bên ngoài chảy vào. Với tốc độ sử dụng nước ngày một gia tăng đang tạo ra áp lực, buộc chúng ta phải có chiến lược sử dụng nước an toàn.

Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia thiếu nước ảnh 1Áp lực sử dụng nước sạch gia tăng trong bối cảnh nguồn nước suy giảm 

Nước sạch đang bị lãng phí

Báo cáo của Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho thấy, năm 2005, tỷ lệ thất thoát nước sạch bình quân cả nước là 35%, đến năm 2009 giảm xuống còn 30% và hiện nay đã giảm còn  xấp xỉ 25%, đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, nếu so với các nước như Singapore có tỷ lệ thất thoát nước 5%, Đan Mạch 6%, Nhật Bản 7% thì tỷ lệ thất thoát nước tại Việt Nam còn quá cao, lãng phí lớn.

Nguyên nhân thất thoát nước sạch lớn là do hệ thống đường ống cấp nước ở nhiều đô thị quá cũ, có nhiều tuyến ống trên 30 năm sử dụng, bị rò rỉ nước ở mức cao và có cả sự gian lận trong sử dụng nước. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân còn thiếu ý thức tiết kiệm khi sử dụng nước sinh hoạt, đây cũng là nguyên nhân khiến nguồn nước sạch đang bị lãng phí trầm trọng.

Dự kiến năm 2015, nhu cầu nước sạch các đô thị cả nước lên đến 8,5 triệu m3/ngày. Tuy nhiên, hiện công suất nước sạch cho các đô thị trên cả nước chỉ mới đạt 7,5 triệu m3/ngày đêm, đáp ứng 80% dân cư đô thị, 20% dân cư thành thị còn lại đang phải sử dụng nguồn nước khác với chất lượng nước chưa được kiểm soát. 

Ông Nguyễn Minh Đức, Trưởng phòng Cấp nước, Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng thông tin, nguồn nước ngầm cũng đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái, cạn kiệt, việc khai thác nước ngầm quá mức cho phép đã dẫn đến sự sụt lún mặt đất ở Hà Nội, TP. HCM, Cà Mau… Trong khi đó, nhiệm vụ đặt ra cho lĩnh vực cung cấp nước đến năm 2020 là rất lớn. Dự kiến, nhu cầu vốn đầu tư phát triển cấp nước giai đoạn 2014-2020 cần khoảng 70.000 tỷ đồng, bình quân khoảng 10.000 tỷ đồng/năm.

Thách thức khi nguồn nước suy giảm mạnh

Nguồn nước mặt ở hạ lưu các dòng sông đã và đang có nhiều vùng bị ô nhiễm do chất thải, nước thải sinh hoạt và sản xuất. Ngoài nhiễm bẩn, nguồn nước mặt còn chịu tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, đặc biệt vào mùa khô nước mặn đã xâm nhập sâu vào đất liền hàng chục kilomet, khu vực chịu ảnh hưởng mạnh là vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng Duyên hải miền Trung.

Mặc dù Việt Nam có 108 lưu vực sông với khoảng 3.450 sông, suối tương đối lớn, tổng lượng nước mặt trung bình năm của Việt Nam khoảng 830 tỷ m3, tập trung chủ yếu trên 9 lưu vực sông lớn song, khoảng 63% nguồn nước mặt của Việt Nam (tương ứng với 520 tỷ m3) được sản sinh ở nước ngoài, chỉ có gần 310 tỷ m3 mỗi năm được sản sinh trên lãnh thổ Việt Nam.

Tổng lượng nước đang được khai thác, sử dụng hàng năm khoảng 80,6 tỷ m3, chiếm xấp xỉ 10% tổng lượng nước hiện có của cả nước. Trong đó, trên 80% lượng nước được sử dụng cho mục đích nông nghiệp (khoảng 65 tỷ m3/năm).  Nước ngầm được khai thác sử dụng chủ yếu cho cấp nước sinh hoạt và công nghiệp với gần 40% lượng nước cấp cho đô thị. Theo nhìn nhận, nếu chỉ xét riêng tổng lượng nước hàng năm của cả nước, có thể lầm tưởng rằng Việt Nam là quốc gia có tài nguyên nước dồi dào.

Tuy vậy, theo chỉ tiêu đánh giá của Hội Tài nguyên nước quốc tế thì quốc gia nào có lượng nước bình quân đầu người dưới 4.000 m3/người/năm là quốc gia thiếu nước. Nếu chỉ tính riêng lượng tài nguyên nước mặt sản sinh trên lãnh thổ thì ở thời điểm hiện nay, Việt Nam đã thuộc các quốc gia thiếu nước và sẽ gặp phải rất nhiều thách thức về tài nguyên nước trong tương lai gần.

Trong bối cảnh các nước ở thượng lưu đang tăng cường xây dựng các công trình thủy điện, chuyển nước và xây dựng nhiều công trình lấy nước, chắc chắn nguồn nước chảy về Việt Nam sẽ ngày càng suy giảm và  nếu không chủ động Việt Nam sẽ phụ thuộc vào các nước ở thượng lưu.