Kinh tế Việt Nam: Kỳ vọng sự hồi sinh mạnh mẽ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư với diễn biến phức tạp đã gây nên những khó khăn, thiệt hại và cả những nỗi đau khó ngôn từ nào diễn tả hết trong năm 2021. Nhưng qua đó, chúng ta thấy rõ hơn sự kiên cường của người dân, doanh nghiệp, sự quyết liệt, đồng cam cộng khổ của chính quyền các cấp. Đại dịch Covid-19 đã gây ra thiệt hại nặng nề đến kinh tế Việt Nam. Những con số thống kê khô khan không thể lượng hóa đầy đủ những tác động ghê gớm của đại dịch tới toàn bộ nền kinh tế. Chúng ta đã nhìn thấy hàng triệu lao động dịch chuyển ngược từ thành thị về nông thôn. Đó không chỉ là hàng triệu số phận lao đao vì mất kế sinh nhai mà còn bộc lộ sự “đứt, gãy” của chuỗi cung ứng, sức chống chịu yếu ớt của doanh nghiệp trong nước. Ở chiều ngược lại, chúng ta cần nhìn vào những điểm tích cực, để thấy nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong thực hiện “mục tiêu kép”. Theo đó, cân đối vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; GDP phục hồi ngoạn mục trong quý IV với mức tăng trưởng 5,22% so cùng kỳ năm trước, đưa tăng trưởng GDP cả năm ở mức khoảng 2,58% so với năm 2020. Lạm phát được kiềm chế ở mức thấp với chỉ số giá tiêu dùng - CPI bình quân tăng 1,84% - mức thấp nhất kể từ năm 2016. Xuất nhập khẩu duy trì tốc độ tăng trưởng cao 22,6%, đạt 668,5 tỷ USD… Đại dịch Covid-19 cũng được coi như một “cuộc thanh lọc” tuy đau đớn nhưng cũng là một động lực để buộc cộng đồng doanh nghiệp và cả nền kinh tế phải tái cấu trúc để phát triển bền vững hơn.

Đừng nhìn thực tế bằng con mắt quá bi quan

- PV: Thưa ông, chúng ta vừa trải qua một năm vô cùng khó khăn. Là người đứng đầu Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, ông có cảm nhận như thế nào?

- Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ: Khi thông qua kế hoạch năm 2021, là năm đầu tiên của Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ và Quốc hội không ai dự báo được năm 2021 chúng ta bị chủng Delta tác động mạnh đến như vậy; không ai dự kiến được sẽ phải giãn cách xã hội tại Hà Nội, TP.HCM lâu như thế; không ai dự báo được có một dòng lao động tự do lớn đến như vậy hồi hương.

Đó là điều bất khả kháng mà chúng ta không lường trước được. Thế nhưng, cái chúng ta phải nhìn nhận là trong bối cảnh dịch bệnh như thế, chúng ta đã làm vượt cả khả năng để hạn chế tối đa được thiệt hại. Về kinh tế, tất nhiên sẽ không thể như cuối năm 2020 chúng ta nói với nhau, song quan trọng là lạm phát vẫn giữ được trong mức mong muốn. Vì thế, tuy đời sống người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng không bị tác động bởi lạm phát. Đặc biệt, kinh tế vĩ mô vẫn ổn định. Thế nên, đừng nhìn năm 2021 bằng con mắt quá bi quan.

Đại dịch Covid-19 là một động lực để buộc cộng đồng doanh nghiệp và cả nền kinh tế phải tái cấu trúc để phát triển bền vững hơn

Đại dịch Covid-19 là một động lực để buộc cộng đồng doanh nghiệp và cả nền kinh tế phải tái cấu trúc để phát triển bền vững hơn

- Nhưng cũng phải thừa nhận trong triển khai các biện pháp ứng phó với dịch bệnh, chúng ta vẫn còn những lúng túng nhất định, thưa ông?

