Ứng phó với “ác mộng” về biến thể mới tiến hóa hơn Omicron

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngay cả khi số ca nhiễm mới Covid-19 hàng ngày liên tục phá kỷ lục, các nhà dịch tễ học đã đi đến một sự đồng thuận có lẽ đáng ngạc nhiên: Các biến thể trong tương lai có thể kết hợp những đặc điểm nguy hiểm nhất của các dòng SARS-CoV-2 cũ hơn để gây ra hậu quả tàn khốc.
Biến thể lai giữa các chủng Delta và Omicron có thể là “cơn ác mộng” tiếp theo của đại dịch Covid-19

Biến thể lai giữa các chủng Delta và Omicron có thể là “cơn ác mộng” tiếp theo của đại dịch Covid-19

Nguy cơ ở những người chưa tiêm chủng

Omicron đã khiến các cơ quan y tế trên toàn thế giới cảnh giác cao độ sau khi Nam Phi ghi nhận những ca nhiễm đầu tiên vào tháng 11-2021. Trên toàn thế giới, tuần đầu tiên của tháng 1-2022 đã ghi nhận hơn 10 triệu ca nhiễm mới - con số gần gấp đôi so với tuần tồi tệ nhất ở đợt dịch trước, vào tháng 5-2021. Trong số này, nước Mỹ có khoảng 3 triệu người, nơi biến thể Omicron bùng phát trùng với dịp Lễ Tạ ơn, Giáng sinh và năm mới cũng như các chuyến du lịch và họp mặt gia đình liên quan. Biến thể mới nhất Omicron có khả năng lây truyền cao nhưng nhìn chung không gây ra bệnh nghiêm trọng và số ca tử vong ít nhất là không ở mức độ báo động như các đợt dịch trước.

Số ca tử vong có xu hướng chậm lại trong vài tuần khi biến thể Omicron trở nên thống trị khiến các nhà thống kê gọi là “sự tách rời” số ca nhiễm và tử vong. Giả sử sự phân tách đang diễn ra, các chuyên gia cho rằng do 2 yếu tố: Đầu tiên, Omicron có xu hướng lây nhiễm sang cổ họng mà không nhất thiết phải đi đến phổi, nơi có khả năng gây tổn thương lâu dài hoặc tử vong cao hơn rất nhiều. Thứ hai, đến nay, các quốc gia đã sử dụng gần 9,3 tỷ liều vaccine - đủ để phần lớn dân số thế giới được tiêm ít nhất một liều. Nhờ sự bảo vệ này, người nhiễm Omicron có thể giảm đáng kể mức độ nghiêm trọng của nó.

“Những người có sức khỏe và đã tiêm tăng cường, việc nhiễm virus chỉ giống cảm lạnh thông thường hoặc sụt sịt chút ít”, ông Eric Bortz, chuyên gia về virus học và sức khỏe cộng đồng của Đại học Alaska- Anchorage mô tả.

Nhưng so với các biến chủng cũ, Omicron có khoảng 50 đột biến chính, khoảng 30 đột biến trong số đó nằm trên protein đột biến giúp virus xâm nhập vào tế bào của con người. Một số đột biến có liên quan đến khả năng né tránh kháng thể của virus và do đó tránh được một phần vaccine. Cấu tạo di truyền của các biến thể chỉ ra sự gia tăng đột biến số ca nhiễm ở những người chưa được tiêm chủng.

Điều đó nói lên rằng, miễn là chúng ta có những người chưa được tiêm chủng thì sẽ có tiềm năng phát sinh các biến thể virus mới. Nhiều nhà dịch tễ học đã thở phào nhẹ nhõm trước tỷ lệ tử vong tương đối thấp của Omicron đang dự đoán rằng, dòng virus tiếp theo có thể còn tồi tệ hơn nhiều.

