Về cõi đất thiêng

ANTĐ - Tháng 4 này, trong đợt công tác miền Trung của Hội Mỹ thuật, tôi lại có dịp qua Quảng Trị, miền đất thiêng.

Cứ mỗi lần qua dòng sông Thạch Hãn, tôi lại như thấy lũ bạn thuở thiếu thời bay qua bay lại, cả thằng sống lẫn thằng chết: Hoàng Tích Minh, Hoàng Thượng Lân, Hồ Nia, Lê Minh Trịnh, Trần Luân Tín, Phạm Mai Châu, Trần Lê An, Nguyễn Hải Nghiêm… với trang phục đầy đủ của quân giải phóng, mũ tai bèo, thắt xanh tuya rông cài dao găm, AK47 cắp nách, dép cao su… Có lẽ mãi mãi những hình bóng ấy sẽ không bao giờ dứt khỏi lòng tôi!

Thạch Hãn xa xưa còn gọi là Thạch Hàn, tương truyền quãng sông gần Thành cổ có mạch đá ngầm phun nước lạnh và thanh sạch! Dài 155 km, rộng khoảng 200m mùa nước lên, nhưng lúc cạn có quãng lội qua được. Đầu nguồn có tên là Đăkrông, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn và thoát ra biển nơi Cửa Việt. Cửa Việt năm nay nắng, nước vẫn xanh ngăn ngắt như thuở nào nhấn chìm bao xe tăng M48, M41 của địch vào giờ phút giao thời ký Hiệp định Paris. Nhìn dòng nước cuối nguồn lao ra biển Đông, cứ như nó mang anh em mình đi đâu đó, biệt tăm. 

Nhớ năm ngoái, một trong nhiều lễ cầu siêu tổ chức dịp 27-7, đạo diễn Lê Hùng được mời làm trưởng ban, đang bận rộn ngược xuôi bài binh bố trận thì cô biên tập viên lăn đùng ra… nói: “Chúng tôi về đây hơn chục người, tôi tên Bình, trung đội trưởng… Mà làm gì có quần áo chỉnh tề như thế, chỉ có quần đùi, súng đạn với phao nilon thôi…”. Lê Hùng hỏi: Đồng chí hút thuốc không? Trả lời: Có! Đạo diễn lại hỏi: Uống rượu không? Trả lời : Có… Sau cốc rượu trắng lớn, cô biên tập viên xỉu đi… Những chuyện như trên làm tôi day dứt, đa số anh em mình vào trận chỉ độ tuổi 18, 20… Nhiều người chưa biết đến nụ hôn đầu đời, theo giải thích của nhiều nhà ngoại cảm, khi “ra đi” họ chưa được chuẩn bị tốt cho sự chết! Người đời rất nên tổ chức các lễ cầu siêu để các vong có dịp giải thoát. Họ “hiểu” tất cả và thông qua sự hiểu của họ, chúng ta cũng sẽ nhẹ lòng hơn! Nhìn những hộp carton chứa quần áo mũ mãng để “hóa” cho các anh, nhìn những tượng đài, đài tưởng niệm dành cho các anh, tôi cảm nhận được tấm lòng tri ân của những người được sống. Có lần Đào Chí Thành (sinh viên, cựu chiến binh sư đoàn 325) nói với tôi: “Mình cảm thấy bọn mình còn sống là một điều vô lý!”… Chúng tôi cũng vậy, thấy “Không chết là lãi quá rồi…”     

Năm nay, vào dịp 30-4, lại một sự kiện gây chấn động miền đất thiêng này. Họa sỹ trẻ Trần Nhật Thăng tổ chức triển lãm tại chính Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn nhân dịp nơi đây tổ chức lễ đón pho tượng bằng ngọc quí Phật Hoàng Trần Nhân Tông… Triển lãm dự tính trưng bày trong một ngày một đêm, xong rồi “hóa” đi cho các liệt sỹ… Thật là một ý tưởng độc đáo và tâm linh. Cuộc triển lãm đã nhận được sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo Bộ và tỉnh Quảng Trị!

