Văn bản nhiều, lạm thu chưa giảm

ANTĐ - Ngày 28-9, UBTVQH đã nghe và góp ý cho Báo cáo của Ban Dân nguyện về công tác tiếp dân và xử lý khiếu nại tố cáo của công dân năm 2011. UBTVQH cũng đã xem xét Báo cáo giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 và thứ 9 của QH khóa XII.

Các khoảng thu đầu năm học luôn là mối quan tâm đặc biệt của phụ huynh

Cử tri bức xúc vì lạm thu ở các trường

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cho biết, cử tri ở nhiều địa phương kiến nghị về việc các cơ sở giáo dục thu nhiều khoản đóng góp khác ngoài học phí, lệ phí tuyển sinh, không đúng quy định của pháp luật. Một số vướng mắc và việc chậm thực hiện chế độ miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập đối với người học theo quy định tại Nghị quyết số 35/2009/NQ-QH12 của Quốc hội cũng được nhiều cử tri kiến nghị. Báo cáo nhận định: “Bộ GD-ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó đề ra nhiều biện pháp nhằm chấn chỉnh, ngăn chặn nhưng tình trạng lạm thu vẫn chưa giảm”. Đáng lưu ý là khoản đóng góp kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, cho đến nay chưa có địa phương nào quy định mức thu cụ thể. Trên thực tế, ở nhiều địa phương, mức thu kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lại cao hơn gấp nhiều lần so với mức thu học phí.

Một nghịch lý cần quan tâm, theo Báo cáo, là trong khi các đối tượng chính sách như học sinh dân tộc thiểu số, sinh viên con gia đình hộ nghèo ở nhiều vùng trong cả nước… chưa được giải quyết miễn học phí, hỗ trợ chi phí học tập thì vẫn có những học sinh là con hộ gia đình khá giả, có thu nhập cao hơn nhưng vì có hộ khẩu thường trú ở địa bàn nêu trên lại được miễn, giảm học phí.

Bên cạnh đó, qua nhiều kỳ họp, cử tri ở nhiều địa phương tiếp tục kiến nghị xem xét lại việc quản lý, điều hành giá xăng dầu, trong đó có Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Dư luận xã hội vẫn còn nhiều bức xúc cho rằng việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu không công khai, minh bạch...

Ban Dân nguyện đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền tiến hành tổng kết thực tiễn việc thu chi học phí, lệ phí tuyển sinh và các khoản đóng góp khác ngoài học phí, trên cơ sở đó nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục. Việc lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng được Ban Dân nguyện yêu cầu Chính phủ báo cáo Quốc hội để Quốc hội xem xét, ra Nghị quyết về việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

Nhiều ý tưởng luật mới

Chiều cùng ngày, UBTVQH đã xem xét, cho ý kiến về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH nhiệm kỳ khóa XIII. Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII (2011 - 2016) gồm tổng số 115 dự án (03 Bộ luật, 104 luật, 01 nghị quyết của Quốc hội, 06 pháp lệnh và 01 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, một điểm mới đáng lưu ý trong công tác này là đã có một số ĐBQH độc lập đề nghị xây dựng dự án luật. Trong đó, bà Đặng Thị Hoàng Yến, ĐBQH tỉnh Long An đề nghị xây dựng một dự án luật có tên gọi là “Luật Bảo vệ quyền riêng tư”. Một ĐBQH khác, ông Nguyễn Minh Hồng (ĐBQH tỉnh Nghệ An) đề nghị xây dựng Luật Nhà văn. Tại kỳ họp thứ nhất, khi phát biểu tại hội trường, một số ĐBQH đề nghị xây dựng dự án Luật về Hội, Luật Trưng cầu dân ý…

Tuy nhiên, các dự án luật trên tới nay vẫn chưa có hồ sơ đầy đủ, chưa trình Chính phủ cho ý kiến theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị UBTVQH yêu cầu các cơ quan, cá nhân liên quan tiếp tục chuẩn bị hồ sơ theo quy định và trình Quốc hội xem xét, quyết định khi có đủ điều kiện cần thiết.