- Quen nhau tại quán Internet, hai thiếu niên trộm cắp xe máy lấy tiền chơi game
- Bắt đối tượng trộm cắp 9 chiếc điện thoại di động của du khách đi lễ, du xuân
- Khởi tố shipper gây ra hàng loạt vụ trộm cắp tài sản
Tập trung các đối tượng, ổ nhóm nghi vấn
Ngày 23-1-2023, tức Mùng 2 Tết Quý Mão 2023, Công an quận Tây Hồ đã bắt giữ đối tượng Chu Văn Dũng, SN SN 1993, trú tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội về hành vi trộm cắp tài sản.
Thời điểm bị bắt giữ, đối tượng đã móc túi, trộm cắp 1 chiếc điện thoại di động nhãn hiệu iPhone 14 Pro Max, trị giá khoảng 37.000.000 đồng của người dân khi đi lễ tại chùa Trấn Quốc. Mở rộng điều tra, Chu Văn Dũng còn khai nhận đã trộm cắp trót lọt nhiều vụ trước đó tại một số đền, chùa và phủ Tây Hồ, lấy đi 9 chiếc điện thoại di động các loại...
Đối tượng Chu Văn Dũng gây ra hàng loạt vụ trộm cắp điện thoại tại các điểm thờ tự |
Theo Chỉ huy Công an quận Tây Hồ, xác định địa bàn có nhiều đền, chùa, phủ, là những nơi tương truyền rất linh thiêng, thu hút đông đảo người dân Thủ đô và du khách thập phương đến chiêm bái, do vậy, ngay trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, đơn vị đã xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, trong đó đặc biệt nhấn mạnh nội dung phòng chống tội phạm lợi dụng những nơi đông người để trộm cắp, móc túi.
“Chúng tôi quán triệt cán bộ chiến sĩ vui xuân mới không quên nhiệm vụ, trong đó giao cho lực lượng Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an các phường tổ chức mật phục, theo dõi, nếu phát hiện đối tượng có dấu hiệu phạm tội sẽ lập tức kiểm tra, kịp thời ngăn chặn các vụ việc có thể xảy ra, không để ảnh hưởng đến tâm lý của người dân khi đi lễ lạt đầu xuân” - Thượng tá Nguyễn Hữu Khánh, Trưởng Công an quận Tây Hồ cho biết.
Tại trước cửa đền Quán Thánh, quận Ba Đình, lực lượng chức năng cũng đặt biển cảnh báo phòng ngừa tội phạm trộm cắp, móc túi |
Còn tại lễ hội chùa Hương, những ngày qua đã đón hàng vạn lượt du khách khắp nơi về dự lễ, tham quan di tích. Đây cũng là dịp để quảng bá hình ảnh, văn hóa địa phương đến với du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, song song với việc tiếp đón, Công an huyện Mỹ Đức phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự - CATP Hà Nội tuần tra, kiểm soát nhiều vòng, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ công tác, đảm bảo tuyệt đối an ninh an toàn, không để bị động bất ngờ, nhất là với các loại tội phạm trộm cắp, móc túi lợi dụng đông người để hoạt động.
“Số lượng người đổ về lễ hội chùa Hương rất đông. Trong quá trình di chuyển, nhiều người sơ hở tài sản như điện thoại, túi xách, ví tiền, rất dễ dẫn đến nguy cơ phát sinh tội phạm. Có thể phát sinh do lòng tham bộc phát, có thể các đối tượng đã lên kế hoạch chuẩn bị trước. Tinh vi hơn, các đối tượng có thể đi theo nhóm, sau khi trộm cắp liền tuồn cho đồng bọn rồi tẩu thoát khỏi hiện trường” - Chỉ huy Đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Mỹ Đức nhìn nhận.
Trên cơ sở nắm và dự báo tình hình, đơn vị cũng đã rà soát các đối tượng trong diện nghi vấn để gọi hỏi, răn đe, giáo dục. Song song với đó, các lực lượng liên tục kiểm soát địa bàn, theo dõi các đối tượng, ổ nhóm nghi vấn hoạt động trộm cắp để ngăn chặn.
Triển khai đồng loạt các biện pháp phòng ngừa
Trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô, Trung tá Lê Kim Đồng - Đội trưởng Đội phòng, chống tội phạm trên tuyến và địa bàn (Đội 5), Phòng Cảnh sát hình sự, CATP Hà Nội thông tin, trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Đội đã “rải quân” trên khắp các địa bàn, tập trung vào những khu vực trọng điểm như lễ hội chùa Hương, huyện Mỹ Đức; Lễ hội đền Cổ Loa, huyện Đông Anh; Lễ hội đền Sóc, huyện Sóc Sơn và tại các đền, chùa, phủ lớn như: Quán Thánh, Kim Liên, Bạch Mã, Voi Phục, Trấn Quốc, Quán Sứ, phủ Tây Hồ, Văn Miếu Quốc Tử Giám…
Ngoài ra, lực lượng 142, CATP Hà Nội cũng triển khai phòng chống tội phạm trộm cắp, móc túi tại các nhà ga, bến xe, sân bay… và các đầu mối giao thông. Bởi đây là những điểm tập trung đông người vào dịp Xuân về Tết đến.
Người dân nô nức kéo nhau về dự lễ hội Chùa Hương, nguy cơ phát sinh tội phạm lợi dụng trộm cắp tăng cao |
“Thời điểm hiện tại, cán bộ chiến sĩ Đội 5 hàng ngày vẫn được bố trí mật phục, theo dõi tại tất cả các khu vực, đền, chùa, miếu, phủ hay các lễ hội đang diễn ra trên toàn thành phố. Đây là nhiệm vụ trọng tâm được đơn vị đề ra, cũng là chỉ tiêu công tác phải hoàn thành” - Trung tá Lê Kim Đồng nhấn mạnh.
Trên thực tế, người dân đến những nơi thờ tự, hay các lễ hội hầu hết đều mang theo một niềm vui, niềm hứng khởi và ước nguyện, nên đôi khi quên mất việc bảo vệ tài sản của bản thân. Đa phần du khách hiện đều sử dụng các loại điện thoại di động thông minh, có giá trị, đặc biệt đi xa thường mang theo nhiều tiền, nên chỉ cần chút sơ hở là có thể trở thành “miếng mồi” ngon cho tội phạm.
Chính vì vậy, các đơn vị Công an các quận, huyện, thị xã một mặt phối hợp nghiệp vụ với Phòng CSHS, mặt khác triển khai các biện pháp phù hợp với tình hình địa bàn, trong đó tập trung vào việc tuyên truyền.
Bên cạnh các biện pháp nghiệp vụ của cơ quan công an, người dân cần tự bảo vệ tài sản của mình |
Tại các nơi tập trung đông người, công an các đơn vị cũng tổ chức tuyên truyền bằng hệ thống loa phát thanh, hoặc các biển thông báo đề nghị người dân chú ý tự bảo vệ tài sản cá nhân.
Rõ ràng, công tác phòng ngừa nghiệp vụ của lực lượng Công an là rất quan trọng, song, quan trọng hơn vẫn là ý thức cảnh giác của người dân. Nếu mỗi người tự nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ tài sản thì tội phạm khó có cơ hội hoạt động. Do vậy, bên cạnh các biện pháp, giải pháp đấu tranh, phòng chống tội phạm của Công an Hà Nội, rất cần sự phối hợp của người dân, đặc biệt khi phát hiện các vụ việc cần báo ngay cho lực lượng làm nhiệm vụ để tổ chức điều tra, bắt giữ.