- Phải nói trong năm qua, các nhà lãnh đạo, quản lý, hay kể cả các chuyên gia tư vấn đã phải làm việc trong một điều kiện hết sức đặc biệt, cường độ cao và tinh thần chịu trách nhiệm rất lớn. Chúng ta chỉ quen triển khai trong môi trường bình thường chứ chưa từng triển khai trong môi trường mỗi địa phương áp dụng một biện pháp giãn cách xã hội khác nhau. Do đó, những giải pháp đưa ra là cực kỳ khó khăn, không có tính đại diện mà phải trông chờ rất lớn vào sự năng động của lãnh đạo các địa phương. Cùng với đó, dịch bệnh diễn biến quá nhanh nên phản ứng của cơ quan quản lý, tư vấn chưa theo kịp.

Ví dụ như trường hợp TP.HCM, chúng ta phải thừa nhận những yếu kém khi mới chỉ hình dung việc giãn cách xã hội ở địa bàn khoảng 1,5 triệu dân như Bắc Ninh, Bắc Giang nhưng khi đem áp dụng cho thành phố hơn 10 triệu dân rất khác. Chúng ta chỉ có thể dự báo được 20 ngày đầu, nhưng sang đến chu kỳ kéo dài giãn cách thứ hai thì lúng túng, không ai có kinh nghiệm. Chúng ta không hình dung được những tác động của các biện pháp cách ly, truy vết để thực hiện “Zero Covid-19” lớn đến như thế nào.

Nhưng cũng may là chúng ta phát hiện kịp thời, người chịu trách nhiệm về các quyết định đó cũng quyết đoán rất nhanh. Chẳng hạn, khi phát hiện ra thói quen, khả năng dự trữ của người dân ở khu vực phía Nam không nhiều như miền Bắc, Chính phủ đã nhanh chóng chỉ đạo mở cửa các chợ đầu mối ở khu vực TP.HCM. Rồi khi phát hiện “tắc” từ chợ đầu mối đến người dân, thì lập tức có giải pháp huy động lực lượng Quân đội, Công an vào để giải quyết khâu này.

Những việc đó chúng ta ứng phó rất nhanh. Tuy có khó khăn nhưng đa phần người dân cảm nhận được sự quyết liệt, sự đồng cam cộng khổ của chính quyền trong đại dịch. Tổn thất là rất nặng nề, nhưng đổi lại chúng ta có những bài học và gây dựng được niềm tin với người dân.

- Chúng ta đã rất nỗ lực nhưng hình ảnh những dòng người khổng lồ hồi hương cho thấy sự “mong manh” của chuỗi sản xuất?

- Về việc lao động phải hồi hương, chúng ta phải có một cái nhìn tổng thể hơn. Phải xem những lao động đó làm việc ở lĩnh vực nào, họ có làm ở các doanh nghiệp không, có được đóng bảo hiểm xã hội không, hay họ là lao động tự do?

Qua đây, phải nhìn nhận thực trạng tuân thủ Bộ luật Lao động của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất yếu kém. Nhiều đơn vị đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động nhưng chỉ đóng theo lương tối thiểu vùng, vì vậy khi nhận trợ cấp thất nghiệp, người lao động không đủ sinh sống, dẫn đến phải về quê... Ngoài ra, chúng ta cũng phải nhìn nhận một số khuyết điểm thuộc về Nhà nước.

- Thứ nhất, chúng ta đã có chính sách từ 2008 về xây nhà ở xã hội cho người lao động tại các khu công nghiệp. Nhưng rất tiếc các địa phương chạy theo thành tích, chỉ đầu tư vào các khu công nghiệp mà bỏ qua vấn đề này. Người lao động phải ở trong các khu nhà trọ tự phát, điều kiện sống không đảm bảo, dẫn đến bùng phát dịch nhanh như vậy và khi bùng phát dịch thì rất khó để hỗ trợ và giữ chân lao động.

- Thứ hai, chính sách triển khai hỗ trợ đến người lao động tự do còn yếu. Chúng ta có 53 triệu người chịu ảnh hưởng trong lĩnh vực nông nghiệp, có 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, hơn 800.000 doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Người ta không nộp thuế, chúng ta không có dữ liệu dẫn đến triển khai rất khó khăn, mỗi một địa phương phải tạo ra một cách làm trong việc hỗ trợ.

- Thứ ba, chúng ta phải nhìn nhận lại chính sách quản lý hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Đó chính là những đối tượng dễ bị tổn thương khi họ không đóng bảo hiểm xã hội, do đó, không được hưởng bất cứ hỗ trợ nào từ hệ thống an sinh xã hội mà chỉ nhận được cứu trợ từ hệ thống cứu trợ khẩn cấp của Nhà nước.

