Vào mùa “vặt” sĩ tử

(ANTĐ) - Cứ đến mùa thi tuyển sinh đại học nỗi lo thường trực về nơi ăn, chỗ ở của các “sĩ tử” và người nhà, lại hâm nóng cơn “sốt” nhà trọ.
Đây không chỉ là dịp chủ các nhà trọ tăng giá tiền thuê phòng mà còn là dịp các “cò” nhà trọ được mùa làm ăn.
Vào mùa “vặt” sĩ tử ảnh 1
Phòng trọ ồ ạt tăng giá So với thời điểm cách đây vài tháng, giá nhà trọ ở các khu vực xung quanh các trường đại học đều tăng từ 20% đến 40%. Một số chủ nhà còn mở hàng loạt các dịch vụ ăn theo mùa thi. Ngay cuối tháng 5, nhiều chủ nhà trọ đã lên kế hoạch thu hồi tất cả các phòng cho sinh viên thuê trước đó để cho các thí sinh dự thi vào đại học thuê với giá cao hơn. Không chỉ các khu trung tâm tập trung các trường đại học giá phòng mới tăng cao mà ngay cả một số khu như: Mỹ Đình, Nhổn, Cổ Nhuế, Nguyễn Trãi… cũng trong tình trạng “sốt” phòng trọ. Trong vai một thí sinh ngoại tỉnh đi tìm nhà trọ, tôi được một phụ nữ bán hàng nước gần trường Cao đẳng Sư phạm đon đả: “Có muốn thuê nhà trọ không cháu, cô có mấy chỗ được lắm, muốn đi xem không”. Không cần tôi trả lời, người phụ nữ bắt đầu quảng cáo: “Nếu cháu muốn thuê thì cô dẫn đi xem, cô đang có vài chỗ khá tốt giá từ 1 triệu đến 1,8 triệu đồng”. Thấy tôi có vẻ lưỡng lự, người phụ nữ liền mồi thêm: “Mùa này chỗ nào cũng tăng giá, chỗ cô sắp giới thiệu cho cháu còn không tăng điện nước, chứ nhiều chỗ, tiền phòng tăng, tiền điện, tiền nước cũng tăng theo. Cháu may mắn đến đúng lúc chứ không còn phòng trống. Nhiều người còn đặt tiền trước mà còn chưa tìm được phòng trọ đấy…”. Vừa lúc đó, có mấy bạn thí sinh ngoại tỉnh đến hỏi thăm, người phụ nữ này như quên bẵng sự có mặt của tôi, và lại thao thao quảng cáo như những gì vừa nói với tôi mấy phút trước. “Cò” được dịp tung hoành Vào thời điểm này, tại hầu hết những nơi gần cổng trường đại học biển quảng cáo “Cho thuê phòng trọ giá rẻ”, kèm theo số điện thoại liên hệ dựng nhan nhản ven đường. Hai bố con bác Nguyễn Xuân Tú, ở huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc buồn rầu kể lại: “Hai tuần trước, vừa chân ướt, chân ráo lên Hà Nội, bố con tôi liền vội vã đi tìm thuê phòng trọ để cháu sớm ổn định chỗ ở. Thấy tờ quảng cáo dán ngay gần khu vực trường Đại học KHXH&NV, tiện với chỗ ôn thi của cháu nên chúng tôi gọi điện đến số máy ghi trên tờ quảng cáo. Một người có tên H cho biết, họ có phòng trọ rộng rãi, thoáng mát, giá cả phải chăng. Mừng quá, tôi lập tức đến xem phòng, đồng ý đặt cọc, ký hợp đồng với người đàn ông này. Đến lúc quay lại nhận phòng, tôi mới ngã ngửa phòng đó đã có người ở, ông chủ nhà cũng không biết người nào tên H. Còn bố con tôi bị cướp không 300 nghìn đồng tiền đặt cọc”. Không chỉ “phủ sóng” ở các khu vực gần các trường đại học, các “cò mồi” còn rải rác tại các bến xe như: Giáp Bát, Lương Yên, Long Biên... hễ thấy bóng dáng “lơ ngơ” của các “sĩ tử” là lập tức đội ngũ “xe ôm” sẽ bám riết nhiệt tình: “Đi “xe ôm” bác chở đến chỗ có cho thuê phòng trọ luôn cho”. Nếu chấp nhận lên xe thì đương nhiên ngoài tiền “xe ôm”, thí sinh phải trả thêm khoản phí môi giới nhà trọ. Nhưng cũng không mấy người tìm được nhà trọ ưng ý theo cách này. Bạn Vũ Thu Thuỷ, quê ở Quảng Xương, Thanh Hoá tâm sự: “Lần đầu ra Hà Nội, lại không có người quen, em nhờ bác “xe ôm” chở đến khu vực gần trường Đại học Kiến trúc để tìm chỗ thuê nhà trọ. Sau một lúc hỏi han, bác ấy nói biết một chỗ chuyên cho sinh viên thuê gần đó. Chạy lòng vòng hơn 1 giờ đồng hồ mà không tìm được nhà trọ nào ra hồn, em đành phải trả tiền “xe ôm” lẫn tiền đưa đi xem nhà mất 200.000 đồng”. Do các trường thường thuê địa điểm thi ở nhiều nơi khác nhau, có thể là các trường tiểu học, THCS… ở trong ngõ ngách hay các khu vực khó tìm. Bên cạnh đó việc tìm nhà trọ cho các thí sinh trong thời gian dự thi cũng là vấn đề nan giải nếu thí sinh muốn vừa ở gần nơi thi, vừa không bị tắc đường và đảm bảo cả về an ninh an toàn trong thời gian ở trọ. Tuy nhiên, đa số đều chấp nhận vất vả do các chủ nhà trọ tận dụng không gian, thí sinh bị xếp lớp như “cá mòi đóng hộp” nhưng vẫn phải chấp nhận vì muốn đảm bảo giờ thi. “Với một căn nhà bình thường đã chật, chủ nhà chỉ cần dẹp gọn bàn ghế, mua chiếu nhựa, lắp thêm vài bóng đèn cho sáng là có thể cho thí sinh thuê trọ”, bạn Trần Hoàng Tùng cho biết. Để đảm bảo, các bậc phụ huynh có thể liên hệ với người quen nhờ tìm giúp phòng trọ. Bên cạnh đó, một số trường đại học cũng có chỗ trong ký túc xá cho thí sinh đi thi. Chính vì thế phụ huynh có thể liên hệ với các địa điểm này để được tư vấn và giúp đỡ. Nếu thông qua dịch vụ thì phải đến thẳng trung tâm, để ký hợp đồng  với đầy đủ các thông tin về tên, địa chỉ, số điện thoại. Tuyệt đối không được đưa tiền khi chưa giao nhận phòng, tránh gặp phải những “cò mồi” vừa mất tiền oan, vừa chuốc lấy sự bực mình.