Vì sao cá sấu xổng chuồng?

ANTĐ - Vừa qua, một người dân ở Khâm Thiên khi đi câu đã bắt được một con cá sấu. Ngay sau đó, chủ một hồ câu trên địa bàn quận Hoàng Mai cho biết, con cá sấu đó xổng từ hồ câu nhà mình. Được biết, lực lượng kiểm lâm Hà Nội chưa từng cấp phép nuôi cá sấu cho hộ dân nào ở đây.

Nuôi nhốt cá sấu không đăng ký là vi phạm

Bắt được cá sấu trong phố

Cụ thể, vào trưa 11-10, anh Phạm Quốc Cường, ở Khâm Thiên, đi câu tại một mương nước ở Đại Đồng, Hoàng Mai đã bắt được một con cá sấu dài khoảng 1m. Ngay sau đó, anh Cường đã đưa con cá sấu này về nhà nuôi.

Đến ngày 13-10, chủ hồ câu Viễn Thổ trên địa bàn phường Lĩnh Nam  (Hoàng Mai) ông Dương Văn Viễn xác nhận con cá sấu đó thuộc hồ câu của mình bị xổng ra. Theo ông Viễn, từ hơn một năm nay, ông mua 30 con cá sấu giống Cu Ba, Indonesia và Thái Lan từ một trang trại ở Hưng Yên. Hiện ông nuôi nhốt chúng trong lồng sắt. Đến giờ con bé nhất cũng 7-8kg, con to ngoài 20kg. Thức ăn chủ yếu là cá biển, các loại thịt động vật, phổi lợn. Ông Viễn cho rằng, ông nuôi cá sấu để làm cảnh, cho du khách đến tham quan chứ không vì mục đích thương mại.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô chiều 14-10, ông Đặng Đình Phúc, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm Hà Nội khẳng định, phía Chi cục chưa cấp phép cho hộ dân nào trên địa bàn quận Hoàng Mai nuôi nhốt cá sấu. Như vậy, ông Phúc cho biết, việc nuôi nhốt cá sấu của ông Viễn là vi phạm quy định của pháp luật về nuôi, nhốt các loài động vật hoang dã, nguy hiểm. Theo đó, Chi cục Kiểm lâm đã làm việc với anh Cường, thu giữ cá thể cá sấu giao cho Vườn thú Hà Nội nuôi nhốt. Ngoài ra, đơn vị này cũng làm việc với ông Viễn.

Được biết, hồ câu của gia đình ông Viễn có nuôi nhốt 30 cá thể cá sấu, song đến thời điểm này chỉ còn lại 20 con, 9 con đã bị chết, 1 con vừa xổng chuồng và bị bắt. “Ông Viễn đã cung cấp hồ sơ, giấy tờ liên quan đến việc nhập số cá sấu đang nuôi nhốt. Chúng tôi sẽ kiểm tra, đối chứng và có kết luận trong tuần tới”, ông Phúc nói. Còn tại thời điểm này, do hồ sơ, giấy tờ chưa đầy đủ, chưa kiểm chứng với thực tế nên phía Chi cục Kiểm lâm chưa có quyết định gì về số phận của 20 con cá sấu còn lại. Song, theo ông Phúc, nếu số cá sấu gia đình ông Viễn đang nuôi nhốt có giấy tờ, nguồn gốc hợp lệ thì sẽ căn cứ theo luật pháp để xử lý, đồng thời yêu cầu gia đình ông Viễn phải đăng ký nuôi nhốt với Chi cục Kiểm lâm.


Quản lý động vật nguy hiểm bị thả lỏng

Tương tự, không riêng cá sấu, với các loài động vật hoang dã đã được quy định trong luật pháp như gấu, hổ, rắn… nếu cá nhân nào muốn nuôi nhốt phải có đăng ký với Chi cục Kiểm lâm để quản lý, giám sát. Trong trường hợp, nếu chủ trang trại không đảm bảo về chuồng trại dẫn đến vật xổng ra ngoài tự nhiên, gây nguy hiểm thì tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định.

Liên quan đến việc nuôi cá sấu và quản lý động vật nguy hiểm trên địa bàn TP, ông Lê Minh Tuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cho biết, hiện trên địa bàn TP có 21 cơ sở đăng ký nuôi nhốt cá sấu. “Để quản lý, giám sát, các cơ sở nếu muốn nuôi nhốt phải đến các Hạt kiểm lâm quận, huyện đăng ký cơ sở trại nuôi. Nếu đủ điều kiện, Hạt kiểm lâm sẽ cấp phép, đồng thời, có sổ sách theo dõi riêng như việc sinh đẻ, ốm đau, chết… và có phương án xử lý”, ông Tuyên cho biết.

Trong một diễn biến khác, ông Viễn cho biết, hiện ở các đầm, hồ xung quanh hồ câu nhà ông, vẫn còn 2 cá thể cá sấu xổng từ hồ nuôi của gia đình. Trước thông tin này, ông Phúc cho biết, sẽ cho người kiểm tra, rà soát để tìm hai cá thể cá sấu trên.

Có thể thấy, việc quản lý vấn đề nuôi nhốt động vật hoang dã nguy hiểm đang có phần bị buông lỏng, đặc biệt là những động vật có thể gây nguy hiểm cho người như cá sấu.