Chuyển hóa 10 địa bàn trọng điểm về ANTT: Chậm chạp, lúng túng! (1)

Vì sao trở thành “điểm”?

ANTĐ - Trung tuần tháng 4-2012, CATP Hà Nội triển khai quyết định thành lập BCĐ thực hiện công tác chỉ đạo điểm về chuyển hóa địa bàn phức tạp về ANTT. 10 phường, xã của Hà Nội được áp dụng thí điểm mô hình này, với mục tiêu: tập trung giải quyết dứt điểm, chuyển hóa địa bàn phức tạp về ANTT, trở thành địa bàn không có tội phạm hoặc giảm đến mức thấp nhất.

Khu đô thị áp Văn Quán - Hà Đông chịu áp lực ngày càng lớn từ sự gia tăng dân số


“Mỗi nhà, mỗi cảnh”

29 quận, huyện, thị xã của Hà Nội hiện có hơn 550 xã, phường, thị trấn. Có những địa bàn, nhất là khu vực ngoại thành, tỷ lệ phạm pháp hình sự rất thấp. Song không ít địa bàn nhiều năm nay luôn “nóng” về các loại tội phạm và tệ nạn xã hội. 10 địa bàn trọng điểm về ANTT được lựa chọn mang tính chất điển hình nhất cho sự phức tạp cũng như nguy cơ tiềm ẩn của hoạt động tội phạm và tệ nạn xã hội. Tinh thần mà Ban Giám đốc CATP thực hiện công tác chỉ đạo điểm về chuyển hóa địa bàn phức tạp về ANTT đặt ra là sau khi đã thành công ở 10 địa bàn trọng điểm - điển hình, sẽ rút kinh nghiệm để nhân rộng ra các địa bàn khác.

Có thể thấy, 10 địa bàn trọng điểm đang được triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, tệ nạn xã hội là rất đa dạng. Phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng) trở thành “điểm”, bởi có tới 3 bến xe lớn nhỏ, 2 bệnh viện Trung ương, hàng chục nhà nghỉ, khách sạn thuộc loại hình kinh doanh “nhạy cảm”, chưa kể yếu tố đặc thù một nửa phường nằm ngoài đê sông Hồng. Một thông tin khiến nhiều người giật mình, đó là Bạch Đằng hiện có trên 500 đối tượng trong diện quản lý, giáo dục của cơ quan chức năng. Xuôi theo đê sông Hồng lên địa bàn quận Ba Đình, là phường Phúc Xá. Diện tích không lớn, nhưng Phúc Xá phải “ôm” chợ Long Biên - chợ đầu mối hoa quả lớn nhất miền Bắc; “ôm” một phần trạm trung chuyển xe buýt lớn nhất Hà Nội, từng có thời gian “cực nóng” về hiện tượng trộm cắp, móc túi. Song, Phúc Xá trở thành địa bàn “điểm” còn bởi địa bàn từng phức tạp về ma túy cấp thành phố. “Nói đến Phúc Xá là nói đến ma túy”, Trung tá Kim Minh Đức- Trưởng CAP Phúc Xá nhớ lại thực trạng địa bàn hồi 3 năm trở về trước.

Trong danh sách 10 địa bàn trọng điểm về ANTT được áp dụng các biện pháp quyết liệt để đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, có 2 xã vùng ven được chọn là Kim Chung (huyện Đông Anh) và Cổ Nhuế (huyện Từ Liêm). “Đừng nghĩ ngoại thành sẽ ít “nóng” về hoạt động tội phạm và tệ nạn xã hội. Thậm chí ngược lại, nhiều địa bàn ngoại thành đang đặt ra những vấn đề hết sức phức tạp trong công tác quản lý con người, phòng ngừa tội phạm”, chỉ huy Phòng CSHS CATP Hà Nội nhìn nhận.

Đồng chí Lê Thanh Tùng - Trưởng Công an xã Kim Chung cho biết, tổng số dân sinh sống trên địa bàn hiện có 3,5 vạn người, trong đó, hai phần ba là… dân tạm cư. “Nghề” chính của người dân Kim Chung từ năm 2007 trở lại đây là kinh doanh cho thuê trọ. Kim Chung xứng đáng là một “điển hình điểm”, với con số 1.300 hộ dân đang kinh doanh nhà trọ. Năm 2011, địa bàn xã xảy ra… trên 100 vụ phạm pháp hình sự, với đủ các loại tội danh, trừ… giết người. Một “điển hình” khác ở Kim Chung là thiếu biên chế; ban công an xã, tính cả chỉ huy, vẻn vẹn 12 người.

Không nhiều hộ kinh doanh nhà trọ như Kim Chung, song Cổ Nhuế lại gấp đôi số dân so với “người láng giềng” bên kia cầu Thăng Long, tới 6 vạn nhân khẩu. Tại Cổ Nhuế có 3, 4 trường đại học, có khu đô thị và được đánh giá rất phức tạp về công tác quản lý trật tự xây dựng. Biên chế lực lượng công an xã có tới 30 người, đông hơn nhiều công an cấp phường, nhưng thực tế vẫn “ôm” không xuể việc.

Ưu tiên gắn liền trách nhiệm

10 địa bàn trọng điểm được chọn đã và đang nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban Giám đốc CATP, như hỗ trợ về kinh phí để xây dựng các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh tội phạm; tăng cường biên chế từ các phòng nghiệp vụ, cùng sự vào cuộc của đội nghiệp vụ công an quận, huyện, tùy theo tính chất đặc thù của địa bàn. Theo yêu cầu của BCĐ thực hiện công tác chỉ đạo điểm về chuyển hóa địa bàn phức tạp về ANTT, công an quận, huyện, thị xã trên cơ sở kết quả công tác điều tra cơ bản, phải tham mưu cho quận ủy, huyện ủy, thị ủy và UBND đồng cấp có kế hoạch tổng thể, chỉ đạo các lực lượng, các ngành, đoàn thể, triển khai kế hoạch tới toàn thể cán bộ chủ chốt, các ban, ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân, từ đó phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị trong công tác đấu tranh, chuyển hóa địa bàn. Điều này có nghĩa, “sự vào cuộc của hệ thống chính trị trong công tác đảm bảo ANTT” ở 10 địa bàn trọng điểm sẽ không còn là khái niệm mơ hồ!

Bên cạnh những sự ưu tiên trong chỉ đạo, bố trí lực lượng, là trách nhiệm cụ thể được đặt ra. Đó là phải triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp làm giảm tính chất phức tạp của địa bàn; tập trung giải quyết các điểm nóng, vấn đề nóng liên quan đến ANTT; phát hiện, giải quyết sớm mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; tăng cường hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về TTXH, không để tội phạm lợi dụng hoạt động, hướng đến mục tiêu cuối cùng: chuyển hóa địa bàn phức tạp về ANTT trở thành địa bàn ít phức tạp, không phức tạp…

10 địa bàn được xác định trọng điểm về ANTT gồm: Phúc Xá (Ba Đình), Bạch Đằng (Hai Bà Trưng), Trung Hòa (Cầu Giấy), Văn Quán (Hà Đông), Giáp Bát (Hoàng Mai), Phương Mai, Láng Thượng (Đống Đa), Kim Chung (Đông Anh), Cổ Nhuế (Từ Liêm), Đồng Xuân (Hoàn Kiếm).

(Còn nữa)