Vì sao hàng loạt bác sĩ xin nghỉ việc?

ANTD.VN - Từ đầu năm đến nay, tại tỉnh Cần Thơ, đã có tổng cộng 14 bác sĩ nộp đơn xin nghỉ việc. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở nhiều địa phương khác, thậm chí không ít bác sĩ cấp trưởng khoa ở bệnh viện tỉnh cũng xin thôi công tác. Chưa bao giờ tình trạng “chảy máu chất xám” trong các bệnh viện công lại đáng báo động đến vậy.

Điều kiện công tác và thu nhập của bác sĩ ở nhiều bệnh viện công còn khó khăn  (Ảnh minh họa)

Thu nhập là nguyên nhân chính

Như Báo ANTĐ đã phản ánh, từ giữa tháng 5-2016, dư luận tại tỉnh Cà Mau xôn xao trước thông tin cùng lúc 3 bác sĩ trưởng khoa tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cái Nước tỉnh Cà Mau (Khoa Khám bệnh, Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình và Khoa Ngoại tổng quát) đồng loạt nộp đơn xin nghỉ việc. Trao đổi với báo chí, Giám đốc bệnh viện này cho biết, 3 bác sĩ đó cho rằng, lý do xin nghỉ vì thu nhập tại bệnh viện thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu. 

Tình trạng xin nghỉ việc cũng diễn ra tại Bệnh viện Đa khoa TP Cà Mau từ giữa năm 2015 với 3 bác sĩ  xin nghỉ việc để chuyển sang làm việc tại cơ sở y tế tư nhân. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau,  hơn 10 bác sĩ xin nghỉ việc trong năm 2015 và vẫn tiếp diễn trong năm 2016. Đáng chú ý, theo Sở Y tế Cà Mau, các bác sĩ nghỉ việc phần lớn có tay nghề cao. 

Tại Cần Thơ, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ Bùi Thị Lệ Phi cũng vừa yêu cầu Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ báo cáo việc có tổng cộng 14 bác sĩ xin nghỉ việc, trong đó, có 5 trường hợp sau khi được bệnh viện vận động đã rút đơn xin nghỉ. Trước đó, thông tin về việc bác sĩ bỏ việc cũng xảy ra liên tục tại Đắk Lắk, Đắk Nông.

Theo thống kê của Sở Y tế Đắk Lắk, trong vòng 3 năm gần đây, có tới 48 bác sĩ ở bệnh viện công xin nghỉ việc. Chỉ tính riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk đã có 12 bác sĩ bỏ việc, đa số là bác sĩ chuyên khoa, chuyên khoa I, thạc sĩ. Nguyên nhân chính dẫn đến “làn sóng” bác sĩ bỏ bệnh viện công chủ yếu là do thu nhập thấp, áp lực lớn, trong khi bệnh viện tư sẵn sàng mời chào với mức đãi ngộ cao hơn.

Ngay cả ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, thậm chí ở các bệnh viện tuyến Trung ương, tình trạng “chảy máu chất xám” do bác sĩ xin chuyển ra ngoài làm tư cũng có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Tại Hà Nội, một bệnh viện đa khoa tuyến đầu của thành phố cách đây 3-4 năm về trước từng bị các bệnh viện tư “rút ruột” hàng chục bác sĩ giỏi.

Tại các bệnh viện đặc thù như Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, Bệnh viện 09 hay các bệnh viện y học cổ truyền, việc tuyển dụng bác sĩ vốn đã khó, việc giữ được bác sĩ giỏi càng khó khăn hơn. Riêng Bệnh viện Tâm thần Hà Nội từng trải qua giai đoạn 10 năm liền không tuyển được bác sĩ nào.

Đổi mới hay là chết 

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho rằng, nếu bệnh viện công lập dù hạng 1 nhưng không có cơ chế để nâng cao thu nhập cho y bác sĩ thì chuyện bác sĩ xin nghỉ việc hàng loạt cũng là bình thường. Lý do vì với cơ chế hiện nay, nhiều bệnh viện công lập vẫn mang nặng tư tưởng xin - cho, tư duy bao cấp, lương bác sĩ không đủ sống trong khi bệnh nhân đông, áp lực lớn.

Nạn “phong bì bệnh viện” hay nhũng nhiễu bệnh nhân xuất phát từ đây, cũng từ đó nhiều bác sĩ phải “chân trong, chân ngoài” để tăng thu nhập, không yên tâm công tác. PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn nhấn mạnh, để khắc phục được tình trạng “chảy máu chất xám” trong bệnh viện công thì bắt buộc phải đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ sở y tế công lập theo hướng tự chủ, công khai, minh bạch, bảo đảm cung cấp dịch vụ y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, vừa giúp nâng cao đời sống cán bộ nhân viên y tế mà người bệnh cũng được thụ hưởng dịch vụ tốt hơn.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho rằng, việc bác sĩ bệnh viện công xin nghỉ để chuyển ra ngoài làm ở bệnh viện tư nhằm có thu nhập cao hơn là một hiện tượng xã hội bình thường như nhiều ngành nghề khác.

Theo TS Nguyễn Huy Quang, bác sĩ công tác ở bệnh viện công hiện nay phải đối mặt với áp lực rất lớn do bệnh nhân đông, điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn, hơn nữa lại thường xuyên phải đối mặt với các nguy cơ rủi ro, kiện cáo, nhất là khi xảy ra sai sót chuyên môn ngoài ý muốn. Các bệnh viện tuyến huyện thì vắng bệnh nhân, nhiều nơi không có đủ điều kiện tốt cho các bác sĩ phát huy hết năng lực, trình độ của mình kèm theo thu nhập thấp… nên tất yếu sẽ có những bác sĩ xin nghỉ việc nếu tìm được môi trường làm việc tốt hơn. 

Tuy nhiên, TS Nguyễn Huy Quang cũng cho rằng, việc bác sĩ bệnh viện công xin nghỉ việc để ra ngoài làm tư chỉ là “hiện tượng” chứ không phải là xu thế chung và chưa đến mức quá lo ngại.

Hơn nữa, tuy môi trường làm việc ở bệnh viện công có thể không đem lại cho bác sĩ mức thu nhập cao như làm ở bệnh viện tư nhưng các bác sĩ sẽ có nhiều cơ hội để học tập, nâng cao tay nghề và khẳng định được thương hiệu của mình. Dẫu vậy, việc vừa qua có nhiều bác sĩ bệnh viện công xin nghỉ việc cũng là hồi chuông cảnh báo lãnh đạo các bệnh viện công cần phải thay đổi cơ chế để giữ chân cán bộ giỏi.