Năm 2013, khi sửa Luật Doanh nghiệp, chúng ta đề xuất đưa hộ kinh doanh cá thể vào quản lý ở 4 lĩnh vực: vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường; bảo vệ quyền lợi của người lao động; cuối cùng mới là quản lý thuế.

Tuy nhiên khi đặt vấn đề thì dư luận lại đưa vấn đề kiểm soát thuế lên làm hàng đầu, rồi nói Nhà nước chạy theo thành tích 1 triệu doanh nghiệp nên “ép” hộ kinh doanh lên doanh nghiệp... Thế nên, hậu quả khi dịch bệnh xảy ra, chúng ta không có công cụ hỗ trợ. Đây là việc chúng ta phải rút kinh nghiệm, tức là khi thấy chính sách đúng thì phải kiên trì bảo vệ.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên (Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng): Gói phục hồi kinh tế: Bỏ đồng nào ra phải hiệu quả đồng đó

Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cùng phóng viên An ninh Thủ đô nhìn lại những nỗ lực trong một năm 2021 đầy khó khăn cũng như những kỳ vọng vào năm 2022.

Còn rất nhiều doanh nghiệp tăng trưởng tốt

- Tới đây, chúng ta sẽ tiếp tục có một gói phục hồi kinh tế quy mô lên tới gần 340 nghìn tỷ đồng. Từ bài học năm 2008 - 2009, gói hỗ trợ đã không thực đi đúng hướng, dòng tiền không đi vào sản xuất, kinh doanh mà đổ vào các kênh đầu cơ, đẩy lạm phát lên mức kỷ lục, tạo nên những bong bóng bất động sản, chứng khoán. Chúng ta phải rút kinh nghiệm ra sao trong lần này?

- Quan điểm của Tổ tư vấn là giải pháp gì cũng phải đạt 3 nguyên tắc: Đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô; đảm bảo hiệu quả của nguồn vốn cung ứng; công khai, minh bạch. Chúng ta sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, phối hợp chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ.

Quy mô gói phục hồi phụ thuộc vào hiệu quả của nguồn vốn, phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Tiền chúng ta không có nhiều, nên bỏ đồng nào ra phải giữ hiệu quả đồng đó. Nhiều người đề xuất những gói hỗ trợ rất lớn, nhưng nhìn vào con số giải ngân đầu tư công, đến hết năm 2020 mới đạt 77,3%, nếu “bơm” vốn tràn lan vào nền kinh tế liệu có giải quyết vấn đề, hay sẽ đẩy lạm phát lên?

Để “hóa giải” áp lực lạm phát, chúng ta cũng phải điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, tùy theo tín hiệu thị trường để bơm tiền ra, hút tiền vào cho hài hòa. Nếu làm được tốt, với lượng tiền bơm ra không nhiều nhưng luân chuyển nhanh, chúng ta sẽ vẫn đáp ứng dòng tiền cho nền kinh tế và áp lực lạm phát sẽ giải tỏa. Nhưng nếu hiệu quả hấp thụ của nền kinh tế không tốt, dòng tiền luân chuyển chậm thì lượng tiền mặt trôi nổi trên thị trường lớn, gây lạm phát.

Về đối tượng hỗ trợ, nhìn vào con số xuất khẩu năm 2021 tăng 19%, rõ ràng vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp còn thị trường, tăng trưởng tốt. Đó sẽ là những doanh nghiệp chủ chốt của nền kinh tế. Còn những đơn vị nào trước đó làm ăn không bài bản, không vượt qua được thì chúng ta phải chấp nhận quy luật thị trường. Anh bán phở ngon nhưng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường thì anh phải chấp nhận phá sản và đi rửa bát thuê... vì người tiêu dùng sẽ phải tính toán giữa việc ăn bát phở ngon hay đi bệnh viện.

Đại dịch Covid-19 đã gây ra thiệt hại nặng nề đến kinh tế Việt Nam

Đại dịch Covid-19 đã gây ra thiệt hại nặng nề đến kinh tế Việt Nam

- Nhưng năm 2022, biến chủng virus Omicron đang là mối đe dọa rất lớn, khó khăn vẫn đang chờ ở phía trước. Ông có kỳ vọng gì về sự phục hồi kinh tế của chúng ta?

