Vé xe buýt: Tăng giá tùy theo cự ly tuyến

ANTĐ - Theo đề xuất mới nhất của liên ngành thành phố, giá vé xe buýt tại Hà Nội sắp tới sẽ tăng từ 40-80%, tùy theo đối tượng và cự ly. Liên ngành cho rằng, việc tăng giá là không tránh khỏi vì chi phí vận hành bình quân cho 1km của xe buýt trong hơn 6 năm qua đã tăng 312%.

Mạng lưới xe buýt đang rất cần mở rộng nâng cao chất lượng phục vụ

Người dân muốn tiếp cận xe buýt dễ hơn

Theo thống kê của Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco), sau 10 năm (2001-2011), luồng tuyến xe buýt tăng 2,4 lần, lượng xe tăng 4 lần và khách đi xe buýt tăng trên 30 lần, từ 15 triệu năm 2001 lên trên 400 triệu khách năm 2011. Tuy nhiên, ở thời điểm này, công suất khai thác đã đến giới hạn. Năm 2001, bình quân 1 xe buýt chỉ vận chuyển 119 khách/ngày thì năm 2011 đã lên tới 1.152 khách/ngày và đã chạm ngưỡng tối đa. Hệ số sử dụng sức chứa bình quân toàn mạng đạt 80%. Đây là mức rất cao. Song, vào giờ cao điểm, hệ số sử dụng sức chứa của xe buýt càng cao hơn, bình quân là 140%, đặc biệt ở các tuyến trục hành lang lên gần 200%.

Kết quả điều tra xã hội học gần đây cho biết, nhiều người cho rằng, giá vé xe buýt hiện nay là quá rẻ. 26% số người được hỏi đánh giá chất lượng dịch vụ xe buýt là tốt; 65% đánh giá bình thường, 8% đánh giá kém và 1% đánh giá là rất kém. 

Cũng theo Transerco, mạng lưới giao thông hiện nay luôn  quá tải, thời gian chuyến đi kéo dài, chất lượng dịch vụ bị ảnh hưởng, nhất là trong giờ cao điểm. Do tần suất phục vụ của nhiều tuyến trong giờ cao điểm còn thấp nên khách thường phải chờ đợi lâu. Cũng  trong khung giờ cao điểm, khách tăng đột biến gấp 1,5-2 lần sức chứa của xe nên hành khách bức xúc vì phải chen lấn. Đã vậy, hạ tầng dành cho xe buýt lại thiếu và yếu, nhiều khu vực người dân khó tiếp cận với xe buýt và có khu vực còn trắng về xe buýt. Theo điều tra khảo sát của Transerco, 38% khách đi xe buýt hiện nay phải đi bộ trên 500m để đến điểm dừng xe buýt.

Liên quan tới giá vé xe buýt, Transerco cho biết, từ năm 2005 đến nay, Hà Nội chưa điều chỉnh giá vé xe buýt trong khi giá đầu vào đều tăng cao. Cụ thể, giá xe buýt lớn từ 800 triệu đồng đã tăng thành 2,5 tỷ đồng, gấp trên 3 lần. Nhiên liệu từ 4.850 đồng/lít tăng lên 21.600 đồng/lít, gấp trên 4 lần. Tiền lương tối thiểu từ 350 nghìn đồng lên 1.050.000 đồng, tăng gấp 3 lần. Giá vật tư, phụ tùng sửa chữa xe tăng bình quân gấp 3 lần... Tính chung lại, chi phí vận hành bình quân cho 1km của xe buýt tăng 312%, dẫn đến trợ giá hàng năm của thành phố cho xe buýt cũng tăng cao. Trong khi đó, cũng theo Transerco, về GDP bình quân đầu người của Hà Nội năm 2011 đã tăng trên 1,7 lần so với năm 2005 nên khả năng chi trả của khách đi xe buýt cũng cao hơn so với thời điểm 2005. Bởi vậy việc điều chỉnh tăng giá vé xe buýt ở thời điểm này ít ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội.

Tăng giá - nâng chất lượng phục vụ

Từ những lý do trên, Transerco cho rằng, việc điều chỉnh tăng giá vé xe buýt là cần thiết để đảm bảo trợ giá cho xe buýt của thành phố ở mức hợp lý và có điều kiện mở rộng vùng phục vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt. Theo đề xuất của liên ngành thành phố (các Sở GT-VT, KH-ĐT, Tài chính), giá vé xe buýt ở tất cả các loại sắp tới đều tăng mạnh. Cụ thể, đối với vé lượt, giá tăng từ 2.000 đồng - 3.000 đồng, tương đương 40 đến 75%, tùy theo cự ly tuyến. Đối với vé tháng, mức tăng  từ 20.000 đồng tới 65.000 đồng/tháng, tương đương 80%, tùy theo đối tượng và loại tuyến (1 tuyến hoặc liên tuyến). 

Transerco cho rằng, giá vé xe buýt sau điều chỉnh với tỷ lệ phần trăm chi phí cho đi lại của người dân so với thu nhập năm 2010 là tương đương năm 2006, thậm chí, giảm hơn và phù hợp với thu nhập của khách đi xe buýt thường xuyên. Sau khi điều chỉnh tăng giá vé, nếu lượng khách đi xe buýt không bị giảm, sẽ giảm được trợ giá trên 280 tỷ đồng/năm. Trường hợp từ 1-3 tháng đầu, nếu khách đi xe buýt có bị giảm và sau đó ổn định trở lại thì tối thiểu trợ giá của thành phổ cũng sẽ giảm được trên 224 tỷ đồng/năm.

Đồng thời với kiến nghị thành phố sớm phê duyệt phương án điều chỉnh tăng giá vé xe buýt như liên ngành đề xuất, Transerco khẳng định, đi đôi với việc điều chỉnh tăng giá vé xe buýt, mạng lưới sẽ tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, góp phần thực hiện mục tiêu hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân của thành phố.