Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Có trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để tham nhũng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, kết quả công tác phòng ngừa tham nhũng còn hạn chế nhất định; có liên kết giữa doanh nghiệp với người có chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản. Có trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để thực hiện hành vi tham nhũng...

Nợ đọng xây dựng cơ bản năm 2020 là trên 9.900 tỷ đồng

Trong Báo cáo thẩm tra, Uỷ ban Kinh tế nhất trí với nhiều nội dung theo Báo cáo của Chính phủ. Sau 4 năm đầu thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu kế hoạch, năm 2020 dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã tác động nghiêm trọng đến phát triển KTXH.

Tuy vậy, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, năm 2020 vừa tập trung phòng, chống dịch, vừa duy trì, phục hồi và phát triển KTXH; về tổng thể giai đoạn 5 năm 2016 - 2020 đã đạt những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật.

Tốc độ tăng GDP giai đoạn 2016 - 2019 đạt khá cao, bình quân 6,78%/ năm. Năm 2020 Việt Nam là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng dương.

Thu NSNN vượt kế hoạch; thu nội địa tích cực hơn, bằng khoảng 81,6% tổng thu bội chi ngân sách, các chỉ tiêu an toàn nợ được quản lý, kiểm soát; Kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt kỷ lục, tăng 1,7 lần; xuất siêu 5 năm liên tiếp.

Dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế năm 2020 (ảnh minh họa)

Dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế năm 2020 (ảnh minh họa)

Tuy vậy, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng chưa có bứt phá lớn, một số chỉ tiêu không đạt, như: GDP bình quân năm; GDP bình quân đầu người; Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP; Tỷ lệ lao động qua đào tạo; Giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân.

Thu NSNN chưa bền vững, số vượt thu chủ yếu là các khoản thu từ vốn và thu từ đất đai, cơ cấu thu chưa đạt theo kế hoạch, công tác kê khai, quản lý thuế đối với hộ kinh doanh vẫn còn hạn chế.

Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản chưa được xử lý dứt điểm. Đến hết năm 2020, số nợ đọng còn lại là 9.923 tỷ đồng. Một số đơn vị còn nợ đọng lớn như Bộ Giao thông vận tải, Ninh Bình, Lạng Sơn, Phú Thọ.

Về phòng, chống tham nhũng, kết quả công tác phòng ngừa tham nhũng còn hạn chế nhất định; có liên kết giữa doanh nghiệp với người có chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản; có trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để thực hiện hành vi tham nhũng...

Tiếp tục xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng

Về nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT - XH 5 năm 2021 - 2025, cơ bản đồng tình với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như đã nêu trong Báo cáo, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quán triệt bám sát Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đồng thời, quan tâm một số nội dung:

Quy định cụ thể thời hạn, lộ trình thực hiện để phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng như các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia; xử lý dứt điểm cơ cấu lại các ngân hàng mua bắt buộc, ngân hàng yếu kém; thực hiện tăng vốn điều lệ cho các NHTM Nhà nước; xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương, các dự án đầu tư hạ tầng thuộc ngành giao thông, đường sắt đô thị…

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển; thực hiện 3 đột phá chiến lược; hoàn thiện hệ thống pháp luật; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; khắc phục triệt để việc nợ đọng văn bản; cắt giảm mạnh chi thường xuyên, nhất là chi hành chính.

Xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản; cơ cấu lại nợ, xử lý nợ xấu phát sinh từ các dự án BOT, BT giao thông. Xây dựng khung chính sách, pháp luật hướng tới chính phủ số; đưa vào khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia.

Tập trung nguồn lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống dịch, đẩy nhanh thực hiện, triển khai chiến lược vắc-xin; Đổi mới mạnh mẽ lề lối, phương thức làm việc các cơ quan hành chính Nhà nước; xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng; ngăn chặn các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà người dân và doanh nghiệp.