Ước mong cứu người của lương y bốc thuốc bằng... thơ

ANTĐ - Từ cổ chí kim sách về thuốc và cách chữa bệnh bằng Đông, Nam y thì đã nhiều nhưng viết bằng thơ thì đúng là xưa nay hiếm. Ấy vậy mà với 2 tập “Diễn ca thuốc Nam chữa bệnh từ Cố đô Hoa Lư” - Lương y Nguyễn Hoán (SN 1951), ở phường Nam Bình, TP Ninh Bình đã chứng minh sự thống nhất, hòa quyện giữa thuốc và thơ là hoàn toàn có thể. 
Ước mong cứu người của lương y bốc thuốc bằng... thơ ảnh 1

Mong ước chữa bệnh, cứu người 

Sinh ra ở một vùng quê nghèo miền núi thuộc huyện Nho Quan, vùng quê được thiên nhiên ban tặng nguồn Nam dược dồi dào, phong phú, đặc biệt có ông nội làm nghề dạy học và làm nghề thuốc, Nguyễn Hoán đã sớm ý thức được giá trị lớn lao của thuốc Nam, sớm gắn bó với ngành Y. Năm 17 tuổi, ông theo học tại Trường Y sĩ Nam Định, ra trường, năm 1969 tình nguyện lên đường nhập ngũ và đi chiến trường. Sau những năm tháng chiến đấu gian khổ, ngày đất nước giải phóng ông Nguyễn Hoán lại quay về với nghề mình đã chọn năm xưa đó là chữa bệnh, cứu người. Trải qua nhiều cương vị, nhiều cơ quan, tổ chức y tế trong tỉnh Ninh Bình đến ngày về hưu nhưng ông không cho phép bản thân mình nghỉ ngơi. Ông Nguyễn Hoán bộc bạch: “Đâu cứ phải làm bác sỹ ở bệnh viện này, trạm xá kia mới cứu được người. Mà người bệnh thì có bao giờ hết đâu, không nặng thì nhẹ, người dân nước mình thường phải bệnh nặng lắm mới chịu đưa đi viện chứ mấy bệnh như ho, sốt, đi ngoài... rất coi thường. Mà bản chất những bệnh đó hay có những biến chứng khó lường. Chính vì thế mà dù nghỉ hưu nhưng tôi vẫn muốn tìm cách nào đó giúp người bệnh tự biết chăm sóc bản thân mình và gia đình”. 

Bắt nguồn từ những quan niệm đó, cùng với kinh nghiệm đúc kết sau hơn 40 năm phục vụ trong ngành Y, lương y Nguyễn Hoán đã quyết định xuất bản cuốn sách chữa bệnh mang tên “Diễn ca thuốc Nam chữa bệnh từ Cố đô Hoa Lư”. Theo tác giả thì: “Hầu hết những bệnh ông đề cập đến trong cuốn sách là những bệnh thường gặp trong cuộc sống hàng ngày của người dân. Các vị thuốc cũng là những cây cỏ, thảo dược vô cùng dễ kiếm xung quanh chúng ta. Bình thường người dân Việt Nam thường coi trọng thuốc Tây vì nó nhanh khỏi nhưng lại rất nhiều tác dụng phụ cho cơ thể. Mà lại quên mất rằng thiên nhiên rất ưu đãi cho chúng ta nhiều vị thuốc hay, quý ngay trong vườn nhà, bờ ao... Chỉ là chúng ta chưa biết để sử dụng chúng đúng cách sao cho hữu dụng mà thôi”.

Bài thuốc trên những vần thơ 

Lý giải về việc vì sao lại chọn thể thơ lục bát để viết những bài thuốc chữa bệnh đó, lương y Nguyễn Hoán tâm sự: “Mặc dù theo ngành Y nhưng tâm hồn tôi lại rất yêu thơ ca. Tôi nghĩ thơ ca nó ăn sâu vào tâm hồn mình trong những câu hát, lời ru của bà, của mẹ từ hồi còn nằm nôi, thế mà đến bây giờ ngoại lục tuần rồi tôi vẫn nhớ như in từng câu, từng chữ. Thế mới thấy được sự truyền cảm của thơ ca dân gian nhất là những câu thơ lục bát vừa gần gũi, vừa dễ nhớ. Chính vì thế mà tôi quyết định chọn thể thơ lục bát viết theo dạng “diễn ca” rất tự nhiên, phóng khoáng làm ngôn ngữ chính cho cuốn sách”. 