- Chắc chắn với lượng tiền lớn như thế bơm bổ sung vào nền kinh tế thì nền kinh tế sẽ có khởi sắc. Nhưng khởi sắc nhanh hay từ từ thì phụ thuộc 2 yếu tố: Một là các cơ quan quản lý Nhà nước triển khai phần đầu tư công có nhanh hay không? Và hai là các doanh nghiệp có chủ động đón nhận hay không? Vấn đề là chúng ta phải tạo mọi điều kiện để cho doanh nghiệp hoạt động, còn doanh nghiệp lừng chừng, các bộ ngành còn gây khó khăn thì sự phục hồi sẽ hạn chế.

Đối với Covid-19, chắc chắn năm nay diễn biến dịch sẽ còn phức tạp. Trên thế giới, dù rất nhiều nước đã tuyên bố đạt miễn dịch cộng đồng rồi, nhưng đến chủng virus mới này, nguy cơ giãn cách xã hội là rất hiện hữu.

Ở Việt Nam, sắp tới sẽ là dịp Tết Nguyên đán - một kỳ nghỉ rất dài; mặt khác là áp lực mở cửa, khôi phục nền kinh tế rất lớn. Do đó, Chính phủ sẽ phải có những biện pháp phù hợp để kiểm soát dịch bệnh.

PV Hà Loan

PV Hà Loan

Với Omicron, theo nghiên cứu mới nhất của Singapore, biến chủng này còn tác động đến cơ quan sản xuất của máu, tạo ra đông máu trong tĩnh mạch. Việt Nam chúng ta chưa nâng lên thành phương pháp lý thuyết, nhưng phương pháp điều trị của chúng ta đã biết đến việc máu đông từ bệnh nhân số 19 (người Anh) và phương pháp điều trị của chúng ta áp dụng cũng tương thích với những phát hiện mới của các nhà khoa học trên thế giới. Chúng tôi nghĩ về mặt y tế chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm trong chữa trị.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam - VIAC): Doanh nghiệp trông đợi vào những cải cách mang tính đột phá

“Có thể thấy, đại dịch Covid-19 là một “đại họa” nhưng đồng thời cũng là một màng lọc, giúp thị trường giữ lại các doanh nghiệp có sức cạnh tranh để thúc đẩy năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong tình hình mới. Đó là một cuộc sàng lọc rất đau đớn nhưng cũng cần thiết cho sự phát triển.

Sang năm 2022, Chính phủ, Quốc hội đang chuẩn bị một chương trình phòng chống Covid-19 trong bối cảnh mới và phục hồi phát triển kinh tế, gồm các giải pháp tài khóa, tiền tệ, dự kiến thực hiện trong thời gian 2 năm, kết hợp mục tiêu phục hồi với phát triển.

Chính phủ đang cân nhắc, nhưng gói hỗ trợ phải xuất phát trên cơ sở năng lực hệ thống tài chính, khả năng phục hồi của nền kinh tế; đặc biệt phải hướng tới đảm bảo kiểm soát được kinh tế vĩ mô, kiểm soát nợ xấu; và các biện pháp đưa ra đủ liều lượng, phù hợp.

Trong điều kiện khó khăn, Chính phủ luôn chia sẻ, đồng hành, nhưng theo tôi, doanh nghiệp kỳ vọng nhiều hơn là cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh đầu tư công; có cơ chế đặc thù cho một số địa phương, tạo thuận lợi tối đa trên không gian số, hạn chế thanh tra, kiểm tra chồng chéo để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động...

Tuy nhiên, một tay không thể vỗ nên tiếng, cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, doanh nghiệp cũng phải nỗ lực. Muốn tái cấu trúc nền kinh tế thì bản thân doanh nghiệp phải tái cấu trúc, phải vươn tới chuẩn mực quốc tế, hướng tới phát triển bền vững, quan tâm đến trách nhiệm xã hội, chăm lo người lao động, chăm lo văn hóa kinh doanh, quan tâm tới tăng trưởng xanh, chuyển đổi số...”.