Vì sao chúng ta lại nói dối vào ngày Cá tháng Tư?

ANTD.VN - Đã bao giờ bạn thắc mắc, tại sao ngày 1-4 lại được chọn là ngày nói dối, và tại sao ngày này lại gọi là "Cá tháng Tư"? Hoặc hơn thế nữa, bạn muốn biết về ý nghĩa và lịch sử ngày Cá tháng Tư là như thế nào mà mọi người hưởng ứng nhiệt tình như vậy? Hãy cùng đi tìm đáp án cho những câu hỏi trên tại bài viết dưới đây.

Nguồn gốc ngày Cá tháng Tư

Cho đến tận ngày nay, nguồn gốc của ngày Cá tháng Tư vẫn còn gây tranh cãi, với nhiều dị bản khác nhau. Theo thông tin đăng tải trên báo Tuổi Trẻ, nguồn gốc của ngày nói dối là từ nước Pháp do vua Charles IX tạo ra còn khái niệm "poisson d’avril" (April fools - sự ngớ ngẩn tháng tư, trong nghĩa văn học tiếng Pháp là Cá tháng Tư) lần đầu được nhắc đến bởi nhà thơ người Pháp Eloy d'Amerval (1455-1508).

Vua Charles IX của Pháp - Ảnh: FAMOUS PEOPLE

Câu chuyện được cho xuất phát từ nước Pháp và được thừa nhận rộng rãi nhất trên thế giới như sau:

Năm 1564, vua Charles IX quyết định cải cách niên lịch, đưa ngày tết truyền thống của nước Pháp từ cuối tháng 3 trở về ngày 1-1. Trước đó, người dân Pháp thường đón mừng năm mới trong khoảng thời gian từ 25-3 đến 1-4, thời điểm bắt đầu mùa xuân vì 21-3 là ngày Xuân phân.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đón nhận hệ thống lịch mới của vua Charles. Thời điểm đó cũng chưa có nhiều phương tiện truyền tin nên một bộ phận những người dân thôn quê Pháp vẫn ăn mừng năm mới theo hệ thống lịch cũ.

Điều này khiến những người cấp tiến không hài lòng và khái niệm "ngớ ngẩn" được đặt ra dành cho những kẻ vẫn ăn tết ngày 1-4. Ngày này cũng trở thành ngày tượng trưng cho sự sai lệch thông tin.

Trong khi đó, khái niệm "poission d’avril" lại có nguồn gốc khác, lần đầu tiên được đề cập đến bởi nhà thơ d’Amerval. Và đây được xem là nguyên bản dành cho khái niệm "Cá tháng Tư". Nguyên nhân d’Amerval gọi như vậy là bởi tháng tư cũng được xem là tháng của cung song ngư với biểu tượng hai con cá quấn vào nhau.

Thêm nữa, tháng tư cũng là thời điểm những loài cá sống trong vùng nhiệt độ ôn hòa, ví dụ như cá thu, dễ bị đánh bắt nhất do đi riêng lẻ. Vì vậy, Cá tháng Tư trở thành khái niệm ám chỉ sự khù khờ.

Sau này, trẻ em châu Âu thường chọc ghẹo người khác trong ngày Cá tháng Tư bằng cách viết vài dòng chữ nhạo báng lên một con cá bằng giấy rồi tìm cách dán nó lên lưng đối tượng. Trò đùa này dần dà được phát triển "ngày nói dối".

Ý nghĩa ngày Cá tháng Tư

Vì sao chúng ta lại nói dối vào ngày Cá tháng Tư? ảnh 2

Ý nghĩa ngày Cá tháng Tư không phải ai cũng biết

Ở mỗi quốc giá, ý nghĩa của ngày này lại khác nhau, theo VTC thông tin.

Tại Anh, một trò đùa tháng tư là bất ngờ la hét "April fool!" (trò lừa hay là kẻ ngốc tháng Tư) và người nghe sẽ là "kẻ ngốc tháng Tư". Một nghiên cứu vào những năm 1950 của nhà nghiên cứu văn học dân gian Iona và Peter Opie, phát hiện ra rằng ở Anh, và ở các quốc gia có truyền thống bắt nguồn từ Vương quốc Anh, bao gồm Úc, các trò đùa chấm dứt vào buổi trưa. Một người mà đùa giỡn sau buổi trưa thì cũng tự là "kẻ ngốc".

Năm 1957, đài BBC đã lập một trò đùa, được gọi là "Mùa thu hoạch mì ống Thụy Sĩ" (Swiss Spaghetti Harvest), khi mà họ phát sóng một bộ phim giả của nông dân Thụy Sĩ đang thu hoạch mì ống (Spaghetti) tươi từ những cành cây.

BBC sau đó đã được tràn ngập bởi những yêu cầu để hỏi mua một "cây spaghetti" như thế, buộc họ phải thú nhận bộ phim là một trò đùa trong những tin tức ngày hôm sau.

Những trò đùa của ngày Cá tháng Tư có thể chỉ rất đơn giản (“bạn chưa buộc dây giày kìa”) nhưng cũng có khi gây ra hậu quả nghiêm trọng (như vặn đồng hồ của cậu bạn cùng phòng chậm tới một tiếng). Dù đùa kiểu gì, kẻ lừa gạt vẫn hoàn toàn vô tội bằng cách nói với “nạn nhân”: “Ngày Cá tháng Tư mà”.

Ở Việt Nam, ngày này cũng sớm được du nhập vào, tuy nhiên, người Việt Nam lại quen gọi ngày này là ngày nói dối, như vậy đã vô hình biến ngày Cá tháng Tư vốn là ngày nói đùa trở thành ngày nói dối.

“Đề cao cảnh giác” kẻo bạn sẽ  trở thành “con cá ngớ ngẩn”

Ngày Cá tháng Tư chỉ là một ngày vui. Đó không phải là một lễ hội để công chức được nghỉ làm và trẻ em không phải đến trường. Chỉ là một ngày vui nho nhỏ, nhưng ai cũng cần “đề cao cảnh giác” kẻo lại trở thành “con cá ngớ ngẩn” của năm nay.

Báo Đời sống & Pháp luật cho biết, một cuộc khảo sát nhỏ trên mạng Internet cho thấy số lượng người truy cập tìm hiểu về "trò đùa ngày Cá tháng Tư", "những chiêu dễ bị mắc lừa trong Ngày Cá tháng Tư" hoặc "Ngày Cá tháng Tư tại công sở" những năm gần đây đã tăng vọt. Vì vậy, hãy nêu cao tinh thần cảnh giác vào ngày hôm nay nhé, vì rất có thể bạn sẽ trở thành "đối tượng trong tầm ngắm" của ai đó.

Quả thực, mọi lời trêu đùa đều có thể xảy ra trong ngày Cá tháng Tư, miễn sao những lời trêu đùa đó không gây hại cho người khác mà chỉ đem lại tiếng cười sảng khoái để làm vơi bớt những áp lực trong cuộc sống bộn bề khó khăn hiện nay.