Trung Quốc muốn quân sự hóa Biển Đông:

Việt Nam cần có hành động quyết liệt hơn

ANTĐ - Nhân sự kiện Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào cửa Vịnh Bắc Bộ và đưa vào hoạt động trạm hải đăng trên đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, phóng viên Báo ANTĐ có cuộc trao đổi với PGS-TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an).

Việt Nam cần có hành động quyết liệt hơn  ảnh 1

- PV: Ông đánh giá thế nào về 2 động thái nói trên của Trung Quốc. Phải chăng đây là chuỗi nối các hành động nhằm phục vụ ý đồ quân sự hóa Biển Đông của họ?

-  Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trước tiên phải khẳng định, khi vùng tranh chấp phân định trên Vịnh Bắc Bộ chưa được giải quyết xong, theo nguyên tắc, các bên liên quan không được phép có những hành động làm phức tạp thêm tình hình. Rõ ràng, hành động trên của Trung Quốc không đúng với thông lệ quốc tế và không phù hợp với cam kết, tuyên bố chung giữa hai bên.

Việc đưa vào hoạt động trạm hải đăng trên đá Subi, theo tôi, Trung Quốc không chỉ xây dựng hải đăng mà thực chất là đang quân sự hóa Biển Đông. Hai năm qua, Trung Quốc liên tục bồi đắp các đảo chìm của Việt Nam thành đảo nổi, đặc biệt tại 2 đảo lớn là Chữ Thập và Gạc Ma. Theo ảnh vệ tinh, tại đảo Chữ Thập có đường băng dài khoảng 3.400m.

Giới chức quân sự Hoa Kỳ và quốc tế cho đây là sân bay quân sự và chỉ phục vụ cho máy bay ném bom chiến lược tầm xa của Trung Quốc. Loại máy bay chiến lược này mang trên mình 9 tên lửa đạn đạo, tầm bắn 2.000km, tầm tác chiến hiệu quả là 1.800km. Còn trên đảo Gạc Ma, Trung Quốc xây dựng sân bay dài hơn 2.400m để phục vụ máy bay tiêm kích. Ngoài 2 sân bay quân sự kể trên, Trung Quốc còn xây dựng trái phép bến cảng quân sự cho tàu 1.000 tấn.

Ngày 14-2 vừa qua, Trung Quốc đưa tên lửa đất đối không vào đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), lắp 4 hệ thống radar tần số cao ở Trường Sa, đặc biệt ở đảo Châu Viên - đảo cực nam của Trường Sa. Với các radar tần số cao này, Trung Quốc có thể kiểm soát được toàn bộ không gian Biển Đông, không có một máy bay, tàu chiến nào vào khu vực này mà họ không biết.

Bên cạnh các căn cứ quân sự, Trung Quốc còn xây dựng các căn cứ dân sự. Ví dụ như việc xây trạm hải đăng trên đá Subi của Việt Nam, họ nói với thế giới rằng xây hải đăng không chỉ phục vụ riêng cho Trung Quốc mà cho các phương tiện của thế giới khi qua đây. Cũng với lý lẽ đó, họ xây dựng trung tâm cứu hộ cứu nạn, trung tâm sửa chữa tàu thuyền nhỏ, trung tâm y tế dự phòng, trung tâm cảnh báo sớm sóng thần, bão…

Việc Trung Quốc lồng ghép các cơ sở dân sự thực chất là để phục vụ mục tiêu quân sự hóa Biển Đông. Hành động này vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, vi phạm 5 tuyên bố chung giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng họ vẫn bất chấp.

Việt Nam cần có hành động quyết liệt hơn  ảnh 2

Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển đang phân định

- Từ tháng 2-2016 đến nay, Trung Quốc tiếp tục có các hành động leo thang ở Biển Đông, theo ông nhằm mục đích gì?

- Với tình hình hiện nay, trước sự trì hoãn có ý đồ của Trung Quốc, năm 2016 vẫn chưa thể có COC (Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông). Tôi nghĩ rằng, trong 9 tháng còn lại của năm 2016, Trung Quốc sẽ đẩy nhanh và làm quyết liệt để hoàn thiện việc quân sự hóa ở Trường Sa, đặc biệt là hoàn thiện 2 sân bay quân sự ở đảo Chữ Thập, đảo Gạc Ma và xây dựng đầy đủ các bến cảng quân sự, lắp đặt thêm radar tần số cao, thêm tên lửa đất đối không vào một số vị trí khác nữa.

Họ muốn các máy bay, tàu thuyền vào Biển Đông phải qua sự giám sát và cả kiểm soát của họ. Và khi hoàn chỉnh các căn cứ quân sự, Trung Quốc sẽ buộc 10 nước ASEAN phải chấp nhận thực tế này như một sự đã rồi. Khi đó, Mỹ, 10 nước ASEAN và cộng đồng quốc tế cũng không thể làm gì được.

- Trong vòng 3 ngày, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã 2 lần trao công hàm cho phía Trung Quốc để phản đối việc nước này đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và đưa vào hoạt động hải đăng trên đá Subi của Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về động thái trên? 

- Việc Bộ Ngoại giao trao công hàm phản đối là cần thiết, cần phải làm. Song theo tôi, Việt Nam cần phải có hành động quyết liệt, cụ thể hơn nữa. Bên cạnh đó, hệ thống truyền thông, phát thanh, truyền hình phải thông báo các hiện tượng, hành động của Trung Quốc trên Biển Đông để người dân biết, bày tỏ ý kiến.

- Xin cảm ơn ông!