Việt Nam - hình mẫu thu hút đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù còn nhiều nhân tố bất ổn tác động tới nền kinh tế thế giới, song Việt Nam với sự phục hồi nhanh trong giai đoạn bình thường mới cùng những nỗ lực và chính sách đúng đắn đang trở thành một điểm sáng, hình mẫu và điểm đến an toàn của các nhà đầu tư quốc tế.
Việt Nam hiện là điểm đến an toàn, hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài

Việt Nam hiện là điểm đến an toàn, hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài

Điểm đến an toàn của các nhà đầu tư

Trong buổi trả lời phỏng vấn mới đây trên kênh truyền hình CNBC của Mỹ, các nhà phân tích ngân hàng Goldman Sachs và JPMorgan Asset Management đã đưa ra ba cái tên Việt Nam, Indonesia và Singapore khi được hỏi thị trường nào tại khu vực Đông Nam Á là lựa chọn hàng đầu của họ. Các chuyên gia kinh tế quốc tế này đánh giá, Việt Nam là một hình mẫu về việc thu hút đầu tư trực tiếp và gián tiếp hiện nay.

Nêu lý do chọn Việt Nam là điểm sáng thu hút đầu tư lúc này, ông Desmond Loh, Giám đốc danh mục đầu tư tại JPMorgan Asset Management, đánh giá cao sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, cho rằng đây là “ngôi sao trong những năm vừa qua”. Nhà phân tích kinh tế và tài chính này nhấn mạnh, Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế trên thế giới có tốc độ tăng trưởng tích cực trong suốt giai đoạn đại dịch Covid-19.

Những phân tích, đánh giá về nền kinh tế Việt Nam của các chuyên gia ngân hàng Goldman Sachs và JPMorgan Asset Management cũng là những thông tin, nhận định trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng quốc tế thời gian qua. Đánh giá chung về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, nhiều tin bài trên các trang báo quốc tế đã sử dụng những từ như: “Nơi giữ chân các nhà đầu tư”, “một trong những thị trường nóng nhất”… hay “nơi trú ẩn an toàn” của các nhà đầu tư, “điểm đến an toàn” của dòng vốn đầu tư.

Trong đó, khi đề cập đến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, trang WangYi của Trung Quốc đã đưa bài viết với nhan đề: “Việt Nam “giữ chân” các nhà đầu tư nước ngoài”. Theo bài báo, trong quý đầu tiên của năm nay, các quỹ đầu tư tăng vốn và tham gia cổ phần tăng đáng kể, đặc biệt, dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam đạt 4,42 tỷ USD, cao kỷ lục trong vòng 5 năm. Điều này, theo trang WangYi, chứng tỏ Việt Nam đang “giữ chân” các nhà đầu tư nước ngoài một cách hiệu quả.

Nhìn nhận ở góc độ khác, tờ The Phnom Penh Post của Campuchia trong bài phân tích nhan đề “Triển vọng tích cực cho M&A bất động sản Việt Nam năm 2022” đã dẫn đánh giá của tập đoàn cung cấp dịch vụ bất động sản Savills cho rằng, hoạt động mua bán và sáp nhập bất động sản được kỳ vọng sẽ là nguồn đầu tư FDI dồi dào vào Việt Nam trong năm 2022 này với hoạt động M&A (mua bán và sáp nhập) dự kiến sẽ gia tăng về tần suất và giá trị. Bài báo trích lời ông Benjamin Lam, Giám đốc điều hành Dự án các Khu công nghiệp thuộc Tập đoàn VSIP có trụ sở ở tỉnh Bình Dương, cho rằng thị trường nội địa rộng lớn của Việt Nam với tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng, dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 9,2% trong năm tới là thỏi nam châm thu hút đầu tư từ Singapore. Cũng theo ông Benjamin Lam, năm 2022 là thời điểm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực, trong khi đó nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng của Việt Nam tiếp tục được thực hiện theo lộ trình và điều này sẽ tạo tiền đề cho sự trở lại đầy hứa hẹn trong năm tới của Việt Nam.

