Vì sao nhiều giám đốc doanh nghiệp bị tạm hoãn xuất cảnh?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thời gian qua, một số giám đốc doanh nghiệp nợ tiền thuế đã bị thông báo tạm hoãn xuất cảnh. Nhiều người đặt câu hỏi, việc ra thông báo dựa trên căn cứ nào và ai có thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh với những trường hợp này?

Mới đây, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lào Cai đã gửi công văn tới Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với 4 giám đốc doanh nghiệp nợ tiền thuế.

Đó là ông Thân Văn A (Giám đốc Công ty TNHH MTV xây dựng Sa Pa 98), ông Nguyễn Văn D (Giám đốc Công ty TNHH MTV nội thất Mê Linh), ông Nguyễn Viết L (Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Sông Mã), ông Hà X (Giám đốc Công ty TNHH MTV thương mại và dịch vụ Victory).

Những cá nhân trên là người đại diện hợp pháp của các doanh nghiệp còn nợ tiền thuế, thuộc trường hợp đang bị cơ quan thuế cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về việc quản lý thuế do chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước. Thời gian tạm hoãn xuất cảnh từ 13-9 đến khi hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Trước đó, vào tháng 6-2022, Cục thuế Nghệ An cũng có thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của các doanh nghiệp do chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Người đại diện hợp pháp của các doanh nghiệp còn nợ tiền thuế có thể bị tạm hoãn xuất cảnh (ảnh minh họa)

Người đại diện hợp pháp của các doanh nghiệp còn nợ tiền thuế có thể bị tạm hoãn xuất cảnh (ảnh minh họa)

Theo đó, 4 chủ doanh nghiệp bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh, gồm ông Hồ Đình T, Giám đốc CTCP gạch ngói Sông Lam; ông Nguyễn Chí C, Giám đốc Công ty cổ phần 475; ông Nguyễn Trung D, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xây dựng Trường Yên; bà Hồ Thị H, Giám đốc Công ty TNHH Bình Vũ Gia.

Các cá nhân này là người đại diện theo pháp luật của các doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Về căn cứ pháp lý đối với việc ra các thông báo tạm hoãn xuất cảnh, theo Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội, Điều 36 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 quy định các trường hợp công dân bị tạm hoãn xuất cảnh gồm:

Bị can, bị cáo; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ;

Người nộp thuế, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế;

Người đang bị cưỡng chế, người đại diện cho tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;…

Bên cạnh đó, Điều 21 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế cũng nêu rõ, các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh gồm:

Cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; Người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế…

Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế có thẩm quyền căn cứ tình hình thực tế và công tác quản lý thuế trên địa bàn để quyết định việc lựa chọn các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh đối với những trường hợp trên.

Người bị áp dụng biện pháp hoãn xuất cảnh nếu không đồng ý, có thể khiếu nại đến Thủ trưởng cơ quan điều tra hoặc Viện trưởng Viện KSND cùng cấp theo quy định pháp luật.

“Có thể nói việc tạm hoãn xuất cảnh đối với các chủ doanh nghiệp nợ tiền thuế là biện pháp cần thiết nhằm tăng cường hiệu lực và hiệu quả trong quản lý thuế, chống thất thu, tăng thu cho ngân sách” - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.