Vì sao Mỹ vẫn sợ tiêm kích Su-27 của Nga?

ANTĐ -Theo chuyên gia quân sự Robert Farley, chiếc chiến đấu cơ tốt nhất của Liên-xô - Sukhoi Su-27, vốn được đưa vào biên chế từ năm 1985, là một mẫu máy bay xuất khẩu vô cùng thành công và đến nay vẫn là mối lo ngại với rất nhiều tiêm kích khác của phương Tây. 

Nguồn gốc

Trong những năm 1970 và 1980, Liên-xô và Mỹ hay phát triển máy bay chiến đấu theo cặp, cao cấp và trung cấp. Ví dụ như không quân Mỹ có F-15 được cho là phiên bản cao cấp hơn của F-16, hải quân Mỹ có cặp F-14 và F/A-18. Trong khi đó, Su-27 được coi là chiến đấu cơ cao cấp và hạng nặng hơn MiG-29.

Sukhoi thiết kế Su-27 với mục tiêu làm đối trọng với F-15 Eagle của Mỹ. Trong khi F-15 có hình dáng khá đầy đặn, khỏe mạnh, thì Su-27 lại mang dáng vẻ mảnh mai và gọn gàng hơn. Mặc dù được thiết kế để dành lợi thế trên không, Su-27 vẫn chứng minh được sự hiệu quả trong các nhiệm vụ đánh chặn hoặc tấn công mặt đất.

Su-27 được biết đến với khả năng bay cực kì linh hoạt

Su-27 được đưa vào biên chế chậm hơn mẫu máy bay cùng loại của Mỹ và thậm chí là MiG-29. Nó đã thất bại trong một vài bài thử nghiệm ban đầu và một số phi công còn bỏ mạng. Đến những năm 1980, nó được đưa vào biên chế nhưng số lượng sản xuất cũng bị giới hạn do Chiến tranh lạnh đã gần kết thúc.

Khả năng của Su-27 là vô cùng đáng nể phục. Nó có thể đạt vận tốc Mach 2.35 và mang theo 8 tên lửa không đối không cùng một loạt loại bom khác. Su-27 nổi tiếng với khả năng nhanh nhẹn một cách khác thường, máy bay vẫn có thể kiểm soát ở tốc độ rất thấp, hoặc tắt động cơ đột ngột khi bổ nhào và thực hiện các kỹ thuật bay nhào lộn. Các loại máy bay cùng thời của Mỹ như F-15 đều không có khả năng thực hiện thao tác bay “Rắn hổ mang Pugachev” như Su-27.

Khung máy bay Su-27 cũng chứng minh được sự linh hoạt. Không quân Nga đã trang bị cho nó hàng loạt các hệ thống điện tử hàng không, nâng cấp để cải thiện khả năng cận chiến và tấn công mặt đất. Một vài nước trên thế giới còn có thể tự biến đổi Su-27 cho phù hợp với yêu cầu riêng của mình.

Xuất khẩu

Tổng cộng 809 chiếc Su-27 đã được biên chế vào không quân các nước trên thế giới và đến nay vẫn đang sử dụng, nhiều nhất đương nhiên là Nga (359 chiếc) sau đó đến Trung Quốc (95 chiếc).

Su-27 đến Trung Quốc với tên gọi J-11

Việc Su-27 xuất khẩu sang Trung Quốc là vụ việc gây nhiều tranh cãi giữa Moscow và Bắc Kinh. Trung Quốc mua một vài chiếc Su-27 từ Nga với điều kiện đồng sản xuất một lô máy bay này sau đó. Tuy nhiên, Nga cáo buộc Trung Quốc vi phạm thỏa thuận khi trang bị một vài hệ thống điện tử hàng không tự chế lên chiếc J-11 (tên gọi của Su-27 tại Trung Quốc) và tự phát triển phiên bản J-16 sử dụng trên tàu sân bay dựa theo Su-27 mà không hỏi ý kiến Nga. Đây chính là sự việc khiến Nga nhiều lần không nhiệt tình bán vũ khí cho Trung Quốc và vẫn thường được nhắc đến trong các thỏa thuận hiện nay.

Chiến đấu

Su-27, dù có khả năng không chiến tốt, nó chỉ được trông thấy trong những hoạt động nhỏ từ khi nó được đưa vào hoạt động. Ngoại lệ đáng chú ý duy nhất là trong thời gian chiến tranh Eritrea-Ethiopia (1998-2000), khi đó một số chiếc Su-27A đã được sử dụng triệt để bởi Ethiopia trong nhiệm vụ tuần tra chiến đấu trên không và hộ tống cho MiG-21 và máy bay ném bom MiG-23.