Chiến lược y tế mới

Virus tiến hóa để tồn tại, ví như nó có khả năng lây truyền cao hơn, tránh được kháng thể hoặc nhiễm trùng nghiêm trọng hơn. Không loại trừ một biến chủng mới có khả năng truyền nhiễm như Omicron nhưng cũng tấn công phổi như Delta hay thậm chí còn lão luyện hơn Omicron trong việc trốn tránh vaccine. Đó sẽ là một biến chủng gây ác mộng và khó có thể hình dung được tương lai chúng ta sẽ ra sao. Nghịch lý là dù có đủ nguồn cung cấp vaccine, nhiều người - ngay như nước Mỹ có khoảng 50 triệu người - nói rằng họ sẽ không bao giờ tiêm. Điều này sẽ tạo điều kiện cho mầm bệnh SARS-CoV-2 có nhiều cơ hội để đột biến.

Tệ hơn nữa, sự tiến hóa liên tục của virus này đang diễn ra trong bối cảnh khả năng miễn dịch đang suy yếu. Các kháng thể, cho dù là do vaccine tạo ra hay xuất hiện tự nhiên từ lần nhiễm trước đây, sẽ mất dần theo thời gian. Không phải vô cớ mà các cơ quan y tế ở nhiều quốc gia khuyến khích tiêm nhắc lại chỉ 3 tháng sau khi tiêm chủng ban đầu. Và chừng nào dịch bệnh chưa chấm dứt, con người ta sẽ cần tiêm mũi thứ tư, thứ năm, thứ sáu…

Israel, quốc gia dẫn đầu thế giới về y tế toàn cầu, đã biến kỳ vọng chấm dứt đại dịch thành chính sách của họ. Bộ Y tế nước này đã bắt đầu cung cấp liều vaccine ngừa Covid-19 thứ tư cho bất kỳ ai trên 60 tuổi, những người có xu hướng dễ lây nhiễm hơn. Các chuyên gia ủng hộ chiến lược y tế mới đang được thử nghiệm sớm ở Israel: phác đồ 4 mũi tiêm vaccine MRNA. “Tôi nghĩ đây sẽ là chiến lược trong tương lai,” Edwin Michael, nhà dịch tễ học tại Trung tâm Nghiên cứu Bệnh Truyền nhiễm Sức khỏe toàn cầu tại Đại học Nam Florida, Mỹ cho biết. Họ cho rằng, chiến lược này có cơ sở khoa học, lại an toàn với sức khỏe con người.

Nếu xét nhược điểm của chiến lược đó thì rõ ràng là, các quốc gia nghèo hơn, chủ yếu ở châu Phi, nhiều nơi vẫn phải vật lộn để tiếp cận với bất kỳ loại vaccine nào, chưa nói đến thuốc tăng cường và liều thứ tư. Nếu và khi các quốc gia giàu có khác áp dụng chính sách như Israel thì việc phân bổ vaccine toàn cầu sẽ tiếp tục có sự không công bằng. Giải pháp chỉ có thể là các quốc gia sản xuất vaccine phải đẩy mạnh hơn nữa sản lượng và cộng đồng cần nỗ lực hơn nữa để đưa vaccine tới các cộng đồng ít được đặc quyền nhất.

Phát hiện chủng Covid-19 lai các biến thể Delta và Omicron

Một nhóm các nhà khoa học từ Đại học Cyprus đã phát hiện một chủng virus SARS-CoV-2 mới là dạng biến thể lai giữa các chủng Delta và Omicron nên đặt tên là Deltacron. Tờ Cyprus Times trích dẫn lời ông Leondios Kostrikis, nhà nghiên cứu hàng đầu Cộng hòa Cyprus ngày 8-1 cho biết, họ đã phát hiện 25 mẫu như vậy và gửi đến GISAID - tổ chức cơ sở dữ liệu quốc tế theo dõi những thay đổi trong virus. Bộ trưởng Y tế Michalis Hadjipantela cho rằng, 2 chủng virus đã tồn tại ở nước này nên biến thể mới không phải là nguyên nhân gây lo ngại.