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, “hóa” tranh là cách tốt và nhanh nhất tới các liệt sỹ… Các nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền, Thượng tọa Thích Minh Thành, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi… và nhiều nhà văn hóa nổi tiếng khác cũng rất khích lệ. Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và triển lãm( Bộ Văn Hóa - Thể thao và Du lịch) họa sỹ Vi Kiến Thành rất tâm đắc: “Đây là một ý tưởng độc đáo, có  tâm và rất nên ủng hộ”. Ngay lập tức, ông gửi công văn vào  Quảng Trị và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các cấp lãnh đạo địa phương! Các họa sỹ trẻ “hành quân” vào Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn đem theo 99 bức tranh của các họa sỹ, nhà điêu khắc, nhiếp ảnh gia toàn quốc gửi tới… Các anh làm lễ xin phép cẩn thận trước khi treo tranh lên các gốc cây quanh Nghĩa trang… Đến tối, cả đoàn du ca hát các bài ca cách mạng dần dần tụ quanh khu liệt sỹ vô danh, và cũng chính tại khu mộ này, hôm sau các anh tổ chức một lễ hóa tác phẩm xếp đặt của nhà điêu khắc Trần Hoàng Cơ là một con ngựa giấy khá to cùng với nhiều xấp tiền vàng trên có dòng chữ “Quyết định xuất ngũ” của họa sỹ Trần Lê Nam. Ý tưởng này Nam lấy từ ước mơ của những người lính năm xưa muốn chiến tranh kết thúc được trở về nhà. Trần Nhật Thăng dòng hai dải băng trắng từ mồm ngựa ra tấm bia liệt sỹ vô danh. Ngọn lửa bùng lên, con ngựa rừng rực cháy trong thế thăng thiên như phấn khởi mang ước nguyện của những người lính vô danh sớm được trở về với người thân. 

Triển lãm dành 27 bức cho Phòng trưng bày Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn, 12 bức tặng Giáo Hội Phật giáo Quảng Trị. Còn lại 60 bức “hóa” cho các liệt sỹ… Đêm 7-4 các liệt sỹ khắp mọi miền Tổ quốc “bay” về thưởng thức mỹ thuật tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, làm an lòng bao trái tim những người đang sống trên dải đất hình chữ S này. Tôi với tư cách là một cựu chiến binh cũng đóng góp 4 bức tranh như gửi những nén nhang thơm tới các liệt sỹ. Chỉ hôm sau, tôi lại hành quân qua miền đất thân yêu đó,  lòng cứ miên man nghĩ về thế hệ trẻ, thế hệ mà thoáng qua bị ngập tràn bởi những fan cuồng, những đắm chìm mê man bạc tiền chụp giật,  những thụ hưởng  vô tâm, những cướp giật và thác loạn… Rồi bình tâm nghĩ lại với những tấm lòng trai trẻ hướng tới Trường Sa, tới những triển lãm hội họa tại  Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, tôi lại miên man nghĩ, một dân tộc đầy tự trọng không dễ bị đánh bại!...

Xe chạy qua dòng Thạch Hãn, Bến Vượt kia rồi, nơi ấy bao anh em vượt sông không bao giờ trở lại. Đại lễ cầu siêu năm ngoái, 30 vị sư cùng đồng thanh tụng bài kinh cầu hồn cho tất cả các vong hồn trong cuộc chiến này… Đúng lúc đó, một luồng khí trắng bay vọt qua bàn thờ bốc thẳng lên trời cao, vòng hoa mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các liệt sỹ đã bỏ mình vì nước” của một vị lãnh đạo thả trên dòng Thạch Hãn đang trôi từ từ ra biển Đông bỗng quay trở lại, dạt vào quẩn quanh nơi Bến Vượt! Lòng bỗng nhớ tới lời một nhà ngoại cảm nói lúc chiều hôm đó: “Dưới lòng sông còn 3782 hài cốt chưa  được an táng…”. Trong tiếng tụng kinh trầm hùng của 30 nhà sư,  trong gió chiều ào ạt thổi, bỗng thấy sự hy sinh của đồng đội năm nào thật không gì so sánh nổi. Chiến thắng oanh liệt thật! Xe tăng húc tung cổng sắt, non sông liền một dải… Hàng ngàn chiến sĩ đã khuất, lại thấy trách nhiệm của những người còn sống!