Thành công trong chuỗi giá trị toàn cầu

Có thể nói trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn phục hồi mong manh sau đại dịch Covid-19 và có nhiều nhân tố bất ổn như lạm phát cao và đặc biệt là cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến giá dầu và giá lương thực tăng cao… Việt Nam vẫn nổi lên như là điểm sáng thu hút, là điểm đến của các nhà kinh doanh quốc tế và dòng vốn đầu tư. Để có được điều này trước hết là do những nỗ lực cao độ cùng các biện pháp đúng đắn đã giúp nền kinh tế Việt Nam không chỉ trụ vững trong giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch Covid-19 và đang phục hồi nhanh khi dịch bệnh được kiểm soát tốt.

Trong Báo cáo cập nhật Tình hình phát triển kinh tế Việt Nam công bố ngày 6-4 vừa qua, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đánh giá, kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi ở mức 6,5% trong năm 2022 và tăng trưởng mạnh mẽ hơn ở mức 6,7% trong năm 2023 nhờ vào việc đẩy mạnh tỷ lệ tiêm chủng và các hoạt động thương mại; cũng như, tiếp tục thực hiện nhiều chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng. Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam Andrew Jeffries cho rằng, tỷ lệ tiêm chủng cao cũng đã cho phép Chính phủ dỡ bỏ các biện pháp kiềm chế đại dịch nghiêm ngặt và sự thay đổi kịp thời trong chiến lược ngăn chặn đại dịch đã giúp khôi phục các hoạt động kinh tế và giảm bớt những nút thắt trong môi trường kinh doanh.

Chia sẻ thêm về triển vọng tích cực của nền kinh tế Việt Nam, chuyên gia kinh tế quốc gia của ADB nhấn mạnh, thị trường lao động đang phục hồi, cùng với các giải pháp kích thích tài chính và tiền tệ của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ Việt Nam sẽ thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp đạt mức dự kiến 9,5% trong năm 2022. Sản lượng nông nghiệp dự kiến sẽ tăng 3,5% trong năm nay do nhu cầu trong nước phục hồi và giá cả hàng hóa toàn cầu tăng lên.

Đồng thời, việc Việt Nam mở cửa trở lại hoạt động du lịch vào giữa tháng 3 và nới lỏng các biện pháp kiểm soát đại dịch được kỳ vọng sẽ thúc đẩy dịch vụ, theo đó dự báo tăng trưởng ngành dịch vụ là 5,5% trong năm nay. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công sẽ thúc đẩy xây dựng và các hoạt động kinh tế liên quan.

Tất cả các nhân tố đó, cùng với một thị trường gần 100 triệu dân với tầng lớp thu nhập trung bình cao đang gia tăng nhanh, theo nhìn nhận của Giám đốc ADB tại Việt Nam Andrew Jeffries, đã khiến Việt Nam trở thành điểm đến thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này đã được minh chứng qua vốn đầu tư FDI thực hiện tại Việt Nam đạt 4,42 tỷ USD trong quý I vừa qua, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước và đây là mức cao nhất của quý I trong vòng 5 năm qua.

Một yếu tố khác giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài là những ưu đãi mà Việt Nam được hưởng thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ giúp họ tiếp cận được với các thị trường xuất khẩu rất tiềm năng khác. Trong khi đà tăng trưởng chậm lại ở nhiều nền kinh tế lớn là các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam có thể sẽ ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu, song việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do đa phương sẽ giúp hạn chế tác động này với Việt Nam.

Ông Aaditya Mattoo, Nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá: “Việt Nam là một ví dụ về thành công trong chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là trong tận dụng sự thay đổi của thương mại toàn cầu. Việt Nam thực sự là một hình mẫu về thu hút đầu tư nước ngoài”.