Vì sao chồng lấy tiền của vợ lại xử lý hình sự về tội trộm cắp tài sản?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sự việc người đàn ông lấy trộm hơn 2,3 tỷ đồng của vợ ở Quảng Nam khiến nhiều người băn khoăn ‘liệu người chồng có bị xử lý về tội trộm cắp và tiền cất trong nhà khi một trong 2 người lấy để sử dụng có phải xin phép’?

Công an tỉnh Quảng Nam đang điều tra, làm rõ vụ trộm cắp tài sản trị giá hơn 2,3 tỷ đồng xảy ra tại xã Bình Minh (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Trước đó, bà Nguyễn Thị M (SN 1970) đã trình báo bị kẻ gian đột nhập trộm cắp tài sản để trong két sắt trị giá hơn 2,3 tỷ đồng cùng nhiều trang sức có giá trị cất giữ trong phòng ngủ.

Kết quả xác minh ban đầu cho thấy, đối tượng thực hiện vụ trộm là ông Đinh Văn T (SN 1969, là chồng bà M). 2 người tuy là vợ chồng nhưng đã ly thân nhiều năm, ở cùng nhà nhưng không chung phòng.

Tương tự, cách đây không lâu, công an huyện Bình Tân (tỉnh Vĩnh Long) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam người chồng cạy két sắt, trộm tiền của vợ lúc vợ vắng nhà.

Tổng giá trị tài sản người chồng lấy được gần 500 triệu đồng, trong đó ngoài phần tiền chung của 2 vợ chồng còn có thêm phần tiền mà vợ giữ hộ mẹ ruột,

Những sự việc trên đặt ra tình huống pháp lý vợ chồng ở chung khi 1 trong 2 người lấy tiền trong nhà để sử dụng có phải xin phép người còn lại và khi nào hành vi này bị coi là trộm cắp tài sản?

Làm rõ vấn đề này, luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, với tài sản vợ chồng, pháp luật quy định có tài sản chung và tài sản riêng.

Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng…

Tang vật vụ trộm cắp tài sản trị giá hơn 2,3 tỷ đồng xảy ra tại Quảng Nam

Tang vật vụ trộm cắp tài sản trị giá hơn 2,3 tỷ đồng xảy ra tại Quảng Nam

Như vậy, với tài sản chung, hai vợ chồng có quyền quản lý, sử dụng, định đoạt ngang nhau, song về nguyên tắc tài sản chung của vợ chồng được sử dụng cho những nhu cầu của gia đình.

Nếu hai người đang có mối quan hệ vợ chồng, cả hai cùng biết nơi cất giữ tiền chung của gia đình, việc 1 người lấy tiền đi mà chưa thông báo cho người còn lại có phải là hành vi trộm cắp hay không thì phải xét thêm nhiều yếu tố khác.

Về tài sản riêng của vợ hoặc chồng, đây là tài sản có trước hôn nhân hoặc tài sản có trong thời kỳ hôn nhân do được tặng cho riêng, thừa kế riêng, có nguồn gốc từ tài sản riêng hoặc có thỏa thuận là tài sản riêng.

Tài sản riêng của ai thì sẽ do người đó quản lý, sử dụng, định đoạt. Hành vi xâm phạm trái pháp luật đến tài sản riêng của người khác sẽ bị xử lý theo quy định.

Trong các vụ việc trên, cơ quan chức năng sẽ xác định tài sản bị mất đi là chung hay riêng, quyền sử dụng tài sản của mỗi bên. Nếu đó tài sản chung vợ chồng nhưng một người sử dụng, định đoạt chưa quá 1/2 giá trị tài sản này thì không vi phạm pháp luật.

Còn nếu người vợ hoặc người chồng biết rõ tài sản đó là tài sản riêng của ngời còn lại, mình không có quyền quản lý, sử dụng, định đoạt nhưng vẫn lén lút để chiếm đoạt, sử dụng thì có thể bị xử lý hình sự về Tội trộm cắp tài sản nếu tài sản trị giá từ 2 triệu đồng trở lên.

Để tránh những rắc rối không đáng có, vợ chồng khi tiêu tiền chung cần trao đổi với nhau. Nếu một trong hai có tài sản riêng trước hôn nhân thì có thể lập văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng trước khi kết hôn – luật sư Thu khuyến cáo.