“Một điều quan trọng nữa mà tôi rất tâm đắc đó là quyển sách mình viết ra chủ yếu nhằm giúp những người nghèo không có tiền, không có hiểu biết về bệnh tật cũng có thể tự cứu lấy bản thân mình. Khi mắc phải những căn bệnh thông thường nếu không chữa trị kịp thời sẽ xảy ra những biến chứng ảnh hưởng đến tính mạng, không thì cũng để lại những hậu quả khôn lường sau này. Nhiều khi đưa cho họ quyển sách y học về họ cũng vứt xó thôi, mà có đọc cũng có mấy ai hiểu được một phần đâu? Nhưng khi đọc thơ, nhất là thể lục bát cho nghe thì ai cũng nhớ, người kém thông minh cũng nhớ được vài phần. Rồi một người biết họ sẽ dạy nhau, truyền tai nhau để cả làng cả xã biết cách mà bảo vệ mình và người thân. Thế là mình đã thành công lắm rồi”, lương y Nguyễn Hoán tâm sự tiếp.

Được biết, hiện tại đến năm 2014 lương y Nguyễn Hoán đã xuất bản được 2 tập thơ “Diễn ca thuốc Nam chữa bệnh từ Cố đô Hoa Lư” với gần 200 bài thuốc Nam. Tập 1 được ông xuất bản đúng dịp cả nước đang nô nức kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội với 1.000 câu thơ. Đây cũng là món quà đầy ý nghĩa mà người thầy thuốc quê đất Ninh Bình này muốn gửi tới mọi người trong khoảnh khắc trọng đại của dân tộc. Một điều đáng khâm phục ở người thầy thuốc này là ông đã dùng chính nguồn lương hưu eo hẹp của mình để in ấn gần 1.000 cuốn sách thuốc rồi đem phát cho mọi người mà không bao giờ đòi hỏi một đồng tiền công nào cả. Trong phút ngẫu hứng, lương y Nguyễn Hoán đã ngâm một bài thuốc về cách chữa bệnh sởi: “Mạch môn, đậu đỏ, củ mài/ Sa nhân cùng lá dâu ngoài bờ ao/ Hạt sen cần có là bao/ Mười gam vừa đủ vị nào cũng hay/ Muốn cho nhanh chóng sởi bay/ Nhớ đem sắc uống mỗi ngày một thang/ Hai lần nước sắc mang sang/ Ngày mai ta lại tính tang, tính tình…”.

Bài thơ không chỉ cho ta biết triệu trứng và những vị thuốc cần để chữa bệnh sởi mà nó còn chỉ rõ từng vị cần chính xác bao nhiêu gam, và cách sắc thuốc sao cho đúng nhất. Thế mới thấy để hoàn thành một quyển sách thuốc như vậy không hề đơn giản như người ta vẫn nghĩ. Với tập “Diễn ca thuốc Nam chữa bệnh từ Cố đô Hoa Lư” (Nhà xuất bản Y học in ấn và phát hành), lương y Nguyễn Hoán trở thành tác giả duy nhất có công trình khoa học đạt giải Nhì, giải thưởng Khoa học và Công nghệ Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình lần thứ nhất. Ngoài giải thưởng này, tác phẩm của ông còn được trao giải Nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Ninh Bình lần thứ V, được công nhận sáng kiến cấp tỉnh, được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng lao động sáng tạo…

Những kỷ niệm không quên 

Trong suốt chiều dài 42 năm theo nghề, lương y Nguyễn Hoán đã cứu sống rất nhiều người và được chứng kiến bao cảnh vui vầy hạnh phúc của gia đình những người bệnh. Nhưng bên cạnh đó cũng đã rất nhiều giây phút ông chết lặng nhìn những bệnh nhân của mình vĩnh viễn ra đi. Nhiều khi họ ra đi chỉ vì những căn bệnh tưởng như vô hại, nhưng do không biết cách phòng tránh, chữa trị kịp thời mà phải mất mạng. 

