Văn hóa, giá rất đắt

ANTĐ - Lâu nay ông có hay đi xe buýt không?

- Năm ngoái có “trót dại” bước lên một đôi lần, thật khủng khiếp! Đúng như người ta nói “hung thần xa lộ”. Từ đó tôi cạch đến già, thà ôm eo… “xe ôm” còn thấy mạng mình… có giá. 

- Ông lại mắc bệnh “thù dai, nhớ lâu”. Dạo này khác lắm rồi, đến tôi cũng phải trợn tròn mắt không tin nổi lái phụ xe nói năng, đối xử với mình cứ như ở khách sạn 5 sao.

- Chắc là lái xe đó “trông gà hóa cuốc”, tưởng nhầm ông là “quan” vi hành nên mới đột nhiên tử tế, văn hóa thế. 

- Nhiều người đã tận mắt chứng kiến lái phụ xe buýt nhặt được của rơi trả người bị mất, rồi dìu dắt cả trẻ con, cụ già lên xe, tận tình chu đáo hơn cả… tiếp viên hàng không.

- Những chuyện đó được gọi là “hành động đẹp” nhưng thực ra là chuyện đương nhiên, bình thường, đến trẻ con cũng được dạy phải như thế. Chỉ có điều lâu nay người ta “đánh rơi” văn hóa, nên đâu đâu cũng phải kêu gọi: văn hóa công sở, văn hóa tiếp dân, văn hóa đường phố, văn hóa giao thông…

- Từ lâu văn hóa trở nên một thứ “quý hiếm”, nên một hành động có văn hóa bỗng thành khác thường. Chẳng hạn vào công sở, thấy cán bộ mỉm cười, lễ phép, tự nhiên tôi cảm thấy… nghi ngờ, lúng túng, bối rối. 

- Người ta bảo vật chất, tiền của lên thì văn hóa xuống, cho nên văn hóa có giá rất đắt, lắm “đô” nhiều đất cũng không mua nổi. 

- “Gốc cây” văn hóa phải vun trồng, chăm bẵm mấy đời mới thu được quả chín.