Nhắc lại những kỷ niệm buồn trong nghề vẻ mặt ông buồn hẳn: “Nhiều lúc nhìn người bệnh nằm đấy mà mình bất lực, cái cảm giác đó chắc không ai có thể hiểu nổi... Tôi nhớ rõ nhất là trường hợp của một cháu bé ở xã miền núi Trường Yên, huyện Hoa Lư; cháu bị ho nhưng vì hoàn cảnh khó khăn bố mẹ thường xuyên phải đi làm thuê xa nhà không thể chăm chút được cho con. Để thằng bé mới có hơn 2 tuổi đầu ở nhà mùa lạnh cũng chỉ với manh áo mỏng, rồi lại dầm mưa nên khi đưa xuống viện thì cháu đã bị viêm phổi cấp không thể cứu chữa được nữa. Nhìn thằng bé nằm đấy mà đau nhói, giá có ai quan tâm, để ý một chút thì nó vẫn được làm người rồi”…

Nói đến những buồn vui trong nghề có lẽ lương y Nguyễn Hoán nhớ nhất là những ngày tháng chiến đấu cùng đồng đội trong cảnh rừng thiêng, nước độc: “Ngày đó anh em tôi hàng ngày phải sống trong rừng, thiếu thốn đủ thứ. Phải nói là muối còn chẳng dám ăn mặn thì lấy đâu ra thuốc thang mỗi khi bệnh tật. Sống cảnh màn trời chiếu đất lâu ngày hầu hết ai cũng bị mắc bệnh sốt rét, ghẻ lở, viêm phổi… Vì chẳng có thuốc thang gì nên nhiều người đã phải vùi xác vì bệnh tật trong rừng khi chưa đến ngày độc lập. Mỗi lần như vậy tôi lại thấy sợ, sợ vì mất đồng đội và sợ một ngày nào đó chính mình cũng sẽ gục ngã vì bệnh tật”. Không cam chịu số phận, lại sẵn có nghề thuốc trong tay, Nguyễn Hoán đã tự mình mày mò tìm từng cây thuốc, vị thuốc rồi pha chế chúng tạo ra những phương thức chữa bệnh hiệu quả ngay trong rừng núi. Giai đoạn đầu vì chưa dám chắc vào khả năng nhận biết cây thuốc của mình nên mỗi lần pha chế ông lấy chính bản thân mình ra để làm thí nghiệm. Nhớ lại ngày đó ông cười vui vẻ: “may mà không bị trúng độc lần nào chứ không thì chưa tìm được thuốc quý đã chết vì độc rồi…”. Khi đã nắm vững những bài thuốc Nam trong tay, ngoài việc chữa trị cho đồng đội thì đi đến đâu Nguyễn Hoán cũng tìm mọi cách để chạy chữa, truyền dạy cho bà con các dân tộc thiểu số biết cách pha chế để tự chữa bệnh cho mình. 

Ông nhớ lại: “Có lần đi công tác ở Tuyên Quang, giữa đường gặp một người phụ nữ bị cảm nắng đang nằm giữa đường, hơi thở còn rất yếu. Người dân hiếu kỳ thì xúm lại rất đông. Tôi vội vàng bảo mọi người mau đưa cô ấy vào chỗ mát và tránh ra xa cho không khí đỡ ngột ngạt. Sau đó nhờ có kinh nghiệm nên tôi nhờ người dân gần đó đi kiếm những vị cây cỏ sắc nước cho uống. Lát sau cô gái đó hồi tỉnh, người nhà họ còn xuống tận nhà cảm ơn, mua nhiều quà và hậu tạ một số tiền lớn nhưng tôi nhất quyết không nhận. Từ ngày đó năm nào cả nhà cô gái cũng xuống tận nơi để chúc Tết”… Đặc biệt là từ khi xuất bản 2 quyển sách chữa bệnh bằng thơ lục bát, trong mỗi chuyến đi chơi, hay công tác xa lương y Nguyễn Hoán đều đem theo để tặng bà con làm tư liệu để tự bảo vệ mình. “Chắc là mọi người thấy sách của tôi có hiệu quả nên hầu như ngày nào cũng có người gọi điện cảm ơn, rồi thì kể chuyện bệnh tật, chuyện gia đình rất tình cảm. Cũng có người không có sách thì gọi điện kể triệu trứng rồi tôi lại bày cho họ cách chữa. Nhiều người ở xa như tận mãi Hà Giang, Tuyên Quang, hay Quảng Bình vẫn thường xuyên gửi  lời cảm ơn, quà về tận đây cho gia đình”, lương y Nguyễn Hoán cho biết.